Có mặt tại cánh rừng keo ở xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn thấy nông dân tấp nập khai thác keo lai, người bóc vỏ, người vác keo lên xe. Quan sát, thấy hầu hết bà con đang khai thác keo non, có cây chỉ to bằng bắp tay.
Ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã Nghĩa Long, Nghĩa Đàn cho biết: Dù biết khai thác keo non chưa đầy 3 năm sẽ kém năng suất, nhưng hiện nay giá keo tăng mạnh từ 1 triệu đồng lên 1,2 triệu đồng/tấn, vì cần tiền nên gia đình vẫn phải chặt bán.
Theo một số chủ rừng ở huyện Nghĩa Đàn, việc khai thác keo chưa đủ tuổi kéo theo nhiều thiệt hại. Đó là năng suất rừng trồng giảm sút, chất lượng gỗ thấp, lợi nhuận thực tế không cao, trừ chi phí chỉ đạt 45-50 triệu đồng/ha.
Ông Lâm Văn Thắng – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết: Địa bàn huyện Nghĩa Đàn hiện có trên 10.000 ha rừng nguyên liệu, hàng năm khai thác trên 2.000 ha. Lâu nay có khá nhiều hộ trồng rừng sản xuất có tâm lý “ăn xổi”, thu hoạch keo non 3-4 năm tuổi chủ yếu bán cho sản xuất dăm gỗ, giá trị kinh tế thấp.
Nguyên nhân khai thác keo non là do người trồng rừng thiếu vốn đầu tư sản xuất, cần nhu cầu trang trải cuộc sống, lâu nay huyện cũng chưa có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm gỗ keo nên khi keo tăng giá là bà con tranh thủ khai thác.
Huyện Nghĩa Đàn đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ những thiệt hại khi bán keo non. Tuy nhiên huyện đang rất cần các doanh nghiệp vào ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm lâu dài để người trồng rừng yên tâm sản xuất, khai thác đúng với chu kỳ nâng cao giá trị kinh tế.
Đồng thời vận động người dân trồng keo xen kẽ với trồng rừng gỗ lớn để vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa góp phần phát triển nghề rừng theo hướng hiệu quả, bền vững.
Ở địa bàn huyện Quỳ Hợp, có khá nhiều hộ dân khai thác keo đúng chu kỳ nên cho năng suất khá cao. Một chủ rừng ở xã Đồng Hợp cho hay: Gia đình hiện đang khai thác hơn 3 ha keo trên 5 năm tuổi, với giá tăng cao như hiện nay đạt doanh thu 120 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi 80-90 triệu đồng/ha.
Qua tìm hiểu được biết, hiện nhiều nhà máy và các cơ sở chế biến gỗ keo trên địa bàn Nghệ An và các tỉnh lân cận đã ký kết được các đơn hàng, nên đã đẩy giá keo tăng cao trong thời gian qua.
Ông Hồ Đức Đàn – Giám đốc xí nghiệp chế biến nông lâm Sông Hiếu chia sẻ: Ra Tết, chúng tôi đã tìm kiếm được các đơn hàng mới, chủ yếu là xuất bán các loại gỗ ghép thanh, phôi gỗ cho các thị trường Mỹ và nội địa, giá đã tăng trở lại, trước đây 8,5 triệu đồng/m3 gỗ ghép thanh thì nay tăng lên 9,9 triệu đồng/m3. Nhờ tìm được đầu ra nên đơn vị tạo được việc làm cho trên 90 lao động có mức lương ổn định.
Tại địa bàn huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hoà một số cơ sở chế biến gỗ bóc trước đây tồn kho khá nhiều thì nay đều đã xuất bán được hàng. Một chủ cơ sở chế biến lâm sản ở phường Quang Tiến, thị xã Thái Hoà cho biết: Trước tết mặt hàng gỗ ván bóc giá rẻ chỉ 2 triệu/m3 không ai mua, thì nay tăng lên 2,5 triệu đồng/m3.
Nghệ An hiện có trên gần 170.000 ha rừng keo nguyên liệu, hàng năm khai thác trên 50.000 ha. Nhiều nhà máy chế biến gỗ keo trên địa bàn Nghệ An hiện nay đã ký kết được các đơn hàng ở Nhật Bản, Mỹ và thị trường trong nước đẩy giá keo tăng cao. Góp phần đẩy mạnh phong trào trồng rừng sản xuất cải thiện thêm thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên để rừng sản xuất phát triển bền vững, theo các nhà chuyên môn, Nghệ An cần có cơ chế khuyến khích các công ty, tập đoàn tham gia đầu tư hỗ trợ chủ rừng và người dân trồng rừng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm để tạo nguồn nguyên liệu chất lượng, ổn định tránh tình trạng dân bán keo non ảnh hưởng đến mục tiêu trồng rừng của tỉnh.