Do 2 cầu tràn tại các bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu và bản Xốp Thập, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn) thấp nên mỗi khi mưa to, nước dâng cao làm chia cắt 2 tuyến đường vào trung tâm 2 xã Bảo Nam và Bảo Thắng trong nhiều giờ liền. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến, mỗi khi mưa to, lực lượng chức năng 2 xã đã tổ chức rào chắn, cảnh báo, trực gác phân luồng, triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người và phương tiện qua cầu tràn.
Là huyện miền núi cao, địa hình phức tạp, hiện nay, trên địa bàn 21 xã, thị trấn của huyện Kỳ Sơn có nhiều ngầm tràn, trong đó, phần lớn là ngầm tràn giao thông, thường xuyên có người qua lại. Đáng chú ý, nhiều ngầm tràn được xây dựng đã lâu nên bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Vào mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn sông, suối đổ về với lưu lượng lớn, khiến mực nước tại các cầu tràn dâng nhanh, gây ngập sâu và chảy xiết, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn đối với người và phương tiện khi lưu thông qua các vị trí này.
Trên địa bàn huyện có một số cầu tràn liên hợp vào thời điểm mưa lớn có thể xảy ra hiện tượng nước dâng, gây ngập cục bộ gây khó khăn cho người và phương tiện qua lại, như: Cầu tràn bản Bà (trên tuyến đường bản Bà đi bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm), cầu tràn Lưu Hòa (trên tuyến đường bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu đi xã Bảo Thắng), cầu tràn Xốp Thập (trên tuyến đường Hữu Lập đi Bảo Nam), cầu Hòa Sơn (trên tuyến đường Mường Xén đi Tây Sơn).
Chị Mùa Thị Giang – người dân xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn cho biết: Lưu thông trên các cung đường từ Mường Xén – Tây Sơn vào mùa mưa lũ rất lo sợ, vì đất, đá có thể rơi xuống bất cứ lúc nào, có khi gặp mưa lũ nước suối dâng lên rất nhanh, bà con phải đứng đợi cho nước rút mới dám qua các tràn.
Đồng chí Vi Văn Sơn – Phó trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Kỳ Sơn cho biết: Công tác đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông qua khu vực này trong mùa mưa lũ luôn được chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đặc biệt quan tâm. Để đảm bảo an toàn tại khu vực cầu tràn, phương án tạm thời của huyện là đào xúc đất, đá ở các điểm cầu tràn trước và sau những đợt mưa lũ. Các vị trí cầu tràn phức tạp, huy động máy móc để đào xúc đảm bảo thoát nước.
Huyện kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ, đầu tư xây dựng một số cầu giàn thép bắc song song với cầu tràn tại các vị trí này phục vụ người dân đi lại trong những đợt mưa lũ. Trước đây, huyện cũng đã làm nhiều cầu giàn thép vượt lũ tại một số điểm tràn, phát huy được hiệu quả. Về lâu dài thì cần phải đầu tư xây dựng cầu cứng đảm bảo không bị ngập lụt trong mùa mưa lũ.
Tại huyện vùng cao Quế Phong, nhiều năm nay, hơn 14 km đường giao thông đi qua 3 xã phía Tây Nam của huyện là Châu Thôn, Quang Phong, Cắm Muộn thường xuyên bị ách tắc tại 3 điểm ngầm, tràn khi có mưa to. Thế nhưng từ năm 2019 đến nay, đoạn đường này chưa được duy tu, sửa chữa.
Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn (Quế Phong) Lô Thanh Tùng cho biết: Vào mùa mưa, các ngầm, tràn thường bị chìm sâu trong nước. Để đảm bảo an toàn cho người dân, giảm thiểu thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân cẩn trọng qua lại trong những ngày mưa lớn, xã chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các vị trí này để phân luồng giao thông, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống. Điều đáng lo ngại trong công tác đảm bảo an toàn qua các ngầm, tràn vào mùa mưa bão đó là tâm lý chủ quan, lơ là của một số người dân.
Đồng chí Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết thêm: Trước tình trạng trên, để chủ động phòng, chống thiên tai trong năm 2023, UBND huyện Quế Phong đã chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương gắn biển cảnh báo nguy hiểm và lắp barie tại 2 đầu của tất cả các ngầm tràn trên địa bàn; thành lập tổ xung kích tại các xã, thị trấn, bố trí lực lượng chốt trực, đảm bảo an toàn các ngầm, tràn qua đường; triển khai tốt phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, yêu cầu Phòng Kinh tế – Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện khơi thông toàn bộ các luồng tiêu, đảm bảo thông thoáng, tránh gây ngập khi có mưa lớn.
Trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều ngầm, tràn qua các sông, suối. Những năm qua, vào mùa mưa bão đã có một số trường hợp người dân gặp nạn khi cố vượt qua ngầm, tràn. Vì vậy, việc các địa phương nghiêm túc triển khai phương án đảm bảo an toàn tại các ngầm, tràn là rất quan trọng, phòng ngừa tai nạn đáng tiếc xảy ra…
Thống kê của các địa phương và các đơn vị quản lý đường bộ cho thấy, trước mùa mưa lũ năm nay trên nhiều tuyến đường miền núi ở tỉnh Nghệ An như Tỉnh lộ 543D, 541, 542, Quốc lộ 16 đi qua các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn và Quốc lộ 48, 48D, 48E đi qua các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn có rất nhiều điểm ngầm, tràn khu vực bị sạt lở, sụt trượt, ảnh hưởng đến giao thương và phát triển kinh tế – xã hội của người dân địa phương.
Để chủ động trước mọi tình huống thiên tai xảy ra do mưa lớn kéo dài, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, lũ quét.
Đặc biệt, quan tâm đối với các vị trí có nguy cơ sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Đồng thời, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Mùa mưa lũ năm nay dự báo sẽ diễn biến phức tạp, mặc dù phương án đảm bảo an toàn giao thông cho khu vực ngầm, tràn ách yếu, điểm có nguy cơ sụt trượt trong mùa mưa đã có các đơn vị đường bộ chuẩn bị, tuy nhiên, các địa phương cần có những cảnh báo để người dân chủ động phòng tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.