Tràn lan hàng “hiệu” giá rẻ
Dạo quanh một vòng phía ngoài Trung tâm Thương mại Phủ Diễn (Diễn Châu), có khá nhiều điểm bán hàng “nhái” đồng hồ Thụy Sĩ với các thương hiệu nổi tiếng như Tissot, Longines, Movado, CK… giá chỉ từ 1 đến 6 triệu đồng/chiếc. “Cùng một chiếc đồng hồ đó, nếu hàng “xịn” của Thụy Sĩ có cái hàng trăm triệu đồng. Biết là hàng nhái, nhưng nhiều người vẫn ưa chuộng vì mẫu mã đẹp, giá rẻ lại gắn mác thương hiệu nổi tiếng” – một tiểu thương kinh doanh tại Trung tâm Thương mại Phủ Diễn cho hay.
Qua tìm hiểu, một số tay buôn cho biết: Đa phần đồng hồ nhái Thụy Sĩ đều nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ có giá dưới 8 USD/chiếc (tương đương 160.000 đồng). Với chi phí sản xuất cực thấp như vậy, người ta đã thay thép không gỉ bằng thứ kim loại kém chất lượng nên khi về Việt Nam bán vẫn lãi cao. Người mua phải loại đồng hồ này có độ rủi ro cao.
Xuống xã Diễn Thành (Diễn Châu), chúng tôi thấy có khá nhiều cửa hàng thời trang đề biển bán túi, ví nhãn hiệu cao cấp Dior, Chanel, Louis Vuitton, Hermes, Michael Kors, Tory Burch. Những chiếc túi nhái hàng cao cấp và không niêm yết giá. Chỉ cần người mua thích mẫu nào thì người bán nói giá luôn. Các loại sản phẩm phong phú với giá từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng, tùy thuộc vào tình trạng nhái hoặc thương hiệu bị nhái.
Tại địa bàn TP. Vinh, hiện nay, có khá nhiều địa điểm bày bán các loại quần áo nhái thương hiệu cao cấp. Như tại chợ Vinh, người ta bày bán đầy đủ mẫu mã, từ quần áo, phụ kiện hàng hiệu như Dior, Versace, Gucci, Chanel có giá từ 350.000 đồng đến trên 5 triệu đồng.
Anh Trần Minh ở huyện Quỳnh Lưu – một khách hàng đang chọn đồ “nhái cao cấp” ở chợ Vinh chia sẻ: “Rất mê thương hiệu này nhưng không đủ tiền mua hàng chính hãng, nên tôi mua 2 chiếc áo thun cá sấu nhái thương hiệu Lacoste với giá chưa tới 1 triệu đồng. Trong khi đó, giá một áo thun Lacoste chính hãng trên 3 triệu đồng.
Cũng gần khu vực chợ Vinh, thị trường phụ kiện điện gia dụng rất lộn xộn, có khá nhiều cửa hàng bán sản phẩm không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Có những sản phẩm hàng nhái vẫn được bày bán công khai như: Quạt điện, nồi cơm điện, mô tơ điện… nhiều thiết bị chống giật, chống rò điện là hàng nhái mà vẫn được bày bán với giá chưa đầy 100.000 đồng/bộ, trong khi hàng chính hãng có giá tiền triệu mỗi bộ.
Không chỉ làm giả các mặt hàng của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, các đối tượng còn làm giả các mặt hàng thiết yếu như: Nước mắm, bột ngọt, bột giặt, dầu gội, sữa tắm, bánh kẹo… Thủ đoạn được sử dụng là đặt nhãn hàng hóa có tên gọi gần giống với nhãn hàng của những thương hiệu uy tín để gây sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Chưa thể xử lý dứt điểm
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường Nghệ An, 8 tháng đầu năm 2023, Cục Quản lý thị trường Nghệ An đã xử lý 1.876 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước 3,8 tỷ đồng.
Điển hình, mới đây ngày 14/9, Đội QLTT số 3 phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế – Công an tỉnh đã tiến hành kiểm tra tại 2 hộ kinh doanh có tên L.T.N, địa chỉ đường Lý Tự Trọng, TP. Vinh, và M.T tại đường Đề Thám, TP. Vinh, phát hiện 415 hộp bánh dẻo hoa quả, bánh hạt dẻ nướng và 960 bánh bột ngọt không có nguồn gốc xuất xứ. Ngành chức năng đã xử phạt hành chính 35 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng vi phạm.
Trước đó, ngày 6/9/2023, Đội QLTT số 4 phối hợp với ngành chức năng, phát hiện ông Phan Đức Hùng ở xã Minh Châu (Diễn Châu), vận chuyển 40 kg chân gà, 50 kg xương ống lợn đông lạnh đã bốc mùi hôi thối, không rõ nguồn gốc xuất xứ, cơ quan chức năng buộc tiêu hủy số hàng và xử phạt hành chính 13,9 triệu đồng…
Ông Nguyễn Hồng Phong – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: Đối với hàng cấm, hàng nhập lậu, phương thức phổ biến của các đối tượng là vận chuyển nhỏ lẻ hàng hóa, ngụy trang, cất giấu tinh vi cùng với hàng hóa khác trong thùng xe, hầm xe tự chế, nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được các đối tượng bán trên các sàn giao dịch điện tử, các trang mạng xã hội với cái mác “hàng xách tay”, “hàng sale giá rẻ”… Mặt khác, các đối tượng thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết và thu nhập còn thấp của người dân để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng về các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa tiêu thụ trên các phương tiện bán hàng lưu động.
Đặc biệt, hiện nay rất khó kiểm soát lĩnh vực thương mại điện tử, do mô hình kinh doanh thương mại điện tử qua các mạng xã hội không cần mặt bằng, địa điểm kinh doanh, nên rất khó khăn cho việc tiếp cận, phát hiện, xử lý vi phạm.
Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý ham rẻ và không phân biệt được hàng thật, hàng giả nên dễ bị các đối tượng trục lợi. Đây cũng là vấn đề gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường.
Vì vậy, nhằm tăng cường các giải pháp chống hàng giả, hàng nhái gian lận thương mại, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, người tiêu dùng chỉ nên mua sản phẩm ở những website đã thông báo với Bộ Công Thương, không nên thỏa hiệp tiêu thụ hàng giả, hàng nhái giá rẻ.