Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An; Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.
Cùng dự về phía tỉnh có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh uỷ; Các đồng chí Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, lãnh đạo các Sở, ngành.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dâng lễ lên phần mộ đồng chí Lê Hồng Sơn |
Đoàn đại biểu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An dâng hoa, dâng hương tại phần mộ đồng chí Lê Hồng Sơn ở huyện Nam Đàn. |
Phần mộ đồng chí Lê Hồng Sơn tại huyện Nam Đàn, Nghệ An. |
Toàn cảnh lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm đồng chí Lê Hồng Sơn. |
Trước giờ diễn ra hội thảo, đoàn đại biểu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An đã đến phần mộ và Nhà lưu niệm đồng chí Lê Hồng Sơn tại huyện Nam Đàn dâng hoa, dâng hương tưởng niệm.
Đoàn đại biểu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An dâng hoa, dâng hương tại Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Hồng Sơn ở huyện Nam Đàn. |
Đồng chí Lê Hồng Sơn có tên khai sinh Lê Văn Phơn, thường gọi là Lê Văn Phan, sinh năm 1899 trong một gia đình nhà Nho tại làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu, nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày lịch sử, văn hóa, giàu tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm, thấm nhuần truyền thống vẻ vang của quê hương và noi gương các bậc anh hùng, hào kiệt đi trước, đồng chí Lê Hồng Sơn đã sớm tham gia phong trào đấu tranh yêu nước, quyết dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.
Các đồng chí chủ trì hội thảo. |
Khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị tập trung thảo luận, cung cấp thông tin, tư liệu về một số vấn đề liên quan đến đóng góp của đồng chí Lê Hồng Sơn đối với sự ra đời của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Lê Hồng Sơn – Học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Cộng sản kiên trung, tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và đồng chí Lê Hồng Sơn, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Nghệ An.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn và khai mạc hội thảo. |
“Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang nỗ lực cao độ, tranh thủ mọi thuận lợi, thời cơ, khắc phục mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Học tập tấm gương anh hùng cách mạng, nhiệt huyết yêu nước, sự hy sinh trọn đời cho Tổ quốc, cho Nhân dân của đồng chí Lê Hồng Sơn, càng có thêm ý chí phấn đấu và quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội như nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các bậc tiền bối anh hùng cách mạng và toàn thể dân tộc Việt Nam”, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu chào mừng hội thảo. |
Phát biểu chào mừng hội thảo, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý nhấn mạnh: Đồng chí Lê Hồng Sơn là một trong những thành viên sáng lập tổ chức “Tâm Tâm xã” với những hoạt động cách mạng mới mẻ, gây được tiếng vang lớn; Là một trong những thành viên đầu tiên của “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” – một trong những cộng sự đắc lực, tin cậy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc đào tạo, huấn luyện cán bộ để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về Việt Nam. Lê Hồng Sơn cũng là người có vai trò quan trọng trong việc thành lập tổ chức An Nam Cộng sản Đảng – một trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng ta, đồng thời tích cực tham gia vận động và tổ chức hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2/1930.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Hồng Sơn tuy không dài nhưng đầy vẻ vang và oanh liệt. Cả 3 lần bị địch bắt giam, tra tấn và dụ dỗ mua chuộc nhưng Lê Hồng Sơn vẫn luôn giữ vững khí tiết của người chiến sỹ Cộng sản kiên trung, bất khuất cho đến khi bị giặc sát hại ở tuổi 34. Máu đào của đồng chí đã góp phần tô thắm lá cờ vinh quang của Đảng ta, tô thắm thêm lịch sử và truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương Nghệ An, được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các thế hệ hôm nay và mai sau đời đời ghi nhớ, biết ơn sâu sắc.
“Hội thảo khoa học kỷ niệm 125 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Sơn là dịp để mọi người càng thấm thía và trân quý hơn về giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, về những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước, trong đó có đồng chí Lê Hồng Sơn. Từ đó, thôi thúc chúng ta trách nhiệm cống hiến nhiều hơn, trách nhiệm nêu gương, tự soi, tự sửa mình để trở thành những người cán bộ, đảng viên, công dân ưu tú hơn”, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý nhấn mạnh thêm.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An trình bày tham luận tại hội thảo |
Hội thảo khoa học: “Đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An” đã nhận được gần 40 bản báo cáo, tham luận. Qua 10 báo cáo, tham luận và ý kiến phát biểu tại hội trường, từ nhiều góc độ khác nhau, các nhà khoa học, các đại biểu, bằng những luận cứ khoa học đã tập trung phân tích, lý giải, góp phần làm sâu sắc thêm về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp quan trọng của đồng chí Lê Hồng Sơn với Cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An, đặc biệt là những đóng góp của đồng chí đối với sự ra đời của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các báo cáo khoa học đã khẳng định, bằng nhiệt huyết yêu nước và tinh thần cách mạng, không quản khó khăn, Lê Hồng Sơn đã tiếp thu tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hòa mình vào phong trào đấu tranh của quần chúng để tuyền truyền, khơi dậy tinh thần yêu nước; Xây dựng tổ chức Đảng, cơ sở cách mạng trong các tầng lớp Nhân dân. Đồng chí đóng góp quan trọng đối với sự ra đời của An Nam Cộng sản Đảng – một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, đồng chí Lê Hồng Sơn là 1 trong 7 đại biểu tham dự Hội nghị, đóng góp công sức, trí tuệ vào thành công của Hội nghị thành lập Đảng. Đồng chí xứng đáng là học trò xuất sắc, cộng sự tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội thảo. |
Một nội dung quan trọng được nhiều báo cáo, tham luận đề cập tại Hội thảo là vai trò của truyền thống quê hương, gia đình trong việc nuôi dưỡng, hình thành nên tư tưởng yêu nước và chí hướng cách mạng của đồng chí Lê Hồng Sơn, từ một thanh niên yêu nước trở thành người chiến sĩ Cộng sản tiêu biểu. Với 34 năm tuổi đời, 13 năm hoạt động cách mạng tích cực, sôi nổi, 3 lần bị bắt giam và tra tấn dã man, đồng chí Lê Hồng Sơn là tấm gương mẫu mực về người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tận tụy, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng và Nhân dân lên trên hết.
PGS.TS Trần Minh Trưởng – Nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng phát biểu tại hội thảo. |
PGS.TS Trần Minh Trưởng – Nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng chỉ rõ: “Nêu các tiêu chí hội đủ của đồng chí Lê Hồng Sơn theo Kết luận 88 của Bộ Chính trị đưa ra để được công nhận, bổ sung vào danh sách “Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam”. Trong đó, đồng chí là thành viên sáng lập tổ chức tiền thân của Đảng (Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – tiền thân của 3 tổ chức tiền thân của Đảng gồm: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Năm 2029, Lê Hồng Sơn còn là thành viên cốt cán đứng ra thành lập Chi hội An Nam cộng sản Đảng… Hơn thế nữa, đồng chí tham gia trong hội nghị thành lập Đảng vào đầu năm 1930 và là Uỷ viên dự khuyết của Ban Chấp uỷ lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tất cả các tiêu chí đó đã xứng đáng tôn vinh đồng chí Lê Hồng Sơn. Nhưng vẫn còn 1 tiêu chí nữa, đó là liệt sỹ, anh dũng hy sinh trước mũi súng kẻ thù, toả ra tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam noi theo và tham gia vào công cuộc giải phóng dân tộc”.
Các đại biểu dự hội thảo |
Thành công của Hội thảo khoa học: “Đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An” không chỉ tiếp tục làm sâu sắc và sáng rõ hơn cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, phẩm chất cách mạng kiên cường của đồng chí Lê Hồng Sơn, mà còn là việc làm thiết thực, thể hiện niềm thành kính, tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.
GS.TS Lê Văn Lợi – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo. |
Từ các căn cứ quan trọng, Hội thảo đã thống nhất xây dựng Đề án trình cấp có thẩm quyền bổ sung đồng chí vào danh sách “Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam”.
Các đại biểu dự hội thảo |
Nguồn: https://www.truyenhinhnghean.vn/thoi-su-chinh-tri/202406/hoi-thao-khoa-hoc-dong-chi-le-hong-son-voi-cach-mang-viet-nam-va-que-huong-nghe-an-450303b/