Vụ lúa hè thu – mùa năm 2023, tại bản Xốp Xăng và bản Pụng của xã Mường Ải (Kỳ Sơn), niềm vui vụ mùa bội thu khiến hàng chục hộ dân phấn khởi ra đồng, tấp nập gặt lúa. Ông Vi Văn Lưu ở bản Xốp Xăng cho biết, vụ hè thu – mùa năm nay là năm đầu tiên bà con bản Xốp Xăng trồng giống lúa mới có tên VNR20, do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn gieo trồng. Lúa giống và phân bón vi lượng, thuốc bảo vệ thực vật được hỗ trợ 100%.
Người dân tham gia đóng góp công chăm sóc và phân chuồng hữu cơ. Cả bản Xốp Xăng trồng 8,4ha giống lúa mới VNR20. Trước đây, người dân trồng giống địa phương, người dân tự để lúa giống, năng suất khoảng 35 tạ/ha. Năm nay mùa đầu tiên trồng giống mới, song người dân rất phấn khởi vì năng suất ước đạt 70 tạ/ha.
Ông Võ Duy Ân, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Kỳ Sơn cho biết, huyện có 815 ha lúa mùa, năng suất bình quân hàng năm đạt khoảng 35 – 38 tạ/ha. Nguyên nhân một phần do trình độ canh tác của người dân sản xuất lúa còn lạc hậu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất chưa nhiều.
Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, sâu bệnh hại xuất hiện ngày càng nhiều, khó phòng trừ, các giống địa phương ngày càng thoái hóa, năng suất thấp, trong khi có nhiều giống mới được chọn vừa có khả năng thích nghi với biến đổi của thời tiết, vừa kháng được các loại sâu bệnh hại,…
Vì vậy, để nâng cao năng suất, sản lượng sản xuất lúa trên địa bàn huyện, trước hết cần phải tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, đưa giống mới vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Kỳ Sơn đã xây dựng mô hình trồng thâm canh giống lúa VNR20 với quy mô 20 ha tại xã Mường Ải, trong đó 11,6 ha tại bản Pụng và 8,4 ha tại bản Xốp Xăng.
Giống lúa VNR20 là giống lúa thuần chất lượng, tiềm năng năng suất cao, có thời gian sinh trưởng ngắn, lá đòng hơi to, đẻ nhánh khỏe, tập trung, gọn khóm và chống đổ tốt. Gạo VNR20 có dạng hạt thon dài, trắng trong, mềm, vị đậm, ngon cơm.
Vụ mùa năm 2023, tuy điều kiện thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, nắng mưa xen kẽ, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại như các loại rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, chuột, sâu đục thân… Song với ưu điểm giống lúa mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, chống gãy đổ khá cao nên cuối tháng 10/2023, các ruộng đã cho thu hoạch.
Trực tiếp tham gia cùng người dân các bản ở xã Mường Ải thu hoạch lúa VNR20, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kỳ Sơn đã tổ chức đánh giá kết quả “Mô hình thâm canh giống lúa chất lượng cao VNR 20”. Quy mô diện tích 20 ha, thử nghiệm tại 2 bản với 30 hộ dân tham gia, tổng kinh phí thực hiện gần 500 triệu đồng. Trong đó, huyện hỗ trợ 370 triệu đồng, người dân đóng góp phân bón hữu cơ và công chăm sóc hơn 100 triệu đồng.
Ông Vi Oanh – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn cho biết, qua thực tế khảo nghiệm thâm canh giống lúa mới này, địa phương cũng như người dân đã đúc rút được các kinh nghiệm quý, giúp việc nhân rộng thành công, hiệu quả cao giống lúa mới trên địa bàn. Ví như, khi cấy lúa, các hộ nên tổ chức đổi công, hoặc thuê những hộ đã được tập huấn để cấy đúng kỹ thuật và cán bộ thường xuyên bám sát đồng ruộng. Cần tuân theo lịch thời vụ và kế hoạch sản xuất của xã, huyện. Từ hiệu quả của mô hình, đề nghị các cấp, ngành, địa phương tuyên truyền để người dân nhận thấy và nhân rộng trong những năm tiếp theo.