Các đại biểu thực hiện nghi thức Chào cờ. |
Các đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa, điều hành kỳ họp.
Dự kỳ họp, về phía đại biểu TƯ có đồng chí Nguyễn Vân Chi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.
Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Đức Trung – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ĐBQH tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu khách mời.
Các đồng chí chủ trì kỳ họp. |
Kỳ họp thứ 25 sẽ diễn ra trong 2 ngày 5-6/12. Đây là kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, có ý nghĩa rất quan trọng, khối lượng công việc rất lớn, số Nghị quyết được xem xét, thông qua lớn nhất trong các kỳ họp từ trước đến nay. Kỳ họp tiếp tục đổi mới theo hướng giảm thời gian trình bày báo cáo, tăng thời lượng thảo luận, rút gọn xuống còn 02 ngày, giảm 01 buổi so với các kỳ họp thường lệ trước đây.
Trong Chương trình, HĐND tỉnh sẽ xem xét, cho ý kiến về tình hình kinh tế – xã hội năm 2024, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025; kết quả thực hiện dự toán thu, chi ngân sách năm 2024; dự toán và phương án phân bổ ngân sách năm 2025; tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025; kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn Ngân sách trung ương thực hiện 03 Chương trình Mục tiêu quốc gia năm 2025, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 nguồn ngân sách địa phương.
HĐND tỉnh cũng sẽ tiến hành thảo luận tổ (4 tổ) và thảo luận tại hội trường. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào ngày 6/12 tập trung vào 2 nhóm vấn đề đối với lĩnh vực y tế và văn hoá – thể thao.
Toàn cảnh phiên khai mạc. |
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh Tiếp tục tinh thần đổi mới, linh hoạt và đồng hành với sự phát triển của tỉnh nhà, trong gần một năm qua, Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức thành công 1 kỳ họp thường lệ và 6 kỳ họp chuyên đề – năm tổ chức nhiều kỳ họp nhất từ trước đến nay, đã thông qua 121 Nghị quyết, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của tỉnh.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc kỳ họp. |
Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng, vì vậy Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn; làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách.
“Đề nghị kỳ họp tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương cũng như các chính sách của tỉnh, tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn trong chính sách nhằm phát huy được nguồn lực, tận dụng được cơ hội phát triển; dự báo sát với tình hình thời gian tới, từ đó, đề xuất giải pháp để “tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt” và“tăng tốc, bứt phá thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2024, 2025”, gắn với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 – 2025” – Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh.
Các đại biểu dự kỳ họp. |
Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 – Kỳ họp thứ 25 là kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng, khối lượng công việc rất lớn, số Nghị quyết được xem xét, thông qua lớn nhất trong các kỳ họp từ trước đến nay. Vì vậy, Chủ tịch HĐND tinh cũng đề nghị các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần đổi mới, trách nhiệm, phát huy trí tuệ, nghiên cứu kỹ các nội dung, tích cực thảo luận tại Tổ và Hội trường, tham gia chất vấn, thể hiện chính kiến rõ ràng, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tạo sự thống nhất cao để Hội đồng nhân dân quyết định đúng pháp luật, phù hợp tình hình thực tiễn. Đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương được Hội đồng nhân dân tỉnh mời dự kỳ họp tham gia đầy đủ, đóng góp tích cực vào các nội dung của Kỳ họp.
Tinh thần chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo và điều hành
Báo cáo tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An cho biết: Ngay từ đầu năm, bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Nghệ An đã bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 152/QĐ-UBND ngày 18/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, gồm 06 nội dung trọng tâm chỉ đạo, điều hành, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 178 nhiệm vụ cụ thể được giao cho các sở, ngành; đồng thời, xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2024 theo từng quý và cả năm; thành lập 05 Tổ công tác do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đồng chí Bùi Thanh An – Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh năm 2024, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025. |
Sự quyết liệt, chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành đã giúp Nghệ An ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh. Trách nhiệm của các ngành và địa phương được nâng cao, từ đó tạo ra những đột phá trong các lĩnh vực kinh tế, hạ tầng và văn hóa.
Tăng trưởng GRDP ấn tượng, đứng thứ 13 toàn quốc
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng và nỗ lực của người dân, doanh nghiệp; tình hình kinh tế – xã hội có những chuyển biến rất tích cực; dự kiến hoàn thành đạt và vượt 27/28 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2024 đã đề ra.
Tăng trưởng kinh tế và phát triển các ngành, lĩnh vực có sự phục hồi tích cực, trong đó có những điểm sáng đáng ghi nhận: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9,01%, (đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, thứ 3 Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (sau Thanh Hoá, Khánh Hoà) và thứ 13 cả nước); trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,14%; khu vực công nghiệp – xây dựng ước tăng 13,61% (riêng công nghiệp tăng 15,82%); khu vực dịch vụ ước tăng 7,88%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 8,08%.
Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 23.751 tỷ đồng, vượt 49,3% dự toán, vượt 10,4% thực hiện năm 2023 (là năm thứ 3 liên tiếp vượt mốc 20.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và tiệm cận chỉ tiêu thu ngân sách của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19); trong đó, thu nội địa ước thực hiện 22.000 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 1.650 tỷ đồng. Có 19/21 huyện, thành phố, thị xã đều vượt dự toán thu do HĐND tỉnh giao.
Sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tiếp tục giữ được mức tăng trưởng ổn định. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt trên 1,23 triệu tấn, tăng 0,93% so với cùng kỳ. Chăn nuôi phát triển tốt, công tác phòng, chống dịch, bệnh cho gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Diện tích trồng mới rừng tập trung ước đạt 20.500 ha, sản lượng gỗ ước đạt 1,6 triệu m3. Tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt 266.500 tấn.
Các đại biểu dự kỳ họp. |
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Luỹ kế đến cuối năm 2024, dự kiến toàn tỉnh có 327 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 79,56% tổng số xã (trong đó có 127 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 25 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); có 11 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM.
Sản xuất công nghiệp được phục hồi mạnh mẽ; Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 11,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,5% (nhất là sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô ước đạt 580 triệu sản phẩm, tăng gấp đôi so với cùng kỳ). Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 107.000 tỷ đồng, tăng 12,5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,7 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt trên 3,2 tỷ USD (là năm thứ 4 liên tiếp vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh).
Công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm. Thành lập 01 Tổ công tác cấp tỉnh, 02 Tổ công tác cấp phòng và phân công nhiệm vụ cho các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan theo dõi từng dự án; 100% chủ đầu tư có cam kết và xây dựng kế hoạch giải ngân hàng tháng; rà soát, tổng hợp tiến độ giải ngân 10 ngày 1 lần. Kịp thời rà soát, kiên quyết điều chỉnh, cắt giảm kế hoạch vốn đối với các dự án có tiến độ chậm, không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không đúng cam kết để bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ tốt.
Tính đến ngày 30/11/2024, tổng nguồn vốn đầu tư công đã giải ngân 7.166,388 tỷ đồng, đạt 69,65% tổng kế hoạch. Nếu không tính 363,308 tỷ đồng mới giao bổ sung tại Quyết định số 1306/QĐ-TTg ngày 01/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ thì tỷ lệ giải ngân đạt 72,2% (cao hơn so với cùng kỳ 67,17% và cao hơn bình quân cả nước (60,43%). Dự kiến hết năm 2024, tổng vốn đầu tư công ước giải ngân đạt trên 95% tổng kế hoạch.
Các công trình, dự án, nhất là các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh (như đường giao thông nối Vinh – Cửa Lò giai đoạn 2, đường nối Quốc lộ 7C đến đường Hồ Chí Minh, đường ven biển) được tập trung chỉ đạo, hoàn thành đưa vào sử dụng. Các công trình, dự án trọng điểm của Trung ương trên địa bàn như: đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông (đoạn Diễn Châu – QL46B), dự án đường dây 500kV mạch 3… được tập trung chỉ đạo quyết liệt và hoàn thành đúng tiến độ.
Thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng, với tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm của các dự án đạt trên 59,62 ngàn tỷ đồng (tính đến ngày 30/11/2024); trong đó thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt xấp xỉ 1 tỷ 568 triệu USD (dự kiến cả năm đạt trên 1,69 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, kỳ vọng giữ vững tốp 10 các địa phương thu hút FDI của cả nước).
Các đại biểu dự phiên khai mạc. |
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, an sinh xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực, rõ nét. Trong đó, lĩnh vực văn hóa – xã hội, giáo dục tiếp tục là điểm sáng, Năm 2024, Nghệ An tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về chất lượng giáo dục mũi nhọn. Kết quả thi tốt nghiệp THPT xếp thứ 12 cả nước, tăng 10 bậc so với năm 2023.
An sinh xã hội đảm bảo: Tỉnh đã hỗ trợ việc làm cho hơn 48.500 lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,12% (giảm 1,07% so với đầu năm).
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở, đến nay đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 11.976 nhà, đạt 73% nhu cầu của cả giai đoạn 2023-2025. Tỷ lệ làng, bản văn hóa đạt 69,8%, thiết chế văn hóa – thể thao tại phường, xã đạt chuẩn lên tới 79,3%.
Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo và có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo (năm 2024, Công an Nghệ An đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân). Công tác đối ngoại, hợp tác liên kết phát triển được triển khai chủ động, đồng bộ, hiệu quả, toàn diện.
10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Năm 2025, Nghệ An đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu: Gồm 28 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó: Tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 9,5-10,5%, thu NSNN 17.726 tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu 4,5 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 71-72 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,0-1,5%;…
Để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch năm 2025, UBND tỉnh đã đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện. Trong đó, tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; tập trung rà soát, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2026-2030; đẩy mạnh thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị; tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh ngay từ đầu năm.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực.
Các đại biểu dự kỳ họp. |
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng quyết liệt, hiệu quả. Tận dụng cơ hội để bứt phá trong thu hút đầu tư trên đà những năm vừa qua; quyết tâm giữ vững vị trí trong tốp 10 cả nước về thu hút vốn FDI.
Chú trọng phát triển văn hoá – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ.
Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường sống; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chủ động thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng – cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Trung ương. Đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đặc biệt là phát huy cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng”. Tập trung cao độ để ứng phó với tất cả mọi tình huống xảy ra trên địa bàn tỉnh, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.
Triển khai có hiệu quả Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2025. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển với các địa phương.
Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách để tạo sự đồng thuận cao và phát huy sức mạnh của toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh – Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt hoạt động Mặt trận Tổ quốc tỉnh. |
Đồng chí Nguyễn Nam Đình – Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt nội dung các tờ trình, dự thảo Nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh trình kỳ họp. |
Tiếp đó, HĐND tỉnh đã nghe đại diện lãnh đạo UBND tỉnh báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế – xã hội năm 2024, nhiệm vụ năm 2025. Ủy ban MTTQ tỉnh thông báo tóm tắt về hoạt động của MTTQ tỉnh tham gia xây dựng chính quyền, ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trong tỉnh; đề xuất, kiến nghị với HĐND, UBND tỉnh những vấn đề cần thiết; Thường trực HĐND tỉnh báo cáo tóm tắt nội dung các tờ trình, dự thảo Nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh trình kỳ họp; đại diện UBND tỉnh báo cáo tóm tắt nội dung tờ trình, dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh trình kỳ họp; Thường trực HĐND tỉnh báo cáo tóm tắt kết quả thẩm tra của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh về các báo cáo, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp.
Đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt các tờ trình của UBND tỉnh trình kỳ họp. |
Đồng chí Cao Tiến Trung – Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề về thực hiện đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh Nghệ An. |
Kỳ họp cũng đã nghe Đoàn giám sát của HĐND tỉnh báo cáo tóm tắt kết quả giám sát về kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh Nghệ An (từ năm 2021 đến năm 2023).
Ngay sau phiên khai mạc, HĐND tỉnh đã chia thành 4 tổ và tiến hành phiên thảo luận tổ.
Nguồn: https://www.truyenhinhnghean.vn/thoi-su-chinh-tri/202412/khai-mac-trong-the-ky-hop-thu-25-hdnd-tinh-nghe-an-khoa-xviii-4e11495/