Thiệt hại hàng trăm triệu sau 1 đêm
Sau 3 ngày kể từ khi phát hiện hơn 1ha bí xanh của gia đình bị chặt phá, ông Võ Văn Dương và ông Đinh Văn Huỳnh vẫn còn bần thần xen lẫn lo lắng khi thu dọn số cây bí đã héo rũ.
Vừa thuê công nhân thu dọn cây và quả bí đã bị chặt ngang thân, nhổ bật gốc, vừa tự tay gom những quả bí to bằng bắp tay đã bắt đầu héo rũ sau 3 ngày bị chặt, nhổ, ông Dương buồn rầu cho biết, sáng 20/12 khi ra thăm ruộng như thường ngày thì phát hiện sự việc.
Khu vực ông Võ Văn Dương và Đinh Văn Huỳnh thuê trồng bí có diện tích 4ha, là đất công ích của UBND xã Lam Sơn và nằm khá gần trụ sở xã này. Khu đất trước đây từng được một hộ gia đình thuê để trồng cây húng quế chiết xuất tinh dầu, song do không hiệu quả nên đã trả lại cho UBND xã Lam Sơn.
Ông Võ Văn Dương là người địa phương, sinh sống ở xã, còn ông Đinh Văn Huỳnh quê ở xã Tào Sơn (Anh Sơn). Ông Huỳnh đã có nhiều năm kinh nghiệm đầu tư trồng nông sản, chủ yếu là bí xanh, rau đậu tại Anh Sơn và Trung Sơn, Thuận Sơn huyện Đô Lương.
Năm 2022, ông Huỳnh và ông Dương chung vốn thuê lại đất công ích của UBND xã Lam Sơn, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, giống, phân bón và thuê nhân công để trồng bí xanh tại xóm 1, xã Lam Sơn.
“Bí đã trồng được 2 tháng 15 ngày, hiện đã cho quả to trên dưới 1kg. Dự kiến khoảng 20 ngày nữa bí sẽ đạt độ già để bán ra thị trường. Chúng tôi đầu tư và thuê nhân công chăm sóc hơn 2 tháng nay, chi phí trung bình đã hết khoảng 200 triệu đồng/ha. Không ngờ sắp đến ngày thu hoạch thì bị phá hoại thế này, xem như vụ trồng trọt năm nay lỗ nặng” – ông Võ Văn Dương cho biết.
Theo quan sát của phóng viên, diện tích trồng bí của ông Dương và ông Huỳnh nằm gần khu dân cư xóm 1 xã Lam Sơn, thuộc khu vực bãi bồi sông Lam. Có 2 khu vực bí bị chặt phá nằm ở 2 bên nhà tạm các hộ dùng làm nơi chứa phân bón, dụng cụ lao động.
Ở khu vực phía Nam có 7 luống bí bị chặt ngang thân cây, chặt ngang gốc và chém rụng nhiều quả bí, cây, lá, quả đã héo rũ. Mỗi luống bí dài khoảng 80 – 90m, mỗi gốc bí cách nhau khoảng 40cm.
Còn ở khu vực bị chặt phá phía Bắc ngôi nhà tạm gồm 8 luống, trong đó có 1 luống dài khoảng 64m bị nhổ gốc toàn bộ. Số còn lại cũng bị chặt ngang gốc, ngang thân cây. Tổng số cây bí bị chặt khoảng 1.200 cây, tổng diện tích bị phá hoại hơn 1ha.
Sẽ điều tra, xử lý nghiêm hành vi phá hoại tài sản
Ông Nguyễn Văn Lai – Phó Chủ tịch UBND xã Lam Sơn cho biết, sáng 20/12, ngay sau khi người dân trình báo vụ việc hơn 1ha bí tại xóm 1 bị phá hoại, lãnh đạo cùng lực lượng công an xã xuống hiện trường, ghi nhận thực tế và hiện đang phối hợp với cơ quan công an điều tra, xác minh.
“Đây là mô hình trồng bí xanh đầu tiên với quy mô lớn được triển khai ở xã Lam Sơn. Mô hình này vừa giúp tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, vừa lan toả cách sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung, chuyên nghiệp, hứa hẹn cho thu lợi nhuận cao. Thật đáng tiếc lại xảy ra sự việc phá hoại như vậy” – ông Lai bày tỏ.
Chị Nguyễn Thị Giang – một công nhân làm việc tại gia trại trồng bí của ông Dương và ông Huỳnh cho biết: “Sáng nay tôi và các công nhân khác tiếp tục được thuê thu dọn các gốc bí bị chặt phá. Thời điểm mùa vụ, vườn bí cần khoảng 10 nhân công làm việc. Chúng tôi cũng thấy rất buồn vì thiệt hại mà chủ vườn phải gánh chịu khi kẻ gian chặt phá thế này”.
Sáng 22/12, khi chúng tôi có mặt tại vườn bí của ông Dương và ông Huỳnh, lực lượng Công an huyện Đô Lương đang tích cực cùng với Công an xã Lam Sơn xác minh, điều tra vụ việc.
Lãnh đạo Công an huyện Đô Lương cho biết đang phối hợp với Viện kiểm sát vào cuộc điều tra, làm rõ hành vi phá hoại tài sản, trên tinh thần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.