THAY ĐỔI TƯ DUY VỀ NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN
Nguồn lực phát triển trong xã hội truyền thống của các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An chủ yếu cũng là đất rừng, nương rẫy, ruộng nước, nói chung là các nguồn tài nguyên gắn với cuộc sống của họ.
Trong nền kinh tế thị trường cần những nguồn lực mới như quan hệ xã hội, mạng lưới xã hội, tri thức dân gian, thông tin thị trường, vị trí địa lý, kỹ năng nghề nghiệp, tri thức văn hóa, bằng cấp, vị thế xã hội… Nhưng không phải ai cũng nhận thức và nắm bắt được các nguồn lực này. Các gia đình tham gia du lịch cộng đồng với các gia đình ít tham gia vào các hoạt động này có thể thấy rõ hơn việc nắm bắt các nguồn lực phát triển do khác nhau về sự trải nghiệm thị trường.
Những người làm du lịch cộng đồng biết cách xây dựng mạng lưới xã hội thông qua nhiều kênh khác nhau. Trước hết là các mối quan hệ với chính quyền địa phương. Ngay từ khi có dự án phát triển du lịch cộng đồng và được đưa đi tham quan một số mô hình, những người này đã biết tạo ra cho mình các mối quan hệ cần thiết như với những người hướng dẫn, với những người tổ chức du lịch cộng đồng, thậm chí với một số người ở những nơi mà họ đi tham quan để trao đổi. Sau đó, khi có những đoàn khách tham quan đầu tiên, họ đã biết giữ gìn các mối quan hệ với du khách. Đặc biệt, họ biết tạo ra và mở rộng mối quan hệ với các công ty du lịch, các hướng dẫn viên du lịch và xem đây là mối quan hệ quan trọng, là nguồn cung cấp khách cho họ.
Không chỉ biết tạo các mối quan hệ xã hội bên ngoài, những người làm du lịch cộng đồng cũng tỏ ra nhanh nhẹn và biết cách tập hợp những người khác trong bản cùng tham gia vào hoạt động này hơn. Họ tập trung và tập huấn cùng mọi người về việc nấu ăn, tổ chức tiếp đón khách, tổ chức các hoạt động để phục vụ du khách. Khi phân chia thành các nhóm/câu lạc bộ như câu lạc bộ dân ca, nhóm ẩm thực, nhóm trải nghiệm… thì những người làm du lịch cộng đồng chính là cầu nối giữa các nhóm này. Họ chính là người tiếp nhận thông tin về du khách và thông báo, tổ chức các hoạt động liên quan cũng như thỏa thuận về giá cả và phân chia lợi ích với nhau.
Như vậy, thông qua du lịch cộng đồng, những người tham gia đã nhận thức được rõ quan hệ xã hội và năng lực tổ chức là một nguồn lực để phát triển kinh tế. Họ cũng hiểu rằng bản sắc văn hóa tộc người là nguồn vốn quan trọng và có thể vận dụng vào quá trình phát triển.
THAY ĐỔI TƯ DUY VỀ HOẠCH ĐỊNH KINH TẾ
Bản thân du lịch cộng đồng là một quá trình kinh tế gồm nhiều bước, nhiều hoạt động khác nhau có mối quan hệ với nhau. Nên phát triển du lịch cộng đồng cũng cần một chiến lược hoạch định kinh tế. Trước hết là chiến lược đầu tư tài chính.
Muốn phát triển du lịch cộng đồng thì cần có một nguồn tài chính và chiến lược đầu tư, sử dụng tài chính nhất định. Huy động một số vốn không nhỏ từ việc bán trâu bò, lợn, hay vay mượn anh em, thậm chí vay ngân hàng là một điều không dễ dàng đối với người dân miền núi. Vậy nên, khi đã theo đuổi thì đòi hỏi họ phải rất cẩn thận trong kế hoạch đầu tư. Những người làm du lịch cộng đồng đều cho thấy họ có sự táo bạo trong việc làm ăn kinh tế. Và họ cũng rất tính toán trong việc đầu tư cho lĩnh vực mới này. Nhưng họ không dốc hết mọi nguồn lực cho hoạt động này mà vẫn giữ các hoạt động sản xuất khác, để đề phòng khi những hoạt động này không đem lại lợi ích như mong muốn thì cuộc sống gia đình cũng không đi vào bế tắc.
THAY ĐỔI TƯ DUY VỀ HỆ THỐNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA
Hệ thống giá trị mang tính bản sắc tộc người. Nhưng đây đều là những khái niệm trìu tượng và thay đổi theo thời gian. Hệ thống giá trị được định hình trong những giai đoạn khác nhau và nó thay đổi tùy theo hoàn cảnh nhưng vẫn giữ được những nét cơ bản của nó.
Với các cộng đồng dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An trước đây, hầu hết đều mang hệ thống giá trị cơ bản là hướng nội. Các cộng đồng sáng tạo và sản xuất đều hướng đến phục vụ bản thân, phục vụ gia đình và phục vụ cộng đồng của mình. Ví dụ như một bộ trang phục đẹp là sự tôn vinh một người phụ nữ-người đã sản xuất ra nó. Đó gọi là các giá trị văn hóa hướng nội. Nhưng khi phát triển du lịch cộng đồng thì hệ thống giá trị cũng có sự thay đổi.
Để phát triển du lịch, người dân đã thậm chí hiện đại hóa các yếu tố văn hóa để phục vụ du khách; họ sửa sang lại nhà cửa, làm thêm mái tôn, nâng cột nhà lên để sử dụng tầng 1 như một không gian tiếp khách và ăn uống. Mua sắm các trang thiết bị hiện đại như tủ lạnh, nồi cơm điện, tắm nóng lạnh, làm vệ sinh tự hoại,… Nhiều món ăn cũng bị thay đổi sao cho phù hợp với khẩu vị của du khách hơn. Nhiều dịch vụ mới xuất hiện như các quán cà phê, các quán nhậu, các shop quần áo, thời trang và đồ lưu niệm.
Không chỉ vậy, những bộ trang phục nhiều khi cũng được cách tân, các điệu hát điệu múa cũng được cải biên sao cho hợp lý và sôi nổi hơn, lộng lẫy hơn. Điều đó chứng tỏ, du lịch cộng đồng đã làm thay đổi hệ thống giá trị của những người làm du lịch cộng đồng từ hướng nội sang hướng ngoại, phục vụ khách hàng.