Dự phiên thảo luận có đồng chí Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An điều hành phiên thảo luận.
CÂN NHẮC KỸ TỪNG ĐỐI TƯỢNG ĐƯA VÀO DIỆN ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC
Phát biểu thảo luận, đại biểu Thái Thị An Chung – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An nêu quan điểm: Nếu như xác định tham gia bảo hiểm xã hội là quyền của người lao động thì một số nhóm đối tượng nên có cân nhắc.
“Tôi nghĩ rằng nên thiết kế thêm nhóm đối tượng được quyền lựa chọn giữa việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc bắt buộc như chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng đăng ký kinh doanh, người lao động làm việc không rõ thời gian, những hoạt động không chuyên trách ở các tổ dân phố”, vị đại biểu Đoàn Nghệ An nói và cho rằng, những đối tượng này nên khuyến khích họ tham gia bảo hiểm tự nguyện thì tốt hơn là đưa vào diện phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Cũng đề cập đến nội dung này, ông Phạm Phú Bình – Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An nêu quan điểm cần cân nhắc đưa các nhóm đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố và người lao động làm việc không trọn thời gian (làm việc theo chế độ linh hoạt) vào diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như tại dự thảo luật.
Vì theo đại biểu, qua quan sát cho thấy, đa số nhóm đối tượng này là cán bộ hưu trí nên quy định đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là không phù hợp cho cả bên sử dụng lao động (Nhà nước sử dụng ngân sách để đóng) và cả người thụ hưởng. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ LĐ -TB&XH – cơ quan soạn thảo dự thảo Luật – nghiên cứu, giải trình thêm.
Còn đối với nhóm người lao động làm việc không trọn thời gian (làm việc theo chế độ linh hoạt), theo nhận định của đại biểu Phạm Phú Bình, nhóm này có số lượng đang tăng lên rất nhiều trong xã hội hiện nay như: Ca sĩ, nhạc sĩ, freelancer (người làm việc tự do)…
Đây là các đối tượng làm việc không theo hợp đồng dài, ngắn hạn mà theo thỏa thuận từng công việc cụ thể, nên không có thu nhập tính theo tiền lương tháng.
Ông cho rằng, nếu coi các đối tượng trên thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này cần có quy định chính sách chặt chẽ hơn; còn nếu coi họ thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cần chỉ ra lợi ích của họ khi tham gia.
Đồng tình mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc song ông Trần Nhật Minh – đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn Nghệ An phân tích tính bất hợp lý giữa các quy định và đề nghị xem xét tính khả thi.
Cụ thể là về nguyên tắc bảo hiểm xã hội, dự thảo luật đang đề xuất: “Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động”. Tuy nhiên, một trong các đối tượng đang đề xuất đưa vào diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là “chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh” lại không có tiền lương tháng.
ĐỒNG TÌNH ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI 15 NĂM LÀ ĐỦ ĐIỀU KIỆN HƯỞNG LƯƠNG HƯU
Thảo luận về dự án luật, liên quan đến quy định rút bảo hiểm xã hội một lần, Thiếu tướng Trần Đức Thuận – Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An đồng tình với phương án cho phép “người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày có luật này thi hành sau 12 tháng không thực hiện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm” thì được rút một lần, nhưng ông đề nghị điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm xã hội chỉ cần đủ 15 năm là được rút.
Theo đại biểu, phương án này kế thừa Luật Bảo hiểm xã hội ban hành, không gây xáo trộn lớn và tạo điều kiện cho người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần để có nguồn tiền hữu ích khi gặp khó khăn.
Trước đó, liên quan đến thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ để hưởng lương hưu, đại biểu Thái Thị An Chung tán thành với dự thảo luật lần này giảm từ 20 năm xuống 15 năm; qua đó khuyến khích những người trên 40 tuổi tham gia bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề hưởng lương hưu, vị đại biểu Đoàn Nghệ An cho rằng, không nên quy định tỷ lệ suy giảm sức lao động là 61% trở lên và phải thực hiện thủ tục khám tỷ lệ mất sức mới được nghỉ hưu, vì qua tiếp xúc cử tri, thủ tục khám này phức tạp, phát sinh một số tiêu cực.
Theo đại biểu Thái Thị An Chung luật chỉ cần quy định, trong trường hợp người đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu năm công tác nhưng đã đủ thời gian đóng và chấp nhận tỷ lệ hưởng lương hưu trước tuổi bị giảm 2%/năm thì vẫn cho nghỉ hưu.
Ngoài ra, ý kiến các đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu nguyên tắc để cách tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa đáp ứng mở rộng đối tượng, vừa hạn chế mức thấp nhất các doanh nghiệp cố tình chia nhỏ quỹ lương để giảm mức đóng bảo hiểm xã hội; phương án chi phí quản lý bảo hiểm xã hội đảm bảo hợp lý nhất; giải thích từ ngữ “chậm đóng bảo hiểm xã hội” để phân biệt với hành vi “trốn đóng bảo hiểm xã hội”, vì trong thực tế rất khó phân biệt rạch ròi hai hành vi này; cân nhắc quy định “cơ quan Bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật”, vì theo Bộ Luật Tố tụng dân sự thì bảo hiểm xã hội không phải là cơ quan đại diện cho quyền lợi của người lao động.