Đó là phân tích của đại biểu Thái Thị An Chung – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An khi phát biểu thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Qua đó, đại biểu kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm nghiên cứu, sửa đổi các quy định về phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử.
SỚM HOÀN THIỆN HỆ THỐNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Phát biểu thảo luận, đại biểu Thái Thị An Chung – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An cho biết cơ bản nhất trí với các nhận định, đánh giá về kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; đồng thời nêu lên một số kiến nghị.
Trước hết, về nâng cấp hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo, ngày 15/11/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 75/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, trong đó có nội dung yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực thanh tra, đó là: “Nâng cấp, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo, bảo đảm kết nối dữ liệu trên phạm vi toàn quốc và liên thông trong toàn hệ thống các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Tuy nhiên, theo vị đại biểu đoàn Nghệ An, sau 1 năm thực hiện, tại Báo cáo số 562 ngày 17/10/2023 của Chính phủ khi đánh giá về tồn tại, hạn chế, vẫn xác định: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều bất cập; nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thường xuyên cập nhật số liệu vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo; một số bộ, ngành, địa phương trước đây đã chủ động xây dựng và sử dụng hệ thống phần mềm theo dõi riêng về tiếp công dân khiếu nại, tố cáo nhưng chưa được liên thông, kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo.
Điều đại biểu băn khoăn là trong báo cáo chỉ nêu nguyên nhân rất đơn giản là do chưa được đầu tư thoả đáng, còn thiếu tính đồng bộ, kết nối. Chính vì vậy, trong phần phương hướng nhiệm vụ và giải pháp những năm tiếp theo cũng chỉ đưa ra những nội dung khá chung chung: nghiên cứu, có phương án triển khai việc nâng cấp, mở rộng Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo đảm bảo theo các yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.
“Theo tôi, tiến độ thực hiện nâng cấp, mở rộng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo như vậy là chậm, chưa xác định được lộ trình cụ thể để đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo vào vận hành đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội”, đại biểu Thái Thị An Chung nói.
Hàng năm, với hàng trăm ngàn lượt công dân đến các cơ quan nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh và với số lượng đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh ngày càng tăng thì việc ứng dụng, khai thác dữ liệu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo không chỉ phục vụ rất đắc lực cho công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền, mà còn góp phần khắc phục tình trạng mà báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra qua giám sát “Nhiều vụ việc đã được giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, đã được các cơ quan Trung ương và địa phương rà soát, có thông báo chấm dứt việc thụ lý, giải quyết nhưng một số cơ quan vẫn chuyển đơn đề nghị xem xét lại vụ việc mà không nêu rõ căn cứ, lý do dẫn đến khó khăn, tạo áp lực cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết”.
Chỉ ra những lợi ích của việc hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị Chính phủ, Thanh tra Chính phủ cần chỉ rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đã nêu, đó là ngoài việc chưa được đầu tư thoả đáng thì nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan khác là gì, để sớm có giải pháp khắc phục và cam kết tiến độ hoàn thành để tránh lãng phí thời gian, công sức của người dân cũng như cán bộ, công chức.
NGHIÊN CỨU SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH VỀ PHÂN LOẠI XỬ LÝ ĐƠN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CƠ QUAN DÂN CỬ
Liên quan đến một số giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, từ thực tiễn công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Đoàn ĐBQH, cá nhân ĐBQH, đại biểu Thái Thị An Chung cho biết, có một số bất cập và đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm giải quyết.
Trước hết là trong các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử chưa có quy định về việc phân loại đơn đối với cơ quan dân cử.
Theo Báo cáo 665 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì năm 2023, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn ĐBQH nhận được tổng số 31.179 đơn của công dân thuộc trách nhiệm xử lý, trong đó có 13.551 đơn đủ điều kiện xử lý (43,46%) và 17.628 đơn không đủ điều kiện xử lý (56,54%). Việc phân loại đơn này là căn cứ vào quy định tại khoản 2 điều 6 Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ.
“Việc phân loại đơn để xử lý hoặc không xử lý của cơ quan dân cử cũng tương tự như các cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ dẫn đến thực tế là nếu áp dụng triệt để các quy định đơn không đủ điều kiện thụ lý, bao gồm:“Đơn được gửi cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong đó có cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền giải quyết” thì thực tế số đơn đủ điều kiện được xử lý sẽ rất ít”, bà Thái Thị An Chung chỉ ra bất cập và nói thêm: Bởi lẽ, đa số công dân khi gửi đơn tới các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn ĐBQH thì đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời; tuy nhiên họ thấy chưa thoả đáng.
“Cùng 1 nội dung nhưng đơn gửi đến cơ quan của Quốc hội, ĐBQH không phải người dân mong muốn nhờ đại biểu làm công tác “bưu tá” mà mong muốn Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH đôn đốc, giám sát, theo dõi việc giải quyết đã bảo theo đúng quy định của pháp luật hay chưa? Do đó, tôi kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm nghiên cứu, sửa đổi các quy định về phân loại xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử”, vị đại biểu đoàn Nghệ An nói.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng đồng thời kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đại biểu dân cử và cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc các Đoàn ĐBQH về nội dung này trong thời gian tới vì công tác tiếp công dân, xử lý đơn là một việc khó, phức tạp, đòi hỏi phải nắm vững kiến thức pháp luật, vừa có kỹ năng xử lý tình huống.
Đại biểu Thái Thị An Chung cũng đồng tình với kiến nghị của các đại biểu đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nghiên cứu chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý đơn thư sử dụng chung giữa các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH để thuận lợi hơn trong việc quản lý, lưu trữ, xử lý đơn thư và theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn thư.