Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính ở Nhà Văn hóa Lao động tỉnh có các đồng chí: Trương Thị Mai – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng; Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Minh Khái – Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hưng – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Khắc Định – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.
Tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Trung tướng Lê Tấn Tới – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hoàng Đăng Quang – Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Trung tướng Nguyễn Doãn Anh – Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; Đỗ Trọng Hưng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; Hoàng Trung Dũng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh và đồng chí Nguyễn Long Hải – Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương. Cùng dự có các đồng chí đại diện lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo Quân khu IV; lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Về phía lãnh đạo tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo chủ chốt các ban, sở, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã.
Cùng với 700 đại biểu tại điểm cầu chính, hội nghị được kết nối trực tuyến đến 655 điểm cầu; trong đó, có 30 điểm cầu cấp huyện, đảng ủy trực thuộc và 625 điểm cầu cấp xã, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh. Dự kiến tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân tham gia khoảng 42.000 người/655 điểm cầu.
Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 – NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, để Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, sớm trở thành tỉnh khá của cả nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39 -NQ/TW ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là văn kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với quê hương của Bác Hồ kính yêu, tạo điều kiện để tỉnh Nghệ An phát triển tương xứng với vị trí, vai trò trong khu vực Bắc Trung Bộ, phù hợp mong muốn, kỳ vọng của Trung ương và nhân dân cả nước.
Việc Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị nhằm quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết số 39-NQ/TW đến các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tỉnh Nghệ An; các ban, bộ, ngành liên quan ở Trung ương và các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu để triển khai thực hiện có hiệu quả; đồng thời, gắn với đó là xây dựng các chương trình hành động thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ quan, địa phương, đơn vị.
Hội nghị đã được nghe đồng chí Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương trình bày những nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 39-NQ/TW.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Việc ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với tỉnh Nghệ An và đáp ứng được những kỳ vọng, mong muốn, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh trong bối cảnh phát triển mới.
“Đây là cơ sở chính trị rất quan trọng trong việc tiếp tục nghiên cứu trong quá trình thể chế hóa, ban hành các cơ chế, chính sách mới cho phép khai thác được tốt, có hiệu quả ở mức cao nhất các tiềm năng lợi thế cho Nghệ An để đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Theo đó, Nghị quyết số 39 -NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng mục tiêu đến năm 2030, Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ.
Để thực hiện thành công mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 39-NQ/TW, Bộ Chính trị chỉ rõ: Xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Nghệ An và cả nước; đồng thời đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm:
Thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển toàn diện, nhanh, mạnh hơn; phát huy truyền thống, văn hóa mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển. Đồng thời xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường liên kết phát triển.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển Nghệ An thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tập trung phát triển mạng lưới đô thị, nhất là các đô thị trung tâm; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số.
Tập trung phát triển Nghệ An thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ, y tế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo. Tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển.
Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường; nâng cao khả năng ứng phó và thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nhất là khu vực biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo của Tổ quốc; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
(Báo Nghệ An tiếp tục cập nhật)