Phiên thảo luận có sự tham dự của đại biểu Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại biểu Trần Quang Phương – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, đại biểu đoàn Quảng Ngãi. Đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An điều hành thảo luận.
ĐBQH đoàn Nghệ An Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh bày tỏ đồng thuận cao với việc thực hiện cải cách tiền lương. Tuy nhiên, ông cho rằng hiện nay khó khăn nhất là việc xây dựng Đề án vị trí việc làm một cách chính xác, đúng với tính chất công việc.
Do đó, quá trình xây dựng vị trí việc làm cần có tiêu chí đảm bảo khoa học, chặt chẽ để tránh vênh nhau giữa các ngành, bất cập, khó khăn khi thực hiện trong thực tiễn; làm sao để thông qua cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức toàn tâm, toàn ý cống hiến cho nghề.
Đại biểu Thái Văn Thành cũng chuyển tải mong muốn cũng là hiến kế của cử tri việc thực hiện Đề án, lộ trình tăng lương do Quốc hội quyết định, Chính phủ thực hiện nhưng mốc thời gian không nên công bố sớm; một khi đã công bố là thực hiện ngay để tránh tình trạng lương chưa tăng hoặc chưa nhận được lương nhưng giá cả đã tăng.
Liên quan đến tình hình kinh tế – xã hội, Thiếu tướng Trần Đức Thuận – Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An nêu lên lo lắng trước tình trạng thị trường bất động sản đóng băng thời gian qua, ảnh hưởng đến nguồn thu và nhiều lĩnh vực kinh tế khác, cũng như lao động việc làm.
Cho rằng, thị trường bất động sản nóng hay lạnh cũng đều không tốt, ông đề nghị Chính phủ nghiên cứu có chính sách hợp lý để phát triển thị trường bất động sản lành mạnh.
Vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu giải pháp giải quyết tốt việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, như: Có chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động hoặc doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp.
ĐBQH đoàn Nghệ An Nguyễn Vân Chi – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội có nhiều ý kiến xác đáng cần phải được tập trung thảo luận kỹ để có phương án khắc phục, giải quyết; đặc biệt là các vấn đề lớn như: Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn”.
Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đã chậm lại; đặc biệt là 3 động lực đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng của nền kinh tế đều gặp khó khăn. Quy mô ngân sách cũng thu hẹp hơn so với giai đoạn trước; tỷ lệ huy động vào ngân sách so với GDP, cũng như số thu từ thuế, phí cũng đang giảm.
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đề nghị tiến hành rà soát Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi năm 2020) để khắc phục một số bất cập, vướng mắc quá trình thực hiện.
Hiện nay kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật đang phân định theo lĩnh vực, đại biểu Thái Thị An Chung – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng cần phân định rõ danh mục hoặc phụ lục văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc văn bản có vướng mắc, bất cập.
Vì văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo đã có nguyên tắc xử lý trong Luật Ban hành văn bản, đó là ưu tiên văn bản ban hành sau hoặc ưu tiên văn bản chuyên ngành. Còn văn bản có vướng mắc, bất cập thì về bản chất triển khai trong thực tế không phù hợp nên cần phải có một phụ lục riêng và có kế hoạch xử lý vướng mắc, bất cập đó.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị, hàng năm cần yêu cầu các bộ, ngành rà soát và khi có kết quả thì giao trách nhiệm các bộ, ngành sớm tham mưu cụ thể để có văn bản kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản mâu thuẫn, chồng chéo hoặc vướng mắc, bất cập.
Ông Vi Văn Sơn – ĐBQH đoàn Nghệ An phản ánh, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 có 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp.
Đây là chương trình mục tiêu quốc gia mới lần đầu triển khai nên khó thực hiện, do đó vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị cho phép kéo dài giải ngân nguồn vốn đầu tư cho cả giai đoạn trung hạn; nghiên cứu để có chính sách khen thưởng nhằm tạo động lực cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi diện này.
Đại biểu Vi Văn Sơn cũng đề nghị nghiên cứu thay đổi hình thức giao vốn theo hướng giao cho các địa phương chủ động phân bổ cho các nội dung, không giao cho từng dự án, tiểu dự án như hiện nay, để tạo sự linh hoạt cho địa phương; riêng nguồn vốn sự nghiệp hiện đang giao theo năm nên điều chỉnh theo hướng giao theo trung hạn; đồng thời cần tiếp tục rà soát, sửa đổi một quy định còn vướng mắc.
Phát biểu tại thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị điều chỉnh nội dung về trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước và điều kiện để chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm quy định tại Luật Đầu tư công 2019 nhằm đảm bảo liền mạch trong phân bổ vốn đầu tư công giữa hai nhiệm kỳ.
Đại biểu Thái Thanh Quý cũng đề nghị Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ là hỗ trợ cho các địa phương khó khăn trong dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2024; ngân sách Trung ương hỗ trợ tăng thu 2% cho các địa phương để bù vào ngân sách địa phương giảm thu so với dự toán năm 2023.