Tham dự tại đầu cầu Hoa Kỳ có các ông: Nguyễn Mạnh Quyền – Trưởng Chi nhánh Thương vụ tại Houston, Texas; Vinh Nguyễn- Chủ tịch Hiệp hội VBI Global; GS kinh tế Chuck Gengler và một số doanh nghiệp tại Houston, Texas.
Ông Phạm Văn Hoá – Giám đốc Sở Công Thương chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Tham dự có đại diện lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và hơn 40 doanh nghiệp xuất nhập khẩu của tỉnh.
Hoa Kỳ là thị trường đứng thứ 4 của tỉnh
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng, đứng thứ 4 của tỉnh Nghệ An (sau Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc), kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng hàng năm. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu Nghệ An – Hoa Kỳ đạt 242,7 triệu USD, trong đó xi măng 105,8 triệu USD, dệt may 81 triệu USD, giày, dép các loại đạt 24,7 triệu USD, đá ốp lát đạt 12,6 triệu USD… Năm 2023, các doanh nghiệp của tỉnh nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 25,2 triệu USD gồm các sản phẩm như: nguyên phụ liệu dệt may, da giày (14,4 triệu USD), thiết bị linh kiện điện tử (9,24 triệu USD), bò sữa…
Năm 2023, các công ty của Nghệ An hoạt động xuất khẩu như: Công ty may Minh Anh Đô Lương (xuất khẩu sang Mỹ đạt 34,5 triệu USD sản phẩm may mặc), Tập đoàn An Hưng (12 triệu USD, sản phẩm may mặc), Công ty may Minh Anh – Kim Liên (9 triệu USD, sản phẩm may mặc), Tập đoàn May Halotexco, Công ty Kido Vinh; Công ty Xi măng The Vissai (105 triệu USD), Công ty Xi măng Tân Thắng đã thành lập văn phòng đại diện tại Houston, Hoa Kỳ.
Ngoài ra, các công ty sản xuất sản phẩm nông, lâm, thủy sản như Công ty Nafoods, Vilaconic, Công ty CP Mỹ nghệ Nghệ An, Công ty Biển Quỳnh, Công ty Nước mắm Vạn Phần và nhiều công ty khác đang lập kế hoạch, hoàn thiện tiêu chuẩn để đưa hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ…
Mặc dù sự hợp tác, phát triển xuất khẩu giữa Hoa Kỳ và Nghệ An trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng kim ngạch xuất khẩu giữa tỉnh Nghệ An và Hoa Kỳ chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi bên. Nhiều mặt hàng có tiềm năng của tỉnh như: mặt hàng gỗ, sản phẩm gỗ có nguồn gốc từ Nghệ An phải đi qua nhiều khu vực để hoàn thiện, gia công, xuất khẩu sang Hoa Kỳ; sản phẩm may mặc, da giày có số lượng doanh nghiệp sản xuất lớn (với 40 nhà máy), nhiều doanh nghiệp phải thực hiện xuất khẩu ủy thác qua các đối tác tại các thành phố lớn…
Với vị trí địa lý cách trở, chi phí logistics cao (nhất là sau sự kiện Biển Đỏ khiến thời gian vận chuyển Việt Nam đến Mỹ tăng thêm 10-15 ngày, phát sinh chi phí) làm cho tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Nghệ An tại Mỹ bị hạn chế.
Mỹ được xem là một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới, doanh nghiệp phải đối mặt với các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm… trong khi tỉnh Nghệ An có nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa có nhiều kỹ năng giao thương với các thị trường khó tính, nên khó khăn trong việc tiếp cận thị trường này.
Cơ hội hợp tác tại Hoa Kỳ
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Hoá – Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết: Để hợp tác thương mại giữa tỉnh Nghệ An với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, trước hết là doanh nghiệp tại Houston, Texas ngày càng phát triển, đề nghị thiết lập kênh thông tin thường xuyên về sản phẩm, doanh nghiệp của hai bên, các rào cản và tiêu chuẩn kỹ thuật (qua nền tảng số) để hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu, trao đổi và hợp tác với nhau.
Đề nghị Thương vụ Việt Nam tại Houston, các hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Houston trên cơ sở điều kiện và sản phẩm của tỉnh (có cataloge sản phẩm xuất khẩu tỉnh đã gửi đến Thương vụ) thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác thương mại, xuất nhập khẩu giữa 2 bên. Sở Công Thương cũng làm cầu nối cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Nghệ An, kết nối nhu cầu nhập khẩu thiết bị, chuyển giao công nghệ…
Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cũng bày tỏ mong muốn Lãnh sự quán, Thương vụ Việt Nam tại Houston quan tâm thông tin hỗ trợ xúc tiến các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào đầu tư tại Nghệ An, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực như: cảng biển, logistics, điện tử, ô tô, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch phù hợp với xu thế mới.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp Nghệ An nêu ý kiến đề xuất mong muốn cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ.
Về phía các doanh nghiệp, tổ chức tại Hoa Kỳ, các chuyên gia đã trao đổi kế hoạch, chiến lược phát triển của doanh nghiệp; kinh nghiệm, tình huống trong hoạt động kinh doanh. Qua đó nhấn mạnh, các doanh nghiệp Nghệ An cần tích cực tham gia chương trình xúc tiến thương mại, kết nối với cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Hoa Kỳ.
Ông Vinh Nguyễn – Chủ tịch Hiệp hội VBI Global tư vấn kinh nghiệm về xuất khẩu và phân phối sản phẩm vào thị trường Hoa Kỳ chia sẻ: Các doanh nghiệp Nghệ An cần xác định đối tác nhà phân phối; đầu tư, điều chỉnh chiến lược tiếp thị phù hợp với sở thích tiêu dùng tại Hoa Kỳ bao gồm quảng cáo trực tuyến, truyền thông xã hội, nhằm tăng cường ý thức về sản phẩm. Cùng với đó, sử dụng thương mại điện tử để tiếp cận đối tượng khách hàng rộng lớn hơn; tối ưu hoá sự hiện diện trực tuyến với trang web thân thiện với người dùng, quảng cáo trực tuyến và khả năng thương mại điện tử; hỗ trợ và dịch vụ khách hàng, xử lý nhanh chóng mọi vấn đề liên quan đến sản phẩm.
Tại hội nghị, các vấn đề cụ thể của doanh nghiệp Nghệ An cũng được Trưởng Chi nhánh Thương vụ tại Houston, Texas cùng các chuyên gia trả lời, chia sẻ thông tin.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền – Trưởng Chi nhánh Thương vụ tại Houston, Texas nhấn mạnh: Ngoài vấn đề chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp Nghệ An cần hết sức lưu ý 3 nội dung khi tiếp cận, làm việc với đối tác Hoa Kỳ, đó là phải chuẩn bị kỹ lưỡng, rõ ràng thông tin catalogue, sản phẩm mẫu và hợp đồng, điều khoản thanh toán.