Chiều 12/12, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến thẩm định Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
CỤM NGÀNH KINH TẾ BIỂN LÀ TRỤ CỘT PHÁT TRIỂN QUAN TRỌNG CỦA VÙNG
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là “cửa ngõ” ra biển cả và “bệ đỡ” cho các tỉnh Tây Nguyên.
Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia. Quy hoạch giúp “mở đường”, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.
Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung xác định cụm ngành kinh tế biển là trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của vùng, nhất là các ngành như du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí; nuôi trồng và khai thác hải sản và năng lượng điện gió ngoài khơi…
Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng tái tạo. Xây dựng kết cấu hạ tầng của vùng tương xứng với yêu cầu phát triển, đảm bảo hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nội vùng và liên vùng. Phát triển hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển, theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh.
Quy hoạch chia vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thành 3 tiểu vùng. Tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị được xác định phát triển các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, luyện thép, hóa chất, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng, du lịch, dịch vụ hậu cần biển, hướng tới hình thành các cụm ngành sản phẩm.
Tiểu vùng Trung Trung Bộ gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định được xác định là trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu quốc gia, công nghiệp ô tô – phụ trợ ngành cơ khí; phát triển các cảng hàng không, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá.
Tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm: Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận được xác định phát triển công nghiệp cơ khí, lọc hóa dầu, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen xanh), du lịch biển, dịch vụ cảng biển, hậu cần nghề cá, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.
Hội nghị đã được nghe các chuyên gia phản biện quy hoạch, chuyên gia đánh giá môi trường chiến lược nêu ý kiến liên quan đến các nội dung về phát triển kinh tế biển, kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển hạ tầng đường ven biển, phát triển điện gió ngoài khơi, trung tâm hậu cần nghề cá, ứng phó biến đổi khí hậu…
THÔNG QUA HỒ SƠ QUY HOẠCH VÙNG BẮC TRUNG BỘ VÀ DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đã được xây dựng công phu, nghiêm túc và khoa học, huy động được trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị tư vấn.
Nội dung quy hoạch thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển, phân bổ không gian phát triển, các hoạt động kinh tế – xã hội trên địa bàn vùng; phù hợp với định hướng phát triển của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng như Chiến lược phát triển kinh tế 10 năm của đất nước… Hồ sơ trình thẩm định quy hoạch vùng đã đảm bảo đầy đủ theo các quy định, thực hiện theo đúng quy trình theo quy hoạch vùng.
Nội dung quy hoạch bám sát quy định của Luật Quy hoạch và các Nghị định, phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch vùng. Nội dung báo cáo quy hoạch vùng đã thể hiện các định hướng lớn về phát triển của các địa phương trong vùng, trong đó xác định rõ các vấn đề quan trọng của vùng cần giải quyết, xử lý được các vấn đề xung đột, chồng chéo, đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ giữa các nội dung phát triển của các ngành, lĩnh vực, gắn với việc bố trí không gian phát triển và đảm bảo hợp lý, khoa học.
Quan điểm quy hoạch vùng phát triển có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các ngành kinh tế có lợi thế, nhất là các ngành kinh tế biển, tập trung các địa bàn có lợi thế và các tiềm năng, lợi thế khác để hình thành các khu vực động lực, dần dần phát triển hài hoà bền vững, cân đối giữa các vùng, miền trong vùng.
Tổ chức không gian phát triển gắn với 3 tiểu vùng là phù hợp với định hướng, phát triển 3 vùng động lực, 2 hành lang kinh tế, xác định các ngành lợi thế về không gian phát triển như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và kinh tế biển.
Tại hội nghị, Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua hồ sơ Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và dự thảo báo cáo thẩm định với điều kiện sửa đổi, bổ sung, tiếp thu ý kiến các đại biểu.