Thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn
Biến động kinh tế thế giới, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm khiến thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy, hải sản gặp khó khăn. Các doanh nghiệp thủy sản chịu nhiều áp lực khi thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, hàng tồn kho lớn, trong khi gánh nặng các loại chi phí.
Chị Hoàng Thị Phương Thanh – chủ kho đông lạnh Ngọc Thanh ở thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu cho biết, hiện hàng của chúng tôi đang tồn khá nhiều, nên chỉ thu mua cầm chừng, kho đông mới chỉ hoạt động 30% công suất. Cơ sở tôi đang vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách nhưng nguồn vốn nhỏ. Để phát triển sản xuất, tới đây gia đình cũng muốn vay vốn lãi suất ưu đãi nhưng qua tìm hiểu thì chưa đủ điều kiện vay.
Còn tại Nhà máy Chế biến bột cá Xuri Việt Trung ở Diễn Châu có công suất 240 tấn nguyên liệu/ngày sản lượng xuất khẩu từ đầu năm đến nay đạt 5.000 tấn xuất sang thị trường Trung Quốc. Ông Lê Thái – Giám đốc Công ty TNHH chế biến phụ phẩm thuỷ sản Xuri Việt Trung cho biết: Để phục vụ sản xuất kinh doanh, chúng tôi vay vốn ngân hàng trên địa bàn dư nợ hàng chục tỷ đồng, với lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu là 8%/năm. Năm nay giá bột cá tăng, đầu năm giá 24.000 đồng/kg, nay lên 40.000 đồng/kg, do nhu cầu của nhà máy chế biến thức ăn gia súc tăng cao. Giá sản phẩm tăng nhưng khó khăn hiện nay là nguyên liệu đầu vào cũng tăng, khan hiếm ảnh hưởng đến sản xuất của đơn vị.
Thời điểm này, rất nhiều ao đầm của thành viên nuôi cá vược HTX Nuôi trồng thuỷ sản Văn Thành, Diễn Vạn chưa đạt sản lượng thả nuôi, diện tích nuôi cũng bị thu hẹp, giảm 20% so với trước đây. Một số đầm bị thiệt hại sau đợt cắt điện vừa qua, giờ chưa thể tái đầu tư. Bà con cho biết, chi phí đầu vào tăng, giá bán giảm, người dân không có tiền để đầu tư cho sản xuất. Trong khi đó, vay vốn ngân hàng thì khó khăn vì không đáp ứng đủ các điều kiện theo yêu cầu.
Ông Trần Văn Quý – Giám đốc HTX Nuôi trồng thuỷ sản Văn Thành, Diễn Vạn, Diễn Châu cho biết, hiện nay việc nuôi trồng thuỷ sản rất khó khăn, thất bát nhiều. Người dân đầu tư cầm chừng, chỉ vay món nhỏ, không đáp ứng nhu cầu sản xuất. HTX thì không có bìa đất, không có tài sản thế chấp để vay vốn, nhất là các chương trình hỗ trợ lãi suất…
Có thời điểm khi người nuôi tôm có lãi, thị trường ổn định, diện tích nuôi tôm của cả tỉnh lên đến trên 2.300 ha. Vậy nhưng nhiều tháng lại nay giá tôm giảm mạnh, chi phí tăng, nuôi tôm thua lỗ buộc nhiều hộ đã phải “treo ao, bỏ đầm”.
Cần tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cho vay
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 14/7/2023, tại Văn bản số 5631, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố triển khai chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với vốn tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng, thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024. Lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại còn thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng. Chương trình này được kỳ vọng tạo đà bứt phá cho xuất khẩu những tháng cuối năm.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường. Có 12 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia chương trình, gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Nam Á, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, cùng với hàng loạt các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất đã và đang triển khai thời gian qua, việc triển khai chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp tục thể hiện tinh thần đồng hành của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Hoạt động này phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Hiện nay, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và địa bàn nông thôn Nghệ An ước đạt 122.600 tỷ đồng, chiếm 43% dư nợ toàn địa bàn. Riêng gói 15.000 tỷ để cho vay lĩnh vực lâm, thủy sản, hiện tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tham gia triển khai nhưng sau hơn 2 tháng, theo báo cáo từ phía ngân hàng thì vẫn chưa có khách hàng thuộc diện tiếp cận gói vay này.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân là do tình hình chung của các doanh nghiệp giai đoạn này rất khó khăn. Nguồn tín dụng lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp thủy sản nói riêng và lĩnh vực xuất khẩu nông sản nói chung khá dồi dào nhưng dư nợ không cao. Không riêng gì gói 15.000 tỷ đồng cho vay lâm thuỷ sản, mà trước đó, ngân hàng đã đưa ra khá nhiều gói vay ưu đãi nhưng doanh nghiệp không mặn mà. Một số cơ sở muốn vay vốn thì không đáp ứng điều kiện vay.
8 tháng đầu năm, Công ty CP Thuỷ sản Vạn Phần, Diễn Châu xuất bán hơn 800.000 lít nước mắm, với doanh số 12 tỷ đồng trong đó thị trường nội địa chiếm 60%, 40% là xuất khẩu sang Nhật Bản. Chia sẻ về nhu cầu vay vốn cho sản xuất kinh doanh của đơn vị, ông Hoàng Ngọc Lân – Giám đốc Công ty CP Thuỷ sản Vạn Phần cho biết, để phát triển sản xuất kinh doanh cũng như đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, công ty đã có kế hoạch xây dựng lại nhà máy, lắp đặt dây chuyền sản xuất với tổng vốn đầu tư ước tính 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không vay vốn ngân hàng mà sử dụng nguồn vốn góp của cổ đông. “Điều kiện vay vốn ngân hàng nhất là các chương trình ưu đãi lãi suất rất chặt, thủ tục, tiêu chuẩn cao nên rất khó tiếp cận; lâu nay chúng tôi huy động vốn cổ đông của các nhà đầu tư để sản xuất kinh doanh”, ông Lân chia sẻ.
Một số doanh nghiệp ngành thuỷ sản chia sẻ: Thời gian qua ngân hàng liên tục đưa ra các cơ chế chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp. Việc các ngân hàng vừa hỗ trợ giãn thời hạn trả nợ vừa đưa ra các gói vay ưu đãi lãi suất đã tạo điều kiện khá tốt để các doanh nghiệp có thể vay nguồn vốn tín dụng thu mua nguyên liệu chuẩn bị cho các đơn hàng dịp cuối năm. Tuy nhiên, sau khó khăn thời kỳ dịch Covid-19 hiện nay đa số đều cạn tài sản thế chấp và hết hạn mức tín dụng…
Ông Võ Huy Hạ – Giám đốc Vietinbank thị xã Cửa Lò cho biết, đến nay, dư nợ cho vay lĩnh vực lâm, thủy sản của ngân hàng là 1.000 tỷ đồng; song cho vay theo chương trình 15.000 tỷ ngân hàng đã triển khai, rà soát, đến nay chưa phát sinh dư nợ. “Cho vay lâm, thuỷ sản hiện có nhiều chương trình, khách hàng sẽ lựa chọn chương trình tốt nhất để vay. Do tình hình sản xuất kinh doanh lĩnh vực thuỷ sản gần đây khó khăn, luân chuyển hàng hoá kém, nhiều cơ sở thu hẹp sản xuất nên đến nay vẫn chưa có khách hàng nào vay vốn chương trình này”- ông Hạ chia sẻ.
Trước biến động thị trường, hơn lúc nào hết chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực thủy sản là rất cần thiết, song các điều kiện, thủ tục cần sát với thực tế hơn, giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh. Có như vậy chủ trương tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy các động lực tăng trưởng nền kinh tế của Chính phủ mới phát huy hiệu quả.