Sáng 7/3, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Đồng chí Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Thái Thị An Chung – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì. Cùng dự có các đồng chí: Võ Thị Minh Sinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An; Nguyễn Như Khôi – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các vị ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh và một số sở, ban, ngành.
TRIỂN KHAI 9 LUẬT, 10 NGHỊ QUYẾT
Đến nay, trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.190 văn bản, bao gồm 32 luật và 112 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 1.042 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Qua đó, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp, điều chỉnh toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, đồng thời, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.
Tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 9 luật và 11 nghị quyết; trong đó, quy định những nội dung rất quan trọng về căn cước; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; đất đai; nhà ở; kinh doanh bất động sản; tài nguyên nước; viễn thông; các tổ chức tín dụng; thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; dự toán ngân sách nhà nước; kế hoạch đầu tư công trung hạn…
Theo đó, có 1 nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 28/11/2023; 1 nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024; 5 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024; 4 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025; các nghị quyết còn lại có hiệu lực ngay từ khi được Quốc hội thông qua; ngoài ra, một số luật quy định các điều khoản cụ thể có hiệu lực sớm hoặc muộn hơn so với hiệu lực chung của luật.
Tại Hội nghị lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV (ngày 6/9/2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá một bước về công tác triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4 và quán triệt việc triển khai thi hành đối với 16 luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5.
Tiếp nối kết quả của Hội nghị lần thứ nhất, trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu triển khai 19/20 luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Hội nghị cũng đã nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu và báo cáo của Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Hội nghị cũng đã nghe các tham luận về công tác giám sát việc triển khai đối với luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 thuộc các lĩnh vực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế phụ trách; tham luận về công tác chuẩn bị triển khai Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước năm 2024; công tác triển khai Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024;…
SỚM ĐƯA CÁC QUYẾT SÁCH CỦA QUỐC HỘI VÀO CUỘC SỐNG
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội; tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu; nhất là khi khối lượng công việc cần tiếp tục thực hiện là rất lớn.
Đặc biệt, nhiều luật của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường thứ 5 có số lượng điều luật, nội dung giao Chính phủ, các cơ quan quy định vừa nhiều, vừa khó, vừa đòi hỏi cao về tiến độ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần sự tập trung, nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cơ quan.
Trong đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện các nội dung theo quy định trong luật, nghị quyết; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, cơ quan, tổ chức, ĐBQH;…
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường thứ 5; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những thẩm quyền, nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị quyết của Quốc hội, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù được áp dụng tại địa phương, cơ quan mình.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị – xã hội tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết của Quốc hội; tham gia phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân bằng các hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật; vận động, động viên các tầng lớp Nhân dân thực hiện luật, nghị quyết.
Trên cơ sở thành công của Hội nghị lần thứ Nhất và Hội nghị lần thứ Hai này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các cơ quan cần nỗ lực cao hơn nữa, quyết tâm lớn hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa nhằm sớm đưa các quyết sách của Quốc hội vào cuộc sống.