Chiều 24/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa X tiến hành thảo luận dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là dự án luật nhận được sự quan tâm cao của người dân vì khi ban hành chính thức sẽ có tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Báo Nghệ An trao đổi bên lề phiên làm việc với bà Thái Thị An Chung – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An về dự án luật này.
PV: Quan điểm của bà về việc ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ độc lập với Luật Đường bộ?
Đại biểu Thái Thị An Chung: Trong bối cảnh tai nạn giao thông luôn luôn là nỗi ám ảnh của mọi người dân thì việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ độc lập với Luật Đường bộ là hết sức phù hợp. Về cơ bản, tôi đồng tình với các nội dung của dự thảo Luật.
PV: Tại thảo luận tổ vừa qua liên quan đến dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có một số ý kiến còn băn khoăn về việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Thái Thị An Chung: Tôi đồng tình với quy định của dự thảo Luật là cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Quy định này đã được Quốc hội khoá XIV xem xét, thảo luận, cân nhắc rất kỹ trước khi thông qua Luật Phòng chống tác hại rượu bia và được thực hiện kể từ ngày 1/1/2020.
Thời gian thực hiện quy định này chưa nhiều do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19. Tuy nhiên, khi triển khai quyết liệt việc kiểm tra và xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện thì người dân đã nâng cao ý thức hơn trong việc sử dụng rượu, bia.
Điều này không chỉ góp phần đảm bảo an toàn cho những người tham gia giao thông mà còn góp phần thay đổi thói quen lạm dụng rượu bia trong đời sống hiện nay.
Mặc dù hiện nay có một số ý kiến cho rằng quy định này là quá khắt khe, chỉ nên cấm khi vượt quá giới hạn nồng độ cồn cho phép nhưng tôi cho rằng cần tiếp tục thực hiện quy định này trong một thời gian khoảng 5 năm nữa để đánh giá, tổng kết việc thực hiện, từ đó có cơ sở để xem xét có cần sửa đổi hay không.
PV: Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định: “Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy”. Quy định này kế thừa các Luật An toàn giao thông đường bộ 2008 và năm 2001; đồng thời, theo luật hiện hành thì không quy định việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe gắn máy. Theo bà, quy định độ tuổi như vậy trong bối cảnh hiện nay liệu có còn phù hợp?
Đại biểu Thái Thị An Chung: Thực tế hiện nay, học sinh các trường THPT đa số đều sử dụng xe gắn máy để đi học, trong khi đó, đối với các em học sinh đầu cấp THPT (lớp 10) hầu hết đang ở tuổi 15, chưa đủ 16 tuổi.
Qua tham khảo ý kiến của các phụ huynh thì việc bố mẹ sắm cho con 1 chiếc xe gắn máy ngay khi bước vào lớp 10 là để các em chủ động trong việc đi lại, vì các em đã đủ lớn.
Mặt khác, thực hiện chủ trương phân luồng đào tạo sau khi tốt nghiệp THCS, đối với học sinh không tiếp tục học THPT mà lựa chọn học nghề thì việc sử dụng xe gắn máy cũng thuận tiện cho các em trong việc vừa học vừa làm.
Theo tôi, quy định độ tuổi được điều khiển xe gắn máy hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn, khi thể chất và nhận thức của trẻ em Việt Nam hiện nay đã có sự phát triển hơn nhiều so với 20 năm trước.
Mặt khác, quy định này cũng không thống nhất với độ tuổi được tham gia quan hệ lao động là từ đủ 15 tuổi trở lên như quy định của Bộ Luật lao động. Do đó, tôi đề nghị cần nghiên cứu sửa độ tuổi được điều khiển xe gắn máy là từ đủ 15 tuổi trở lên (tức là bắt đầu bước sang tuổi 16).
Đồng thời, để đảm bảo an toàn sức khoẻ, tính mạng cho các em khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy và những người khác, tôi đề nghị bổ sung quy định bồi dưỡng kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng lái xe an toàn cho người điều khiển xe gắn máy.
Lâu nay, việc trang bị kiến thức về an toàn giao thông cho học sinh được các trường tổ chức chủ yếu dưới hình thức ngoại khoá và mức độ khác nhau tùy từng cấp học, nhưng để điều khiển xe gắn máy – một loại phương tiện giao thông cơ giới mà Bộ Luật dân sự xác định là nguồn nguy hiểm cao độ thì nên giao trách nhiệm cho các trường phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông để tổ chức bồi dưỡng các kiến thức pháp luật, kỹ năng lái xe an toàn cho các em.
PV: Dự thảo Luật quy định: “Người đủ 18 tuổi trở lên được điều khiển xe mô tô, xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, phương tiện giao thông thông minh, xe máy chuyên dùng” và giao Chính phủ quy định cụ thể. Theo bà, điều này có hợp lý không?
Đại biểu Thái Thị An Chung: Tôi nghiên cứu báo cáo tổng kết và báo cáo đánh giá tác động của Bộ Công an nhưng trong các văn bản này không nêu những tồn tại, vướng mắc về nội dung này trong quá trình thực hiện Luật Giao thông đường bộ 2008 và cũng không lý giải nguyên nhân vì sao lại không quy định cụ thể nội dung này trong luật mà giao cho Chính phủ.
Tôi đề nghị cần phải quy định trong dự thảo luật này độ tuổi tối thiểu của người lái xe căn cứ vào loại xe; không chỉ quy định độ tuổi tối thiểu mà cả tuổi tối đa đối với người lái xe chở người trên 30 chỗ ngồi như luật hiện hành.
Đồng thời, tôi cũng thống nhất với ý kiến với Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội là cần phải quy định cụ thể các loại giấy phép lái xe này trong luật này, không giao cho Chính phủ quy định.
Trong chương trình làm việc ngày 24/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) với 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74%); thông qua dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự với 470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 95,14 %). Quốc hội cũng đã tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ.