Về xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn), hỏi thăm gia đình bà Nguyễn Thị Bỉnh ở thôn 6, người dân ai cũng biết bởi những cống hiến, đóng góp xây dựng của gia đình bà cho quê hương. Bà Nguyễn Thị Bỉnh (SN 1942), năm nay đã 82 tuổi. Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu, nhưng khi địa phương triển khai các phong trào thi đua bà đều đi đầu, hưởng ứng tích cực, đặc biệt, vào cuối năm 2022, thấy con đường dân sinh đi qua cánh đồng vào lối gia đình mình nhỏ hẹp, mỗi mùa mưa lũ đến nước dâng ngập đường, làm lún sụt, khiến gia đình bà và người dân đi lại rất vất vả, bà đã vận động con cháu trong gia đình cùng chung tay đóng góp để làm tuyến đường sạch đẹp, thoáng mát.
Bà Bỉnh chia sẻ: Tâm nguyện cuối đời của bà cuối cùng cũng đã được con cháu thực hiện, gia đình bà đã góp hơn 240 triệu đồng để kè đá hộc hai bên tuyến đường và đổ bê tông mặt đường có chiều dài 200m, rộng 6 mét, dày 18 cm, con đường hoàn thành không chỉ gia đình bà mà cả bà con nhân dân thôn 6,xã Lĩnh Sơn ai cũng phấn khởi, góp phần chung sức xây dựng xã Lĩnh Sơn ngày càng “Xanh, sạch, đẹp, sáng, thân thiện ”.
Không chỉ riêng bà Nguyễn Thị Bỉnh ở xã Lĩnh Sơn mà ở xã Cao Sơn, một xã vùng sâu vùng, vùng xa của huyện Anh Sơn cũng có rất nhiều cá nhân tiêu biểu, đi đầu đóng góp, ủng hộ xây dựng đường giao thông nông thôn. Gia đình ông Tô Văn Huệ ở thôn 8, xã Cao Sơn ủng hộ 132 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Lan ở thôn 5, ủng hộ 95 triệu đồng; ông Đặng Xuân Quế ở thôn 9 ủng hộ 81 triệu đồng; ông Phan Sỹ Đạo ở thôn 10 ủng hộ 126 triệu đồng; ông Phạm Hồng Thụy ở thôn 10 ủng hộ 75 triệu đồng…
Từ những điển hình trên, hệ thống đường giao thông ở xã Cao Sơn không ngừng được mở rộng, hoàn thiện, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa từ sự chung sức, chung lòng của người dân.
Dẫn chúng tôi đi trên những con đường được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp, ông Nguyễn Hồng Sơn – Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: Cao Sơn là xã khó khăn, nằm cách trung tâm huyện Anh Sơn 20 km. Hệ thống đường giao thông nông thôn với 172 km, chủ yếu là đường đất, đặc biệt, vào những ngày mưa lớn, toàn xã bị chia cắt thành 15 vùng, người dân không đi lại được. Với địa hình đồi núi, dân cư ở rải rác, cấp ủy, chính quyền xã Cao Sơn xác định “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, chỉ có dựa vào sức dân mới thành công được, vì vậy, điều đầu tiên cần phổ biến cho nhân dân nắm rõ chủ trương, hiệu quả của việc xây dựng hạ tầng giao thông.
Điều đáng ghi nhận, mặc dù cuộc sống của người dân xã Cao Sơn còn khó khăn, nhưng bà con sẵn sàng chung tay để cùng làm. Đã có nhiều điển hình đảng viên, quần chúng ưu tú ủng hộ từ tham gia ngày công đến đóng góp vật liệu, tiền, hiến đất…
Tính riêng năm 2022, xã Cao Sơn đã hoàn thành được gần 30 km đường nhựa và đường bê tông, trong đó, bà con nhân dân đóng góp xây dựng được 19 km, với số tiền 3,95 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có các công trình quy mô cấp xã, như công trình đường liên thôn từ thôn 8 sang thôn 9 dài 1,7 km, trị giá 4,8 tỷ đồng; đường giao thông từ thôn 2 đến thôn 3, trị giá 1,2 tỷ đồng; đường giao thông từ Trạm Y tế xã đi xã Thanh Nho (Thanh Chương) dài 2,3 km, trị giá 7,45 tỷ đồng… Với những điển hình trong phong trào làm đường giao thông, xã Cao Sơn đã trở thành điểm sáng, nổi bật của huyện Anh Sơn. Đây chính là điều kiện để xã Cao Sơn hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu đến cuối năm 2023 về đích nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Thái – Phó phòng NN&PTNT huyện Anh Sơn cho biết: Xác định việc xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương, là một trong những tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Anh Sơn đã huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đoàn kết, tập hợp, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện. Từ đó, đã huy động được sức mạnh của toàn dân, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, bằng cách đóng góp ngày công lao động, hiến đất và tài sản trên đất vào phong trào.
Trong năm 2022, bằng việc lồng ghép các chương trình, dự án, sự hỗ trợ xi măng của UBND tỉnh, chính sách hỗ trợ của huyện và huy động sự đóng góp của nhân dân, toàn huyện đã nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa được hơn 98 km đường trục xã, liên xã, đường thôn và ngõ xóm, với tổng kinh phí 153,92 tỷ đồng.
Trong đó, bà con nhân dân trong toàn huyện Anh Sơn đóng góp hơn 42 tỷ đồng, làm đường giao thông, hiến 80.140m2 đất 133.477 ngày công lao động. Đặc biệt, trong năm 2022, UBND huyện Anh Sơn đã hỗ trợ tiền làm đường GTNT cho các địa phương làm đường cấp C, với tổng chiều dài trên 6 km (100 triệu đồng/1 km) tại các xã: Thạch Sơn (1.002m); Tường Sơn (926m), Lạng Sơn (945m), Khai Sơn (910m), Cao Sơn (1.647m) và Tào Sơn (570m).
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội, cùng sự đồng thuận của Nhân dân, phong trào làm đường giao thông nông thôn ở huyện Anh Sơn ngày càng lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy kinh tế – xã hội huyện Anh Sơn phát triển, mang lại diện mạo sáng – xanh – sạch- đẹp cho những vùng quê thanh bình.