Theo lịch, ngày mai (21/8), liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu theo chu kỳ 10 ngày 1 lần.
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu tuần này ghi nhận tuần giảm giá đầu tiên kể từ tháng 6. Trước đó, giá xăng, dầu đã tăng 7 tuần liên tiếp, đánh dấu chuỗi leo dốc dài nhất trong năm.
Lo ngại về sự phục hồi kinh tế chậm chạp ở Trung Quốc và sự mạnh lên của đồng USD là những nhân tố chính đẩy giá dầu tuần này bất ngờ đứt mạnh tăng.
Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu giảm tới 3 phiên và tăng 2 phiên. Tuy nhiên, sự bứt tốc ở 2 phiên cuối tuần khá yếu, không đủ để bù đắp cho sự lao dốc trước đó.
Tính chung trong cả tuần này, giá dầu Brent và dầu WTI đều giảm tới gần 3%. Chốt tuần, giá dầu WTI được giao dịch ở mức 81,25 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent là 84,8 USD/thùng.
Nhận định về giá xăng, dầu tại kỳ điều hành ngày mai, lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng, dầu cho rằng, do giá dầu thế giới gần đây giảm nên giá xăng, dầu trong nước nhiều cơ hội giảm theo.
Theo dự báo, trong kỳ điều hành ngày mai, giá xăng trong nước có thể giảm từ 520-930 đồng/lít, giá dầu có khả năng giảm 450-650 đồng/lít.
Còn nếu liên Bộ Công Thương – Tài chính trích Quỹ bình ổn, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước vào ngày mai có thể giảm ít hơn.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước vào ngày mai sẽ có lần giảm đầu tiên sau nhiều phiên tăng liên tiếp.
Tính từ kỳ điều hành ngày 11/7 đến nay, giá xăng RON 95-III tăng tổng cộng 2.570 đồng/lít sau 4 lần. Còn giá xăng E5 RON 92-II tăng 3 lần với tổng mức tăng là 2.410 đồng/lít.
Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 23 lần điều chỉnh, trong đó, có 13 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 11/8), giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng nhưng mức tăng không đáng kể.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 30 đồng/lít, giá bán là 22.820 đồng/lít. Giá xăng RON95 cũng tăng 30 đồng/lít, giá bán lên mức 23.990 đồng/lít.
Nhưng giá dầu diesel tăng mạnh tới 1.810 đồng/lít, giá bán là 22.420 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 1.610 đồng/lít, giá lên mức 21.880 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương – Tài chính không trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu và cũng không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá với hầu hết mặt hàng xăng dầu.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến hết tháng 7, Quỹ bình ổn xăng dầu trong nước dư hơn 7.438 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ quý I/2021.