Dự lễ khai mạc có đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, các sở, ngành liên quan và lãnh đạo đơn vị phòng ban trực thuộc Sở.
Tham gia lớp tập huấn có 460 cán bộ công chức thuộc phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện và công chức phụ trách địa chính, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu cấp xã.
Lý do phải tăng cường năng lực nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý tài nguyên môi trường cấp huyện và cơ sở là do những năm gần đây, ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu nên tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp.
Cùng với nhiệt độ tăng bất thường thì mưa lũ cũng diễn ra ngày càng phức tạp, gây lũ lụt, ngập úng và xâm ngập mặn, nước biển dâng. Nghệ An là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng tác động mạnh của biến đổi khí hậu khi hạn hán ngày càng nghiêm trọng, nhiều loại hình thời tiết cực đoan đã xuất hiện.
Trong vòng 1 ngày, lớp học được các chuyên gia đến từ Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp lên lớp chia sẻ các thông tin, kiến thức về nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng, tổn thương nhiều nhất.
Tại lớp tập huấn, các chuyên gia giới thiệu các chính sách chung và cam kết của Đảng, Chính phủ về chống biến đổi khí hậu thông qua việc xây dựng, ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường năm 2013, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với nhiều quy định mới; các cam kết tại COP 26; chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2050. Bên cạnh đó, từ chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải nhà kính, trên thị trường đã xuất hiện một số thị trường, sản phẩm mới như cấp chứng chỉ rừng, cấp chứng chỉ và hình thành thị trường giao dịch tín chỉ các-bon…
Tại diễn đàn về chống biến đối khí hậu COP 26, Việt Nam đã ký cam kết, trong đó đến năm 2030, tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường, đến năm 2050 đạt mức phát thải ròng bằng “0”; hiện Chính phủ đã ký ban hành chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với 4 trụ cột là giảm cường độ phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xanh hóa quá trình chuyển đổi…
Cũng trong chương trình tập huấn này, các chuyên gia từ Cục Biến đổi khí hậu sẽ giới thiệu về cơ chế phát thải khí nhà kính và các quy định của pháp luật về giảm nhẹ phát thải nhà kính; tình hình phát triển thị trường các-bon trên thế giới qua cơ chế trao đổi hạn ngạch, cấp tín, thuế các-bon; các quy định pháp luật về lộ trình phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng như thông tin thêm về Nghị định số 02/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về nguồn lực, các chính sách và kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống đánh giá, giám sát tác động do biến đổi khí hậu tại Việt Nam.