Sau 4 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đến nay huyện miền núi Con Cuông đã có 23 sản phẩm OCOP, trong đó có 7 sản phẩm được công nhận 4 sao cấp tỉnh và 16 sản phẩm 3 sao, là một trong ít huyện có nhiều sản phẩm OCOP ở Nghệ An.
Huyện miền núi Con Cuông được biết đến là một địa phương với nhiều nghề truyền thống được công nhận với các sản phẩm độc đáo, đa dạng. Nhiều sản phẩm của huyện Con Cuông đã có thương hiệu riêng như: Cá mát sông Giăng, rượu men lá, rượu cần, thổ cẩm, thịt chua, dưa ống nứa, mây tre đan… mang đậm yếu tố truyền thống.
Ngoài ra, thiên nhiên ưu đãi cho huyện này tiềm năng để phát triển các sản phẩm nông sản có lợi thế như: cây dược liệu, giảo cổ lam, cao hà thủ ô, rau quả tươi… Đây là những thuận lợi cho huyện Con Cuông phát triển hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Bên cạnh đó, được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền, các ban, ngành địa phương nên phong trào khởi nghiệp trên địa bàn phát triển mạnh, tạo đà cho các sản phẩm OCOP phát triển.
Các sản phẩm rượu nếp cẩm ở huyện Con Cuông. Ảnh: Bá Hậu |
Thực hiện Chương trình OCOP, giai đoạn 2019-2022, đến nay, huyện Con Cuông đã tập trung hỗ trợ, phát triển hoàn thiện và chuẩn hóa một số sản phẩm như mây, tre đan, dệt thổ cẩm, rượu men lá, các làng du lịch cộng đồng. Tỉnh đã công nhận 7 sản phẩm được xếp hạng 4 sao như: Trà túi lọc cà gai leo, trà túi lọc dây thìa canh, trà túi lọc giảo cổ lam, cao cà gai leo, cao dây thìa canh, trà hòa tan cà gai leo, trà hòa tan dây thìa canh của Công ty Dược liệu Pù Mát, ngoài ra, còn nhiều sản phẩm khác như rượu nếp cải khâu hin, rượu nếp men lá, viên hoàn dây thìa canh, du lịch cộng đồng bản Nưa, du lịch cộng đồng bản Khe Rạn, rượu men lá Lê Đông, rượu men lá Châu Liên, rượu nếp cẩm Thảo My…
Sản phẩm cà gai leo đạt 4 sao của Công ty Dược liệu Pù Mát. Ảnh: Tư liệu |
Khi huyện Con Cuông đang từng bước phát triển trở thành điểm du lịch hấp dẫn của miền Tây xứ Nghệ cũng như cả nước, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế thăm quan, lãnh đạo huyện Con Cuông cho biết, sẽ tạo điều kiện cho đơn vị đưa sản phẩm OCOP vào các điểm du lịch của huyện để quảng bá các sản phẩm đặc sản của huyện. Đồng thời, huyện Con Cuông đã tiến hành khảo sát các sản phẩm đăng ký trên địa bàn và đang tập trung hỗ trợ, hoàn thiện, phát triển để tiến tới được cấp chứng nhận. Điều dễ nhận thấy là trên địa bàn các sản phẩm địa phương rất được quan tâm, được thành lập hợp tác xã, được tập huấn, hỗ trợ ứng dụng KHCN, được tháo gỡ khó khăn và giới thiệu tìm đầu ra sản phẩm…
Về thôn Liên Tân, xã Bồng Khê (Con Cuông) hỏi thăm cơ sở rượu nếp truyền thống Thảo My ai cũng biết, bởi đây là cơ sở sản xuất rượu đã và đang giữ được nét truyền thống lâu đời, đồng thời vẫn đáp ứng các tiêu chí của sản phẩm hiện đại cần có, tạo uy tín với khách hàng trong và ngoài địa phương.
Chị Vi Thảo My – chủ cơ sở rượu nếp cẩm Thảo My cho biết: Sự khác biệt của rượu nếp cẩm truyền thống Thảo My là được sản xuất theo phương pháp truyền thống (gạo nếp cẩm, ngâm nước sạch, hông chín thành xôi, trộn với men lá với gần 12 loại thảo dược thiên nhiên, ủ lên men theo quy trình, thời gian nghiêm ngặt, sau ép lấy tinh nguyên chất từ xôi ủ thành rượu nếp cẩm Thảo My (thông thường mẻ thành công thì 20 kg nếp mới ép được 10 lít rượu nếp cẩm), nên giá thành cao hơn rượu nếp cẩm trôi nổi trên thị trường.
Ngoài sản phẩm rượu nếp cẩm thì cơ sở còn có thêm sản rượu nếp men lá, rượu nếp cái khâu hin, tất cả đều được nấu theo phương pháp truyền thống nên giữ nguyên hương vị đặc trưng, khẩu vị cay ngọt, uống không gây đau đầu, uống say không mệt và đào thải nhanh. Sản phẩm đóng can nhựa 5 lít, 10 lít, 20 lít, phục vụ lễ, tết theo nhu cầu khách hàng, trên mỗi sản phẩm đều có dán tem truy xuất nguồn gốc và ngày sản xuất rõ ràng.
Nguyên liệu đầu vào là nguồn nước máy và gạo nếp của nhân dân trong vùng sản xuất ra. Men làm rượu được sử dụng men lá của đồng bào người Thái. Tất cả nguyên liệu đều được kiểm soát cặn kẽ nguồn gốc , các sản phẩm đã được trưng bày ở các hội chợ, các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, huyện và xã , được người tiêu dùng gần, xa biết đến. Đến nay, các sản phẩm của cơ sở đều đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh.
Đối với Công ty Dược liệu Pù Mát, ngoài sự nỗ lực của đơn vị, công ty cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của huyện và tỉnh cho thành công hôm nay, anh Phan Xuân Diện – Giám đốc Công ty Dược liệu Pù Mát cho biết: “Trong sản xuất hàng hóa, chúng tôi đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, tận dụng tiềm năng thiên nhiên ưu đãi cho huyện nhà để phát triển nên những sản phẩm chất lượng tốt nhất, góp phần tạo việc làm cho hàng chục địa phương cũng như góp phần làm cho du khách biết tới thảo dược quý của Con Cuông”.
Hay như dịch vụ du lịch cộng đồng tại bản Xiềng, xã Môn Sơn được hình thành từ những năm 2012, từ đó đến nay, mỗi năm tổ dịch vụ du lịch cộng đồng này đã tiếp đón và phục vụ từ 1.000-2.000 du khách trong và ngoài nước. Cách tổ chức công tác phục vụ được tổ chức bài bản, mang tính chuyên nghiệp và được du khách đánh giá cao.
Hiện nay, HTX đã và đang triển khai các gói dịch vụ chủ yếu như : Ẩm thực (các món ăn truyền thống của đồng bào người Thái). Lưu trú (dịch vụ ngủ nghỉ nhà sàn qua đêm). Trải nghiệm đi thuyền trên Sông Giăng, dệt thổ cẩm, giao lưu văn nghệ, uống rượu cần.
Các dịch vụ trên được tổ chức dựa trên những yếu tố bản sắc truyền thống kết hợp với yếu tố du lịch có trách nhiệm, sáng tạo đã tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn, giúp du khách tham quan tìm hiểu nét văn hóa cộng đồng của người dân tộc Thái trên địa bàn huyện Con Cuông.
Với chất lượng phục vụ du khách ngày càng được nâng cao nên đã thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm ngày càng đông, qua đó, đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình cũng như các thành viên HTX Nông nghiệp & Du lịch cộng đồng Môn Sơn.
Huyện Con Cuông mỗi năm thu hút từ 30-40 nghìn lượt khách du lịch, nhưng quà để cho du khách mua hay những sản phẩm đặc sắc phục vụ du khách lưu trú vẫn chưa nhiều. Đây chính là tiềm năng mà các chủ thể OCOP của Con Cuông còn phát triển được các sản phẩm địa phương.
Theo ông Lương Đình Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông: Mặc dù là huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao của Huyện ủy, UBND huyện và các chủ thể OCOP đang tạo ra những bước ngoặt cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước làm thay đổi tư duy, biến những tiềm năng, lợi thế từ núi rừng thành sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho chủ thể và người lao động, góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hoá của đồng bào ở huyện Con Cuông trở thành sản phẩm OCOP nổi bật ở Con Cuông. Ảnh: Tư liệu |
Bá Hậu