Sáng 3/5, Tổ công tác Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức phiên họp thứ 4 hội nghị chuyên đề về giải pháp chuyển đổi sang sử dụng một loại tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Tổ trưởng Tổ công tác Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Vinh – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.
MANG LẠI LỢI ÍCH CHO NGƯỜI DÂN, CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
Báo cáo tình hình triển khai thực hiện VNeID và giải pháp chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, tài khoản định danh điện tử được hiểu là “ví giấy tờ điện tử”, là phương thức quản lý thông tin thẻ căn cước của công dân hay toàn bộ giấy tờ tuỳ thân trên môi trường mạng.
VNeID là định danh điện tử Việt Nam, với mục đích thay thế cho giấy tờ truyền thống và cung cấp các tiện tích phục vụ cho công dân số, chính phủ số, xã hội số. VNeID giúp công dân có thể thay thế căn cước công dân gắn chíp và các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp. VNeID không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước.
Hiện nay, các bộ, ngành và 63 địa phương đã cơ bản kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về xác thực thông tin, giải quyết thủ tục hành chính. 27/63 địa phương đã phối hợp với Bộ Công an ban hành kế hoạch về triển khai các mô hình thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.
Tổng số lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử trên cổng dịch vụ công đến nay là 11.645.068; số lượt đăng nhập trên ứng dụng Etax của Tổng cục Thuế là 941.045; số lượt đăng nhập trên ứng dụng VSSID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là 94.548.133. Tổng số tiền tiết kiệm cho Nhà nước ước tính 230 tỷ đồng.
Đến nay, 100% công dân đã được cấp số định danh cá nhân; cấp 86 triệu thẻ căn cước công dân; thu nhận trên 74,7 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt 53,1 triệu tài khoản định danh điện tử. Bộ Công an đã triển khai 10 tiện ích trên VNeID, với hơn 1 triệu lượt truy cập, sử dụng các tiện ích hàng ngày, mang lại nhiều giá trị cho người dân.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo các giải pháp chuyển đổi sang sử dụng một loại tài khoản duy nhất là tài khoản VneID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đồng thời nêu lên các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất.
ĐỀ NGHỊ THIẾT LẬP KÊNH TIẾP NHẬN, GIẢI ĐÁP, THÁO GỠ VƯỚNG MẮC
Trình bày tham luận tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An cho biết, thực hiện Nghị định số 59/2022 của Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã ban hành 9 văn bản chỉ đạo; tăng cường tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của thẻ căn cước công dân, các tiện ích của của ứng dụng VNeID, tài khoản định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ công liên thông.
Đặc biệt, để đẩy mạnh công tác đăng ký, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử, ngày 16/6/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã phát động “Toàn dân đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử”.
Đến nay, tỉnh Nghệ An đã hoàn thành việc kết nối giữa cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Tính đến ngày 1/5/2024, toàn tỉnh đã thu nhận được 2.446.786 hồ sơ; trong đó đã kích hoạt được 1.936.637 hồ sơ, đạt 113,35% chỉ tiêu Bộ Công an giao; mức 2 là 1.611.245 trường hợp, đạt 83,19%.
Tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hoàn thành kiểm tra mức độ an toàn mã nguồn và an toàn kết nối của tỉnh; đồng thời tích hợp xong tính năng đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với Hệ thống định danh và xác thực điện tử Bộ Công an.
Đối với công tác rà soát, làm sạch tài khoản trên Cổng dịch vụ công và xây dựng tính năng cho phép công dân gửi yêu cầu xác thực thông tin tài khoản, tỉnh phấn đấu hoàn thành trước ngày 1/6/2024, tiến tới chỉ sử dụng duy nhất VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Tỉnh Nghệ An kiến nghị, để kịp thời ghi nhận các vướng mắc của các đơn vị, địa phương triển khai, phản hồi của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai thực hiện giai đoạn đầu, đề nghị Bộ Công an nghiên cứu thiết lập một kênh chuyên biệt để “tiếp nhận, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc”. Từ đó, giúp cơ quan quản lý cải thiện liên tục và tối ưu hệ thống, đảm bảo mục tiêu, tiến độ đề ra.
TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN, HOÀN THIỆN CƠ SỞ PHÁP LÝ
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá, ý thức và cảm nhận sự cần thiết việc sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến của các cấp, các ngành, địa phương đã chuyển biến rõ nét.
Việc phối hợp của các bộ, ngành, địa phương đã tốt hơn. Hạ tầng công nghệ thông tin đã được đầu tư và thuê ngày càng đồng bộ, hiện đại. Đã có nhiều cách làm hay, sáng kiến tốt của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời phát hiện ra những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.
Tuy nhiên, cơ sở pháp lý hiện nay chưa thống nhất trong việc sử dụng VNeID, chưa quy định rõ tiện ích nào sử dụng hoặc không. Bên cạnh đó, còn chậm ban hành các cơ sở pháp lý, việc giải quyết kiến nghị của các địa phương còn hạn chế….
Nhấn mạnh yêu cầu từ ngày 1/7/2024 việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến phải chạy trên tài khoản VNeID, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm; tăng cường công tác tuyên truyền để làm sao người dân hiểu rõ lợi ích để thực hiện; rà soát cơ sở dữ liệu, hướng dẫn cụ thể các việc cần thiết để triển khai thực hiện hiệu quả; hoàn thiện đầy đủ cơ sở pháp lý.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành làm sạch dữ liệu thuê bao di động với yêu cầu 100% sim chính chủ; nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông. Các địa phương tính toán việc đầu tư hoặc thuê hạ tầng đảm bảo hiệu quả; tăng cường trao đổi kinh nghiệm với các địa phương khác.