Trong văn bản vừa gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Công ty cổ phần Tổng Công ty Chè Nghệ An (CNA) cho biết, đã thông qua lựa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2024 là Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Việt Nam từ đại hội đồng cổ đông năm 2024.
Tuy nhiên, đến ngày 29-11 vừa qua, công ty chè này lại nhận được văn bản từ Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Việt Nam về việc thông báo ngừng hợp tác vì nhiều nguyên nhân khách quan.
Lãnh đạo của Tổng công ty Chè Nghệ An cho biết, không thể lựa chọn và ký kết hợp đồng kiểm toán với đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2024 khác theo đúng thời gian quy định là 30-11-2024.
Hiện nay HĐQT Tổng công ty Chè Nghệ An đã họp và tiến hành các thủ tục lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thay đổi lựa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2024 khác.
Trong văn bản gửi cơ quan quản lý, Tổng công ty Chè Nghệ An không nêu cụ thể lý do đơn vị kiểm toán từ chối cung cấp dịch vụ là gì.
Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính năm 2023, Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt đã đưa ra loạt ý kiến ngoại trừ và vấn đề nhấn mạnh với Tổng công ty Chè Nghệ An.
Theo đó, Kiểm toán Nhân Tâm Việt cho biết chưa thu thập được đầy đủ thư xác nhận với toàn bộ số dư phải thu ngắn hạn của khách hàng, trả trước cho người bán ngắn hạn, phải thu ngắn hạn khác, phải trả người bán ngắn hạn, người mua trả tiền trước ngắn hạn tại thời điểm cuối năm 2022 và 2023.
Kiểm toán cũng lưu ý người đọc báo cáo đến phần chênh lệch khoản lãi vay phải trả giữa số liệu công ty với số thông báo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – chi nhánh Nghệ An.
Điều này khiến kiểm toán viên nghi ngờ về khả năng công ty được xóa các khoản nợ này từ Ngân hàng phát triển Việt Nam – chi nhánh Nghệ An.
Ngoài ra, tại ngày phát hành báo cáo kiểm toán, Tổng công ty chè Nghệ An cũng chưa có phê duyệt quyết toán tài chính, quyết toán tiền thu từ cổ phần hóa, quyết toán chi phí cổ phần hóa, quyết toán kinh phí hỗ trợ cho người lao động dôi dư…
Giải trình về ý kiến kiểm toán, ông Nguyễn Đức Thắng – chủ tịch Tổng công ty chè Nghệ An, cho biết do quá trình cổ phần hóa kéo dài, công ty vẫn đang trong quá trình ổn định tổ chức, sắp xếp lại hoạt động sản xuất các chi nhánh trực thuộc.
Dù vậy doanh nghiệp vẫn cam đoan số liệu trên báo cáo tài chính phản ánh trung thực và hợp lí trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính của công ty tại ngày 31-12-2023.
Cũng theo báo cáo tài chính, tổng tài sản của Tổng công ty chè Nghệ An gần 50 tỉ đồng thời điểm cuối năm 2023. Kinh doanh kém hiệu quả khiến doanh nghiệp có khoản lỗ lũy kế 3,8 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu giảm xuống còn hơn 30 tỉ đồng.
Kiểm toán có quyền từ chối
Gần đây liên tiếp nổi lên những vấn đề liên quan tới kiểm toán. Một doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán mới đây cũng đã thay đổi một đơn vị kiểm toán thuộc “Big4” với lý do “không đáp ứng được yêu cầu”.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Văn Thanh – nguyên chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, thừa nhận gần đây xuất kiện nhiều hơn hiện tượng lo ngại rủi ro nghề nghiệp. Ông rất thông cảm và cho răng “kiểm toán hay bất cứ nghề nào cũng có rủi ro và chịu áp lực trong công việc”.
Ông Thanh nhấn mạnh, mọi ý kiến của kiểm toán viên phải dựa trên bằng chức có tính pháp lý, tin cậy và được đánh giá. Người làm kiểm toán được phép đưa ra 1 trong 3 loại ý kiến: Ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần; ý kiến kiểm toán chấp nhận từng phần, có ngoại trừ; ý kiến kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến.
“Kiểm toán viên hoàn toàn có quyền không đưa ra ý kiến nếu không có đủ bằng chứng, hoặc bằng chứng không đầy đủ, không đủ độ tin cậy, cảm thấy rủi ro. Nếu đưa ra ý kiến không phù hợp các bằng chứng đã thu thập, đã đánh giá thì hoặc do năng lực chuyên môn hoặc do động cơ không trong sáng, thì đều là vi phạm”, ông Thanh nhấn mạnh.