Có mặt tại xã Chi Khê, huyện Con Cuông những ngày này, chúng tôi thấy một số điểm thu mua keo khá vắng lặng. Anh Trần Văn Minh – một chủ chuyên thu mua keo chia sẻ: Ngày trước, xe tải chở keo vào ra nhộn nhịp, mỗi ngày cơ sở thu mua 30-40 tấn keo, nhưng từ đầu tháng 12/2023 đến nay bỗng dưng keo rớt giá, từ 1,2 triệu đồng/tấn giảm xuống 950.000 đồng đến 1 triệu đồng/ tấn, nên nhiều bà con không chặt cây bán vì tâm lý chờ giá lên.
Chị Vị Thị Tình ở xã Chi Khê tâm sự: Gia đình có 2 ha keo đã đến tuổi thu hoạch, định cắt bán lấy tiền tiêu Tết nhưng với giá quá rẻ, chưa đầy 1 triệu đồng/tấn, trừ chi phí tính ra là lỗ.
Ông Nguyễn Ngọc Lam – Giám đốc Công ty lâm nghiệp Con Cuông cho biết thêm: Mỗi tháng, đơn vị thu mua trên 200 tấn keo để chế biến ván bóc gỗ keo, tiêu thụ thị trường nội địa, nhưng mấy tháng vừa qua ván bóc gỗ keo giảm mạnh, giá từ 3,2 triệu đồng/tấn, nay giảm xuống 2,5 triệu đồng/tấn. Mức giá đó không đủ chi phí sản xuất nên đơn vị chỉ hoạt động cầm chừng để giữ chân công nhân.
Ông Lô Văn Lý – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông cho biết thêm: Trong năm 2023, giá keo nguyên liệu không ổn định, lên xuống thất thường khiến người trồng keo lo lắng. Hiện nay, các điểm thu mua keo ở địa bàn huyện thu mua nhỏ giọt, thậm chí một số điểm tạm dừng thu mua do không bán được hàng.
Khó khăn đặt ra hiện nay là việc không bán được keo nguyên liệu bà con sẽ không có tiền để trang trải dịp Tết cuối năm. Chưa kể, một số nơi tạm dừng khai thác keo cũng kéo theo những hệ lụy như nhiều lao động chặt keo, bốc vác không có việc làm, hệ thống xe vận tải chở keo cũng phải “nằm” chờ việc.
Hiện tại, địa bàn tỉnh có khá nhiều cơ sở chế biến gỗ keo hoạt động cầm chừng. Như tại cơ sở chế biến gỗ keo ở xã Tân Thành, huyện Yên Thành, các dây chuyền đều đang tạm dừng sản xuất. Chủ cơ sở này chia sẻ: Đơn vị chủ yếu sản xuất gỗ ghép ván thanh tiêu thụ thị trường nội địa, trước đây giá 10 triệu đồng/m3, nay chỉ giảm còn 7 triệu đồng/m3. Giá rẻ nhưng lại khó tiêu thụ nên đơn vị đang còn tồn kho trên 2.100 m3 sản phẩm gỗ ghép thanh; đặc biệt, trước đây công ty có trên 50 lao động thì giờ chỉ còn duy trì được 20 lao động.
Thời điểm này, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nông nghiệp Sông Hiếu cũng đang tồn kho gần 1000 m3 sản phẩm gỗ ghép thanh, trị giá tiền hàng trên 10 tỷ đồng. Đại diện công ty cho biết, các mặt hàng này lâu nay chủ yếu xuất đi Mỹ và tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, mấy tháng vừa qua rất khó khăn trong khâu tiêu thụ, đơn vị phải tự tìm các đơn hàng nhỏ lẻ để tiêu thụ sản phẩm nội địa, duy trì nuôi trên 100 công nhân.
Theo một số nhà chuyên môn, nguyên nhân khiến nguyên liệu keo giá bấp bênh thời gian qua là do thị trường thế giới đang hướng đến chất lượng sản phẩm. Trong đó, rừng gỗ lớn, có chứng chỉ FSC (chứng chỉ rừng bền vững) sẽ được các doanh nghiệp ưu tiên tiêu thụ. Trong khi, phần lớn diện tích keo trên địa bàn tỉnh đều là rừng gỗ nhỏ, đa số khai thác keo non chưa đảm bảo chất lượng hàng hoá để chế biến.
Để từng bước tháo gỡ khó khăn, huyện Con Cuông đang phối hợp với các ban, ngành liên quan và doanh nghiệp thực hiện xây dựng trên 2.500 ha đạt chứng chỉ FSC (chứng chỉ rừng bền vững) ở 6 xã gồm xã Bồng Khê, Chi Khê, Đôn Phục, Thạch Ngàn, Mẫu Đức, Châu Khê. Hi vọng, các cánh rừng đạt chứng chỉ FSC sau này sẽ được doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm, bà con không phải lo cảnh giá keo bấp bênh, tư thương ép giá.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh Nghệ An có 26.184 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC trên tổng số 170.000 ha rừng nguyên liệu. Về lâu dài, Nghệ An cần chỉ đạo các địa phương, các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững. Việc được cấp chứng chỉ FSC sẽ có lợi ích tăng giá trị kinh tế, đặc biệt là được các doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định.