Các đồng chí: Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Nam Đình – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.
Dự phiên làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các vị đại biểu HĐND tỉnh thuộc 21 tổ đại biểu và các đại biểu khách mời.
Đánh giá đúng sát thực tiễn
Tại Nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2024 vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII vào chiều 7/12, HĐND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; hỗ trợ, tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, kế hoạch năm 2024.
Tán thành với những nội dung đánh giá tình hình thực hiện năm 2023 và kế hoạch năm 2024 với các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được nêu trong các Báo cáo do UBND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trình và các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Năm 2023, toàn tỉnh thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế – xã hội của tỉnh dù gặp khó khăn hơn những năm trước nhưng tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, duy trì được đà tăng trưởng, đạt được những kết quả khá tích cực, quan trọng trên nhiều ngành, lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ước đạt 7,14%; thu hút đầu tư FDI tiếp tục là điểm sáng nổi bật; nhiều công trình, dự án quan trọng đã được đẩy nhanh tiến độ, một số dự án đã đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả. Công tác chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại được triển khai tích cực và đạt nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt, đã được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây là những cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để tiếp tục tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho tỉnh Nghệ An trong giai đoạn tới.
Tuy vậy, tình hình kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tập trung khắc phục như: Chỉ tiêu tăng trưởng GRDP chưa đạt mục tiêu đề ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công một số chương trình, dự án còn chậm; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính mặc dù đã có sự chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra trên một số ngành, lĩnh vực.
Trên cơ sở đó, Nghị quyết HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 17 đề ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ và yêu cầu các cấp, ngành vào cuộc tích cực, hiệu quả hơn trong năm tới.
Nỗ lực hơn cho những mục tiêu phát triển
Một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu năm 2024 của tỉnh Nghệ An:
Tốc độ tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm (GRDP): 9-10%
Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, ngư nghiệp khoảng 21-22%; Công nghiệp và xây dựng khoảng 35-36%; Dịch vụ khoảng 42-43%
Thu ngân sách nhà nước: 15.903 tỷ đồng
Tổng kim ngạch xuất khẩu: 3.000 triệu USD
Tổng nguồn đầu tư phát triển toàn xã hội: 106.000 tỷ đồng
GRDP bình quân đầu người: 62-63 triệu đồng
Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo: 1-1,5%
Xây dựng nông thôn mới trong năm: 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 6 xã đạt chuẩn nông mới kiểu mẫu.
Để đạt được chỉ tiêu trên, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế – xã hội.
Trước hết, tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình hành động, các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.
Các cấp, các ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kết luận số 349-KL/TƯ ngày 31/10/2023 về sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Thông báo số 1061-TB/TU ngày 12/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về kết luận giám sát chuyên đề diện rộng việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; năng động, đổi mới, sáng tạo, sâu sát, kịp thời, chỉ đạo điều hành, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ với quyết tâm, nỗ lực cao hơn, hiệu quả hơn. Rà soát, phân tích rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan, khó khăn, vướng mắc đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra, nhất là những chỉ tiêu dự kiến khó đạt.
Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm: Chương trình hành động của Chính phủ, của Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết số 39- NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó hoàn thành trình Quốc hội ban hành nghị quyết về bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; tập trung triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh; phê duyệt đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh; phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025; đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam và đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An; hoàn thành các thủ tục để triển khai các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, nhất là dự án Cảng nước sâu Cửa Lò và Cảng hàng không quốc tế Vinh.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực. Phát triển nông nghiệp, nông thôn; Phát triển công nghiệp – xây dựng; Phát triển thương mại, dịch vụ,… Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; đầy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường quản lý hiệu quả thu, chi ngân sách.
Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo Đề án Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm giai đoạn 2021-2025, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược, trọng tâm. Triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng. Thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024.
Tăng cường công tác quy hoạch và phát triển đô thị, nhà ở. Tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt. Tích cực triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/BCT ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt.
HĐND tỉnh đề nghị nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhất là các chỉ số thành phần còn đạt thấp.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 01/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 14/7/2022 của HĐND tỉnh về tăng cường quản lý nhà nước đối với dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh.
Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực gắn với thúc đẩy đối mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ. Phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với đó, HĐND tỉnh đề nghị thực hiện hiệu quả công tác quản lý khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; chủ động ứng phó có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số; Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hợp tác, liên kết phát triển vùng với các địa phương; đảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh thông tin truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.