Chiều 6/5, Sở Nội vụ kiểm tra các nội dung chỉ đạo điểm công tác cải cách hành chính tại huyện Đô Lương. Dự cuộc làm việc có đồng chí Nguyễn Thị Mai Thương – Phó Giám đốc Sở Nội vụ; lãnh đạo huyện và các phòng, ban huyện Đô Lương.
Chỉ đạo quyết liệt
Đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính của huyện Đô Lương với 4 trọng tâm, bao gồm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính; cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; thực hiện công vụ.
Theo đó, nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác cải cách hành chính, đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Đô Lương đã thành lập Ban Chỉ đạo của huyện do đồng chí Bí thư Huyện ủy đứng đầu, các thành viên Ban Chỉ đạo gồm các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện và trưởng các phòng, ngành có liên quan.
Đồng thời, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Đặc biệt, Trung tâm hành chính công của huyện được đầu tư khang trang, hiện đại, các thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết cơ bản kịp thời. UBND huyện thường xuyên theo dõi kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của các phòng thuộc UBND huyện, các xã, thị trấn trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; qua đó kịp thời đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị đẩy nhanh quá trình giải quyết hồ sơ, hạn chế tình trạng trễ hạn.
Cùng đó, huyện Đô Lương đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, quản lý, điều hành của lãnh đạo UBND huyện.
Đến nay, toàn huyện cung cấp 261 bộ thủ tục hành chính cấp huyện (trong đó, có 111 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 150 dịch vụ công trực tuyến một phần); 156 bộ thủ tục hành chính cấp xã (trong đó, có 36 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 114 dịch vụ công trực tuyến một phần).
Từ ngày 01/01/2024 đến ngày 03/05/2024, Bộ phận một cửa cấp huyện Đô Lương đã tiếp nhận 645 hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 100%; cấp xã tiếp nhận 3.555 hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 88,9%. Hiện nay, UBND huyện đang triển khai xây dựng đô thị thông minh.
Kết quả số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính quý I/2024: Số hồ sơ có số hóa thành phần: 3.350/3.351 hồ sơ; số hóa đầy đủ thành phần: 3.343/3.351, đạt: 99,76%; số hồ sơ có số hóa kết quả: 3.294/3.294 hồ sơ đã giải quyết, đạt 100%.
Bên cạnh đó, huyện tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức. Thực hiện tốt Đề án 06/CP góp phần công tác cải cách hành chính, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính huyện, công tác cải cách hành chính trên địa bàn toàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của huyện Đô Lương năm 2023 đứng 7 thứ toàn tỉnh (tăng 1 bậc so với năm 2022).
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác cải cách hành chính ở một số đơn vị cấp xã vẫn chưa hiệu quả; tỷ lệ chữ ký số lãnh đạo cấp xã còn thấp; các hình thức tuyên truyền về cải cách hành chính chưa đa dạng, chưa thường xuyên. Việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực, nội dung, quy trình thực hiện chưa đảm bảo yêu cầu; tỷ lệ số hoá hồ sơ thủ tục hành chính và tỷ lệ thanh toán trực tiếp còn thấp,…
Nâng thứ hạng chỉ số cải cách hành chính
Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, Phó Giám đốc Sở Nội vụ – đồng chí Nguyễn Thị Mai Thương đánh giá: Năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo cải cách hành chính huyện và lãnh đạo UBND huyện, đặc biệt là người đứng đầu, công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện Đô Lương có nhiều chuyển biến tích cực.
Để tiếp tục tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác cải cách hành chính của địa phương, đồng chí Phó Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị huyện Đô Lương cần phân tích, đánh giá các chỉ số, chỉ số thành phần thấp điểm năm 2023 để chỉ đạo tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế. Huyện tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành với các giải pháp đồng bộ, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, sâu sát, có trọng tâm; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính.
Cùng với đó, huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cải cách hành chính. Chỉ đạo, đôn đốc, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính nhằm cải thiện, nâng cao thứ hạng các chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI), chỉ số chuyển đổi số của huyện (DTI).
Đồng thời, huyện cần chỉ đạo các phòng, ban thuộc UBND huyện và các xã, thị trấn tổ chức rà soát, đánh giá kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025 của các cơ quan, đơn vị. Tập trung ưu tiên cho triển khai các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, công vụ, công chức, chuyển đổi số, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử,…
Cùng đó, huyện cần tiếp tục tăng cường kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính và chế độ công vụ tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện; triển khai Đề án vị trí việc làm để thực hiện chính sách tiền lương mới,…