Giá vàng dự báo biến động khó lường, nhà đầu tư làm gì để tránh mất tiền?
Hôm nay, vàng SJC neo mức hơn 80 triệu đồng/lượng, vàng thế giới dự báo biến động khó lường trong tuần mới, do đó đầu tư vàng cần thận trọng.
Tại thời điểm khảo sát lúc 5h00 ngày 25/3/2024, giá vàng trên sàn giao dịch của một số công ty như sau:
Giá vàng 9999 được DOJI được niêm yết ở mức 78,10 triệu đồng/lượng mua vào và 80,10 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 78,05 – 79,95 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Còn tại Bảo Tín Mạnh Hải đang được giao dịch ở mức 78,05 – 80,15 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 5h00 hôm nay theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 2.165,310 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 63,945 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng của SJC vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế là 14,055 triệu đồng/lượng.
USD tuần mới có duy trì đà tăng mạnh?
Hôm nay, tỷ giá VND/USD, USD VCB ghi nhận đều ở mức tăng nhẹ, USD thế giới liệu có duy trì đà tăng mạnh trong tuần mới?
Tỷ giá trung tâm VND/USD được Ngân hàng Nhà nước công bố điều chỉnh mức 24.003 VND/USD, tăng 4 đồng so với phiên giao dịch ngày 22/3.
Hiện tỷ giá được phép giao dịch của các ngân hàng thương mại dao động từ 23.400 – 25.153 VND/USD. Tỷ giá đồng Đô la Mỹ cũng đã được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước đưa về phạm vi mua bán từ 23.400 đến 25.153 VND/USD.
Tỷ giá USD ngân hàng, tỷ giá ngoại tệ trong nước vào sáng nay ghi nhận hàng loạt động thái điều chỉnh tăng tại các ngân hàng. Cụ thể, Vietcombank có mức mua vào là 24.580 và mức bán ra là 24.950, giữ mức tăng 40 đồng so với phiên giao dịch ngày 22/3. Giá mua và bán USD hiện tại nằm trong khoảng từ 23.400 – 25.300 VND/USD.
Trên thị trường thế giới, chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), đã dừng ở mức 104,43 điểm – tăng 0,98% so với giao dịch ngày 22/3.
Thép trong nước ổn định; nhập khẩu thép từ Trung Quốc về Việt Nam tăng
Giá thép hôm nay ngày 25/3/2024, ghi nhận sản lượng thép xuất khẩu cao nhất giai đoạn 2017-2023, và về lại mức trên 80 triệu tấn/năm. Mức này tương ứng giai đoạn 2014-2015, thời điểm Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các nước do thừa cung.
Hiệu suất hoạt động của các lò cao tại Đường Sơn (trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc) duy trì ở mức 70%. Bên cạnh đó, triển vọng cắt giảm sản lượng trong năm 2024 chưa rõ ràng.
Hai yếu tố này cho thấy lượng thép Trung Quốc xuất khẩu sang các nước bao gồm Việt Nam vẫn sẽ duy trì ở mức cao, trong bối cảnh mức tiêu thụ của thị trường nội địa nước này còn thấp.
Do đó, rủi ro thị trường thép Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường Trung Quốc (đặc biệt là thép xây dựng) ở khía cạnh cạnh tranh về mặt bán hàng với các nhà sản xuất thép nội địa.
Ngoài ra, giá thép Việt Nam chịu ảnh hưởng từ sự biến động của giá thép Trung Quốc, với sự tương quan cao giữa các thị trường.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam là gần 2,65 triệu tấn, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thép nhập từ Trung Quốc chiếm trên 68% tổng lượng nhập khẩu của cả nước, đạt 1,8 triệu tấn, cao gấp 3 lần về lượng và gấp 2,4 lần về trị giá.
Thực trạng nhập khẩu sắt thép Trung Quốc tăng mạnh trong bối cảnh hiện nay là do hầu hết sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0%.