Đa dạng hàng hoá, cách thức phục vụ thị trường
Đến nay, các đơn vị phân phối như Công ty Cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Nghệ An, Công ty TNHH Thương mại Nam Long, hệ thống các siêu thị: Go! Vinh, MM Mega Market, Winmart,…; các cửa hàng tiện ích như Winmart+, Bibigreen,.. và trung tâm thương mại, các nhà phân phối hàng hóa, các chợ trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ cao điểm thị trường Tết.
Các đơn vị cam kết nguồn cung luôn dồi dào, giá bán các mặt hàng thiết yếu vẫn sẽ ổn định vào dịp Tết, nhất là đối với một số mặt hàng có nhu cầu tăng cao như: Thực phẩm tươi sống (thịt bò, thịt gà, rau, củ, quả…), công nghệ phẩm (bánh, kẹo, bia, rượu, nước giải khát…). Tổng lượng hàng hóa dự trữ phục vụ thị trường Nghệ An trong dịp Tết ước đạt trên 10.050 tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Thương Mại Nam Long chuẩn bị nguồn hàng dầu ăn phục vụ Tết có tổng giá trị khoảng 50 tỷ đồng; giá trị nguồn hàng do Công ty Cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh chuẩn bị khoảng 3,2 tỷ đồng; với Siêu thị Go! Vinh là hơn 86 tỷ đồng; Trung tâm MM Mega Market khoảng 15 tỷ đồng; Siêu thị Mường Thanh Phủ Diễn gần 2 tỷ đồng, Siêu thị The City Đô Lương hơn 10,5 tỷ đồng… Ngoài ra, các hệ thống siêu thị, chợ và chuỗi cửa hàng tiện lợi khác hơn 9.882 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện đăng ký phối hợp với các đơn vị bán lẻ mở các điểm bán hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán, như: Công ty Cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, Công ty TNHH Thương mại Nam Long với các điểm bán tại các huyện Diễn Châu, Đô Lương, TX.Thái Hòa và các huyện miền núi…
Ông Trần Anh Khang – Giám đốc Go! Vinh cho biết: Việc chuẩn bị Tết của siêu thị đã gần như hoàn tất, các kế hoạch về lượng hàng cho Tết đã chủ động với các nhà cung cấp lớn từ tháng 9, 10 để bảo đảm giá cả ổn định. Năm nay, ngoài 86 tỷ đồng hàng hoá cao điểm Tết, siêu thị chủ động dự phòng dịp sau Tết tổng giá trị hàng hoá 170 tỷ đồng, tăng 25% so với năm ngoái. Hàng hoá chủ yếu hàng tiêu dùng, thời vụ Tết như bia, rượu, bánh kẹo, rau, củ, quả. Hơn 90% hàng hoá lên kệ là hàng Việt Nam, một số ít hàng nhập khẩu hoa quả từ châu Âu, Thái Lan…
“Dịp này chúng tôi cũng sẽ chú trọng hơn vào các mặt hàng thiết yếu và hàng Tết, giỏ quà Tết với các mức giảm giá chiết khấu. Nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm các mặt hàng phục vụ Tết, chúng tôi tăng cường kiểm tra hàng hóa kinh doanh tại hệ thống. Ngoài ra, áp dụng nhiều hình thức bán hàng trực tiếp, online, vận chuyển đến tay người tiêu dùng…”- ông Khang chia sẻ.
Tại Công ty TNHH MM Mega Market Nghệ An, phương án chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết cũng đã sẵn sàng. Ngoài các hàng hoá thiết yếu như gạo, thịt lợn, thịt gia cầm, trâu, bò, thuỷ, hải sản, thực phẩm chế biến, rau, củ, quả, dầu ăn, bánh kẹo… trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, doanh nghiệp còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như: hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ…); các loại quả – hạt khô phục vụ Tết, các mặt hàng khác như hoa, cây cảnh, quần áo, điện máy… Tổng lượng hàng hóa dự trữ trị giá khoảng 15 tỷ đồng.
Chị Hoàng Thị Hà – Giám đốc Công ty TNHH MM Mega Market chi nhánh Nghệ An chia sẻ: “Hàng hoá phục vụ thị trường Tết được chúng tôi chuẩn bị từ 3-4 tháng trước Tết. Lượng hàng ký kết để phục vụ Tết tăng khoảng 50% so với các tháng thường trong năm nhưng giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2023 do dự báo tình hình kinh tế khó khăn, sức mua giảm. Chúng tôi chủ động bố trí thêm quầy thanh toán trong trường hợp đông khách, mở rộng bãi xe khách hàng, tăng cường nhân sự hỗ trợ di chuyển hàng hoá cho khách nếu mua số lượng lớn, kéo dài thời gian mở cửa trong những thời điểm mua sắm cao điểm…”.
Bên cạnh các kênh bán lẻ lớn, thời điểm này, các sàn thương mại điện tử cũng bắt đầu chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Nhiều sàn thương mại điện tử, siêu thị, hệ thống phân phối có hình thức bán hàng trực tuyến qua điện thoại, website, ứng dụng thương mại điện tử để người tiêu dùng chủ động mua hàng hóa.
Chủ động nguồn hàng Tết
Bà Trần Mỹ Hà – Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Trước đó, Sở Công Thương đã chủ động lên kế hoạch, tích cực làm việc với các địa phương, doanh nghiệp về chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024. Qua tìm hiểu cho thấy, nguồn hàng phục vụ dịp Tết rất dồi dào và đa dạng chủng loại. Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu thoải mái để người dân mua sắm. Thậm chí, nguồn cung rất nhiều nên các thành phố lớn đang đẩy mạnh kích cầu để tăng sức mua.
Theo tính toán, đối với nhóm hàng lương thực; tổng nhu cầu tiêu thụ gạo bình quân toàn tỉnh khoảng 20.000 tấn/tháng, dự kiến tháng Tết nhu cầu có thể lên đến 22.000 tấn/tháng. Lượng gạo hiện có tại các cơ sở phân phối dự kiến phục vụ Tết khoảng 4.000 tấn, chủ yếu tập trung tại Công ty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, siêu thị Go! Vinh, MM Mega market, hệ thống Vinmart, các cửa hàng lương thực, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, các chợ… Đồng thời, tại khu vực nông thôn chủ yếu người dân tiêu dùng lúa gạo tự sản xuất được, dự trữ ước tính 18.000 tấn.
Đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống: Theo số liệu báo cáo, nguồn cung nhóm hàng thực phẩm tươi sống trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024 đảm bảo ổn định, không thiếu hụt nguồn cung, đảm bảo cung ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Tổng nhu cầu thực phẩm tươi sống bình quân toàn tỉnh khoảng 13.000 tấn/tháng, dự kiến nhu cầu Tết khoảng 16.000 tấn/tháng. Sản lượng sản xuất trong tỉnh có thể đáp ứng khoảng 20.509 tấn.
Đối với nhóm rau xanh, củ, quả: Nhu cầu khoảng 18.916 tấn rau, củ, quả các loại/tháng. Nguồn cung cấp chủ yếu trong tỉnh, dự kiến sản lượng tại chỗ có thể đáp ứng khoảng: 21.250 tấn/tháng. Dự báo cung – cầu nhóm mặt hàng này sẽ tăng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024 nhưng mức tăng trong tầm kiểm soát.
Đối với nhóm trái cây tươi: Nhu cầu khoảng 5.111 tấn trái cây tươi/tháng; Nguồn cung cấp hàng hóa chủ yếu trong tỉnh, các tỉnh, thành phía Bắc, phía Nam và một số loại trái cây cao cấp được nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Thái Lan…
Đối với nhóm hàng công nghệ phẩm tiêu dùng: Tổng nhu cầu dầu ăn ước khoảng 2,3 triệu lít/tháng; Nông, lâm sản khô ước 2.814 tấn/tháng… Hiện các đơn vị cung ứng lớn như: Công ty TNHH Nam Long, Siêu thị Go! Vinh, MM Mega market, Siêu thị Mường Thanh Phủ Diễn có thể cung ứng ngay dầu ăn khoảng 4.054,5 tấn; Nông, lâm sản khô hơn 301,5 tấn.
Đối với nhóm thực phẩm chế biến: Nhu cầu tiêu thụ tháng Tết dự kiến khoảng 3.470 tấn/tháng. Ngoài các mặt hàng chế biến từ hải sản, mặt hàng chế biến còn lại chủ yếu được khai thác từ các tỉnh, thành khác.
Ngoài các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng còn tập trung vào các mặt hàng truyền thống như bánh, mứt, kẹo, nước giải khát…, dự tính nhu cầu khoảng 796,8 tấn bánh, kẹo tiêu thụ trong dịp Tết. Ngoài bánh, kẹo trong nước, một số loại bánh, mứt, kẹo, rượu, bia cao cấp được các doanh nghiệp nhập khẩu, chiếm khoảng 10-15% tổng số lượng hàng tiêu thụ trong dịp Tết.
Ngoài ra, theo dự tính, nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trong tháng Tết dự kiến tăng so với các tháng khác. Theo báo cáo của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng, dầu trên địa bàn tỉnh, các thương đã chủ động có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024. Cụ thể, trong quý I/2024, các thương nhân đầu mối, phân phối xăng, dầu có kế hoạch dự trữ khoảng 210.000 m3, trong đó, Công ty Xăng dầu Nghệ An khoảng 95.500 m3, Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh khoảng 25.000 m3, Công ty Cổ phần Kinh doanh Tổng hợp Đô Lương 4.200 m3, Công ty Cổ phần Hàng Hải Phúc An khoảng 3.630 m3, Công ty TNHH Lưu Nga 2.333 m3, các thương nhân đầu mối, phân phối khác khoảng 79.337 m3.