Chiều 3/4, tại thành phố Vinh, 50 cán bộ, giảng viên và học viên Lớp cao cấp lý luận chính trị K74.A02, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có cuộc làm việc, trao đổi, tìm hiểu về vấn đề quản lý dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đây là hoạt động trong chương trình nghiên cứu thực tế tại Nghệ An từ ngày 1-5/4/2024 theo kế hoạch của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
TS. Nguyễn Văn Quyết – Phó Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn.
Tại cuộc làm việc, ông Vi Văn Sơn – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An trao đổi về tình hình dân tộc, miền núi tỉnh Nghệ An.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An có diện tích 13.745 km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên; dân số 1.197.628 người, chiếm 41%. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, gồm 47 dân tộc, với 5 dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu. Nghệ An có 27 xã biên giới, với 24 xã có liên quan đến việc thực hiện các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đến nay, tỷ lệ xã có điện lưới quốc gia đạt 100%; xã chưa có đường ô tô nội huyện đến trung tâm xã là 3 xã (Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông, huyện Tương Dương) chiếm 2,29%.
Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội nên đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nhìn chung ổn định và ngày càng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt.
Nghiên cứu thực tế cho thấy, miền Tây Nghệ An cũng như miền núi Nghệ An có rất nhiều tiềm năng. Với tài nguyên rừng sinh thái đa dạng, Nghệ An có khu dự trữ sinh quyển thế giới được thành lập năm 2007, có Vườn Quốc gia Pù Mát, có Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt. Nghệ An có mật độ che phủ rừng rất cao so với cả nước, tài nguyên khoáng sản ở Nghệ An dồi dào; Tài nguyên văn hóa ở Nghệ An hết sức đa dạng, đặc sắc, độc đáo, con người cần cù, đoàn kết…
Tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Văn Long – Quyền Trưởng ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cũng trao đổi một số vấn đề về công tác tôn giáo tỉnh Nghệ An trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội tỉnh.
Kết luận cuộc trao đổi, tìm hiểu thực tế, TS Nguyễn Văn Quyết – Trưởng đoàn đánh giá: Chương trình nghiên cứu rất thiết thực và hiệu quả, đặc biệt những thông tin về thuận lợi, khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An là nguồn tư liệu phong phú để học viên tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng trong thực tiễn…