Thực hiện phân cấp chuyển đổi mục đích sử dụng đất thực hiện 6 công trình, dự án
Nghị quyết số 36 của Quốc hội quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước và phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, rừng và quy hoạch.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 36, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh và bám sát các Bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình, trình tự, thủ tục thực hiện.
Đến thời điểm này, trên cơ sở thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất 2 lúa và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng được phân cấp cho tỉnh theo Nghị quyết số 36 của Quốc hội; các sở đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa 2 vụ và đất rừng sản xuất để thực hiện 6 công trình, dự án. Cụ thể chuyển đổi hơn 110 diện tích đất 2 lúa để thực hiện 5 công trình, dự án và chuyển đổi gần 86 ha đất rừng trồng để thực hiện 1 dự án.
Trong số các dự án thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, có một số dự án đang tập trung triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo được sự đồng thuận của người dân. Như Dự án Khai thác mỏ cát silic thuộc địa bàn xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai) đã giải phóng xong gần 86 ha diện tích đất rừng sản xuất; hay dự án cụm công nghiệp Diễn Thắng, tại xã Minh Châu (huyện Diễn Châu) cũng đang giải phóng mặt bằng chỉ còn 6 hộ dân.
Việc phân cấp đã tạo sự chủ động cho tỉnh Nghệ An quyết định chuyển đổi mục đích đất để thực hiện các công trình, dự án kịp thời, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Quá trình thực hiện, các sở cũng phản ánh một số bất cập, khó khăn trong triển khai Nghị quyết số 36 của Quốc hội.
Cụ thể, Nghị quyết số 36 của Quốc hội cho phép phân cấp chuyển mục đích sử dụng đất cho HĐND tỉnh Nghệ An quyết định đất 2 lúa. Tuy nhiên, tỉnh không có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước 1 vụ trên 10 ha hoặc hoặc đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng chắn gió, chắn cát nên khó khăn trong một số dự án. Mặt khác, về thủ tục 3 lần lấy ý kiến người có đất bị thu hồi, cộng đồng dân cư cũng đang có những bất cập.
Từ bất cập, các sở kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể việc Thủ tướng Chính phủ phân cấp chuyển mục đích sử dụng đất cho HĐND tỉnh Nghệ An cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng đầu nguồn đã bao gồm việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa khác, không phải chỉ riêng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên và đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng khác, không phải riêng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng đầu nguồn.
Đối với Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, kiến nghị cần lồng ghép nội dung lấy ý kiến theo hướng chỉ tổ chức lấy ý kiến 1 lần đối với người sử dụng đất bị ảnh hưởng bởi dự án bao gồm thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đánh giá tác động môi trường.
Nghiên cứu kiến nghị Quốc hội tháo gỡ các vướng mắc
Trên cơ sở khảo sát trực tiếp các dự án thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất được phân cấp thẩm quyền cho tỉnh theo Nghị quyết 36 của Quốc hội, cùng với báo cáo triển khai của các sở tại cuộc làm việc; thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Thái Thị An Chung – Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An ghi nhận sự chủ động, tích cực của các ngành trong tham mưu, bám nắm các Bộ, ngành Trung ương để triển khai, đưa Nghị quyết 36 của Quốc hội đi vào cuộc sống.
Mặt khác, quá trình triển khai phát sinh một số vướng mắc, khó khăn, bất cập; các sở cũng đã kịp thời báo cáo với UBND tỉnh, kiến nghị Trung ương để tháo gỡ.
Về trách nhiệm của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã tổng hợp đưa vào kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chính phủ sửa đổi.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cũng cho biết: Nghị quyết 36 của Quốc hội, vừa tạo cơ chế đột phá cho tỉnh Nghệ An, vừa là thí điểm thực hiện các cơ chế, chính sách mới; đồng thời quan điểm của Quốc hội luôn đồng hành cùng với cơ quan Nhà nước để sửa đổi, bổ sung các chủ trương, cơ chế chính sách nếu phát hiện bất cập, chứ không chờ đến hết thời gian thực hiện.
Bởi vậy, trên cơ sở phản ánh, đề xuất của các sở, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tiếp thu, nghiên cứu, kiến nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để sớm giải quyết các bất cập, vướng mắc, khó khăn đặt ra trong thực tiễn.