Nhiều điểm sáng trong phát triển nông nghiệp và du lịch
Sáng 17/5, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Nghệ An có cuộc làm việc với UBND huyện Kỳ Sơn theo kế hoạch giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế – xã hội tại Nghị quyết số 18, ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025) tỉnh Nghệ An.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Cùng tham gia có các đồng chí Ủy viên Thường trực và lãnh đạo một số ban HĐND tỉnh, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn.
Theo báo cáo của huyện Kỳ Sơn, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 của HĐND tỉnh, huyện Kỳ Sơn đã chủ động và đôn đốc chỉ đạo thông qua ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, quyết định để cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ cùng với các giải pháp chỉ đạo, điều hành cả giai đoạn và từng năm.
Kết quả phát triển kinh tế – xã hội 3 năm (2021 – 2023) trên địa huyện tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp vẫn là “trục” kinh tế chính với việc phát triển sản xuất theo hướng tập trung, gắn áp dụng khoa học công nghệ, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm một số cây trồng.
Điển hình, địa phương đã xây dựng và mở rộng diện tích thâm canh lúa chất lượng cao VNR20, lúa nếp 97…; chè phát triển với tổng diện tích hiện có hơn 2.210 ha; diện tích rừng đảm bảo duy trì khoảng 600 ha. Mở rộng diện tích trồng đào, mận tại các xã Nậm Cắn, Tà Cạ, Tây Sơn, Mường Lống; vùng trồng rau chuyên canh tại các xã Tà Cạ, Hữu Lập.
Huyện cũng tiếp tục phát triển mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng với các loại cây có giá trị kinh tế cao mà địa phương có lợi thế như: đẳng sâm, sâm Puxailaileng, sâm bảy lá một hoa, lan thạch hộc…, tại các xã Tây Sơn, Na Ngoi, Mường Lống.
Chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, kinh tế hộ, tăng tổng đàn và giá trị, nhất là đàn trâu, bò, lợn, gà. Công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc, phát triển rừng được chú trọng, với tổng diện tích bảo vệ gần 109.000 ha; khoanh nuôi khoảng hơn 27.000 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 52%.
Từ sự tập trung chỉ đạo, lĩnh vực nông, lâm nghiệp đã góp phần nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm đạt 4,17%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 25,59 triệu đồng/năm. Công tác an ninh, trật tự và an ninh biên giới được đảm bảo.
14/21 chỉ tiêu dự báo khó đạt
Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của huyện có nhiều hạn chế. Dự báo đến năm 2025 có 14/21 chỉ tiêu kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh khó đạt; trong đó, có 5/7 chỉ tiêu kinh tế, 5/9 chỉ tiêu văn hóa – xã hội, 3/3 chỉ tiêu môi trường và 1/2 chỉ tiêu quốc phòng – an ninh.
Bên cạnh các chỉ tiêu khó đạt, hiện nay, trên địa bàn huyện cũng đặt ra một số khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cấp, các ngành quan tâm tháo gỡ liên quan đến thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp cho người dân; thực hiện các dự án di dân khẩn cấp ở một số khu vực có nguy cơ sạt lở, nhất là dự án xây dựng hạ tầng khu tái định cư cho nhân dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ do bị lũ quét; dự án cấp nước sinh hoạt cho người dân thị trấn Kỳ Sơn; cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa huyện…
Trên cơ sở báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn và trực tiếp khảo sát thực trạng về sự xuống cấp của Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Sơn, dự án cấp nước sạch cho người dân thị trấn, xây dựng hạ tầng khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng thiên tai; các thành viên đoàn giám sát của HĐND tỉnh đề nghị huyện làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; triển khai thực hiện các ngành nghề trọng điểm, lĩnh vực mũi nhọn của huyện; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mua bán người…
Đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế – xã hội dự báo khó đạt vào cuối giai đoạn, cần xác định rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan nhằm có giải pháp cụ thể để khắc phục.
Lồng ghép triển khai có hiệu quả các nguồn lực đầu tư trên địa bàn
Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Nam Đình – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao sự chủ động và đôn đốc chỉ đạo triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của huyện với nhiều kết quả tích cực.
Chia sẻ những đặc thù khó khăn riêng của huyện Kỳ Sơn cùng với những khó khăn trong bối cảnh chung của đất nước, của tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện Kỳ Sơn, trong đó có quyết tâm chính trị của cả hệ thống chưa cao, chưa quyết liệt và tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa được khắc phục.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đề nghị huyện quan tâm rà soát, đôn đốc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt ở mức cao nhất vào cuối nhiệm kỳ, nhất là các chỉ tiêu khó đạt; đồng thời rà soát, dự báo kết quả đạt được giai đoạn 2021 – 2025 để xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2026 – 2030 gắn với các quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo tính khả thi cao.
Kỳ Sơn là địa bàn đặc thù có nhiều chương trình, dự án được quan tâm triển khai đầu tư, vì vậy, huyện cần lồng ghép, điều phối để phát huy hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển chung của địa phương; Quan tâm nghiên cứu để triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành.
Trong sản xuất, quan tâm chỉ đạo sản xuất tập trung, quy mô lớn các sản phẩm có lợi thế gắn với chuỗi giá trị, phát triển các loại hình du lịch; tập trung giải ngân vốn đầu tư công; quan tâm nâng cao chất lượng lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân…
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình cũng đề nghị huyện Kỳ Sơn chú trọng kiện toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, gắn với thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính; quan tâm công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng và công tác đối ngoại…