Nghệ An hiện có tổng diện tích hơn 1,018 triệu ha đất lâm nghiệp, chiếm gần 75% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Hiện tại, đất có rừng hơn 1 triệu ha (bao gồm 790.352,86ha rừng tự nhiên và 171.421,51ha rừng trồng); đất chưa có rừng hơn 271 nghìn ha (có 70.004,23ha đã trồng rừng nhưng chưa đạt tiêu chí thành rừng).
Lâu nay, lĩnh vực lâm nghiệp đóng vai tròng quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Nghệ An. Xét ở góc độ kinh tế, lĩnh vực lâm nghiệp đã đóng góp tăng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ của tỉnh giai đoạn 2021-2023, luôn đạt trên 5,5%. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2021 đạt 7,85%, năm 2022 đạt 9,07%, năm 2023 đạt 6,67%. Còn kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ từ năm 2021 đến năm 2023 đạt 821,25 triệu USD, trong đó, năm 2021 đạt 207 triệu USD, năm 2022 đạt 344 triệu USD, năm 2023 đạt 270,25 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2024 đạt 161 triệu USD.
Lâm nghiệp đang dần trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Điều này càng được khẳng định chắc chắn, bằng diện tích rừng trồng tăng lên hàng năm. Tính từ năm 2010 đến nay, diện tích trồng rừng đạt hơn 15.000ha/năm và tổng diện tích rừng trồng hiện có hơn 220.000ha; trong đó, diện tích rừng sản xuất hơn 178.000 ha. Nhờ vậy, độ che phủ rừng Nghệ An tăng lên và hiện đạt 58,33%. Điều này, là đòn bẩy để gia tăng tính đa dạng sinh học của rừng, đồng thời mở thêm cơ hội cho xuất khẩu tín chỉ carbon.
Nhìn từ huyện Con Cuông, là địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất cả tỉnh, với hơn 84%, bình quân mỗi năm, trồng mới từ 1.500 -1.800ha rừng tập trung. Và rừng đang mang lại cơm no, áo ấm cho người trồng rừng. Anh Hà Văn Quyết, dân tộc Thái ở thôn Thanh Đào, xã Bồng Khê (Con Cuông) chia sẻ: Nhà tôi có hơn 1ha cây mét, 18ha keo lai. Tính ra, mỗi 1ha mét và keo lai, có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm. Tôi còn trồng xen canh thêm cây sắn, mỗi năm sắn cũng cho thu hoạch trên 70 triệu đồng.
Phát triển kinh tế rừng, đã và đang tạo sinh kế bền vững cho người dân nhiều vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Tại huyện Quỳ Châu, địa phương có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn, với hơn 95.000ha, phân bổ ở 12/12 xã, thị trấn. Rừng đang tạo việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương. Lãnh đạo huyện Quỳ Châu cho biết: Tính ra, mỗi năm Quỳ Châu có diện tích rừng trồng là 3.000ha và hiện tại diện tích rừng trồng đạt hơn 23.000ha, doanh thu mỗi năm đạt hơn 350 tỷ đồng.
Giấc mơ từ rừng đang lớn dần lên theo số tiền bán tín chỉ các bon. Thông qua chương trình thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), lũy kế từ 3/10/2023 Nghệ An thu được hơn 282 tỷ đồng. Số tiền trên quy đổi từ 789.462ha diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong bối cảnh nguồn lực của Trung ương và địa phương phân bổ cho lĩnh vực lâm nghiệp còn khá hạn chế, tỉnh Nghệ An nói chung và các cơ quan chủ rừng nói riêng, thực sự đặt nhiều kỳ vọng từ việc bán tín chỉ các bon rừng mang lại. Kinh phí thu về rất lớn, theo lý thuyết, sẽ góp phần quan trọng giảm tải áp lực nặng nề trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Thêm một động lực quan trọng hiện thực hóa giấc mơ sống và làm giàu từ rừng của người dân xứ Nghệ, đó là mục tiêu phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân theo Tiểu dự án 1, Dự án 3, Chương trình MTQG 1719 tại Nghệ An.
Hiện tại, các huyện đã thực hiện lập, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán bảo vệ rừng với các nội dung: Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là 101.630,44ha; Hỗ trợ bảo vệ rừng quy hoạch, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình là 151.982,15ha; Hỗ trợ trồng rừng sản xuất, khai thác kinh tế dưới tán rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ là 3.580ha; khối lượng gạo trợ cấp trồng rừng cho hộ nghèo tham gia trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, rừng phòng hộ là 84,83ha. Tính chung các nội dung hỗ trợ kể trên, thì đang có 25.613 hộ dân được hưởng lợi từ rừng.
Ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An nhấn mạnh: Nghệ An đang quyết liệt bằng các giải pháp, biện pháp để nâng cao chất lượng vốn rừng, phát triển bền vững từ rừng. Nhìn từ thực tế thì, điều đó đang thành hiện thực. Việc phát triển bền vững từ rừng sẽ hạn chế tình trạng phá rừng, cháy rừng… tạo môi trường sinh thái xanh sạch.
Có cuộc sống ổn định và làm giàu từ rừng là có thật. Hành lang pháp lý cho phát triển rừng, phát triển ngành lâm nghiệp càng thêm chắc chắn khi ngày 24/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 895/QĐ-TTg về việc Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số cơ chế, chính sách, định hướng phát triển lâm nghiệp trong giai đoạn 2026-2030.
Quy hoạch lâm nghiệp mới sẽ tạo hành lang pháp lý để tỉnh xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển. Từ đó, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, góp phần thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển ngành Lâm nghiệp theo đúng định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghĩa Đàn (Nghệ An): Đảm bảo an sinh, hỗ trợ sinh kế giúp nhiều hộ đồng bào DTTS thoát nghèo