Hiệu quả mô hình trao bò giống
Theo chia sẻ của cán bộ Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội TX. Hoàng Mai, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Hỗ trợ giảm nghèo, đến nay trên địa bàn thị xã chỉ mới tìm ra mô hình phù hợp nhất là hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo. Theo chia sẻ của vị cán bộ này thì, thứ nhất bò là vật nuôi dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện và nguồn lực ít ỏi của người nghèo. Thứ nữa, việc nuôi bò nếu người nghèo biết chăm sóc sẽ cho sinh sản trong vòng 2 năm, như vậy họ sẽ có cơ hội tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Điều quan trọng hơn, với kinh phí 15 triệu đồng/ hộ thì rất khó có thể triển khai được mô hình nào khác ngoài việc tặng bò giống cho người nghèo.
Anh Vũ Văn Khánh, xóm 5, xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai) là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm 2022, anh được hỗ trợ bò giống của dự án. Anh Khánh chia sẻ: “Khi được đề xuất nhận bò tôi rất vui sướng vì nhà đông con, các con có thể tranh thủ sau giờ học để chăn bò. Nếu chăm tốt, bò sẽ cho sinh sản trong vòng một năm. Với gia đình có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi thì việc mỗi năm có thêm 1 con bê cũng là nguồn động viên đáng kể”.
Ông Hồ Quốc Úy – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc cho biết, năm 2022 xã đã trao được 19 con bò cho 19 hộ nghèo và cận nghèo. Đa số các hộ đã chăm sóc tốt, bò phát triển nhanh. “Tặng bò giống cho người nghèo được xem là mô hình trao “cần câu” khá hữu hiệu trong thời điểm hiện nay, khi đa số người dân và địa phương chưa đề xuất được phương án hay mô hình sản xuất, kinh doanh nào hiệu quả”.
Theo Trưởng phòng LĐ,TB&XH thị xã Hoàng Mai – ông Hoàng Danh Tấn: Đến nay, trong các dự án theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững thì thị xã mới chỉ triển khai được Tiểu dự án 1 trong Dự án 3, là Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, ở Tiểu dự án này địa phương chỉ cần hỗ trợ sinh kế trực tiếp cho các hộ nghèo. Vì vậy, mô hình hỗ trợ bò cho người nghèo được đánh giá là khả thi nhất. “Với nguồn vốn theo quy định chỉ từ 15 triệu đồng cho một mô hình thì việc hỗ trợ bò là mang lại giá trị nhất cho người nghèo. Nếu không hỗ trợ bò, theo quy định tại Chương trình mục tiêu Quốc gia, địa phương cần tìm ra các mô hình theo chuỗi liên kết giá trị, tức là phải có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra; hoặc phải có mô hình sản xuất do cộng đồng dân cư đề xuất. Điều này khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn”, ông Hoàng Danh Tấn cho biết. Với cách làm này, hiện thị xã Hoàng Mai đã trao bò giống lai sind cho 31 hộ nghèo và cận nghèo ở các địa bàn Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, Quỳnh Lộc với kinh phí hơn 450 triệu đồng.
Tương tự, huyện Quỳnh Lưu cũng đã hỗ trợ được 103 con bò cái lai sind cho 103 hộ nghèo cận nghèo và tái nghèo. Huyện Diễn Châu hỗ trợ được 46 con bò cho 46 hộ nghèo và cận nghèo tại các xã Diễn Quảng, Minh Châu, Diễn An và Diễn Thọ…
Khó triển khai các dự án đã được cấp vốn
Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 có các dự án thành phần là “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” (dự án 2) và Dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng” (dự án 3).
Trong đó, Dự án 2 đi sâu vào đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững. Để triển khai dự án 2, các địa phương phải thu nhận nhu cầu từ nhân dân với các mô hình được đề xuất phù hợp có tính khả thi cao, đồng thời phải xây dựng được chuỗi liên kết. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ các địa phương, hiện nay, có rất ít các mô hình đủ điều kiện được triển khai. Thậm chí, các địa phương ven biển như TX Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, đến nay chưa nhận được mô hình nào.
Trong đó, thị xã Hoàng Mai được phân bổ hơn 3,6 tỷ đồng để thực hiện dự án 2 nhưng đến nay, thị xã chưa thể giải ngân được đồng nào vì chưa tìm được mô hình phù hợp. Huyện Quỳnh Lưu đặt mục tiêu hỗ trợ xây dựng từ 10 đến 15 mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững cho các gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Thế nhưng, đến nay, địa phương này cũng chưa tìm được mô hình nào phù hợp.
Ông Nguyễn Hồ Lâm – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Trên thực tế, để xây dựng được mô hình đáp ứng được chuỗi liên kết cần phải có nhà đầu tư, doanh nghiệp đủ mạnh. Bên cạnh đó, địa phương cũng phải nghiên cứu được cây, con bản địa để xây dựng mô hình phù hợp. Hiện nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đang gặp khó trong việc lựa chọn doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, vì đa số doanh nghiệp thiếu niềm tin khi lựa chọn mô hình. Bên cạnh đó, những địa phương đã xây dựng được mô hình từ cộng đồng cũng chưa thể đảm bảo được tính dài lâu cho việc bao tiêu sản phẩm của một doanh nghiệp nào đó…
Đây là những khó khăn khiến việc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia Hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2021- 2025 ở các địa phương chưa đạt tiến độ đề ra.