Sáng 1/11, các đại biểu HĐND tỉnh: Nguyễn Nam Đình – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh và Trần Thị Thanh Huyền – Phó Bí thư Đảng uỷ xã Đại Đồng đã có cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tại 9 xã vùng Cát Ngạn, huyện Thanh Chương.
Cùng tham gia tiếp xúc cử tri có đồng chí Nguyễn Hải Dương – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Chương.
Dự kiến chất vấn 2 nhóm vấn đề
Hội nghị tiếp xúc cử tri đã được nghe đại biểu HĐND tỉnh Trần Thị Thanh Huyền báo cáo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 17 của HĐND tỉnh; trong đó, HĐND tỉnh sẽ xem xét 35 báo cáo và xem xét, thông qua 30 dự thảo nghị quyết về kinh tế – xã hội.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh dự kiến chất vấn 2 nhóm vấn đề: Thực trạng và giải pháp công tác quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh và các tổng đội thanh niên xung phong; Giải pháp để phát triển du lịch Nghệ An thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đại biểu HĐND tỉnh Trần Thị Thanh Huyền cũng thông báo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri huyện Thanh Chương trước, trong và sau kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Cử tri phản ánh, đề xuất nhiều vấn đề
Trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm, nhiều cử tri đã bày tỏ tâm tư và phản ánh nhiều vấn đề đang đặt ra khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bức xúc tại cơ sở, kiến nghị các cấp, các ngành nghiên cứu giải quyết.
Cử tri Bùi Gia Hảo (xã Cát Văn) phản ánh trên Quốc lộ 46, đoạn đi qua xã Cát Văn có khúc cua gấp, tầm nhìn hạn chế, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, trong đó có 4 người tử vong trong 4 năm gần đây. Vì vậy đề nghị cơ quan, ngành liên quan cần có biện pháp kịp thời, lắp rào chắn có gắn cản quang nhằm cảnh báo cho người tham gia giao thông.
Cử tri Bùi Gia Hảo cũng kiến nghị tỉnh nghiên cứu giải pháp khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp hiện nay; đầu tư nâng cao trạm bơm Cát Văn, hiện tại không đáp ứng nhu cầu tưới phục vụ sản xuất.
Cùng phản ánh tình trạng trạm bơm xuống cấp, cử tri Nguyễn Tư Nhâm (xã Phong Thịnh) đề nghị tỉnh phân bổ nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp trạm bơm Phong Hoa và thực hiện đầu tư xây dựng mương tiêu trên địa bàn xã.
Cử tri Phạm Đình Thế (xã Thanh Hoà) kiến nghị tỉnh hỗ trợ nâng cấp hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất tại địa phương với tổng 4 km; cải tạo, nâng cấp trường tiểu học Nho Hoà; đường giao thông…
Một vấn đề cũng được cử tri các xã vùng Cát Ngạn quan tâm đề xuất tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn và nâng cao trách nhiệm của ngành chuyên môn trong giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, như ở xã Thanh Mỹ hiện có 84 hộ có đất tại Nhà máy phốt phát 3/2 sau giải thể đến nay chưa được cấp giấy. Cử tri kiến nghị các cấp giải quyết chế độ dân công hoả tuyến cho 26 trường hợp tại xã Cát Văn.
Cử tri cũng bày tỏ bức xúc, hiện nay tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân; đề nghị các cấp, các ngành có giải pháp ngăn chặn kịp thời.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa các chủ trương, chính sách vào cuộc sống
Sau ý kiến phản ánh, đề xuất của cử tri, đại diện lãnh đạo huyện Thanh Chương và các phòng, ngành cấp huyện tiếp thu, giải trình làm rõ một số vấn đề thuộc thẩm quyền.
Trao đổi tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Nam Đình – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao ý kiến phản ánh của các cử tri là những vấn đề từ thực tiễn và các trao đổi của huyện đều xác đáng.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đã trao đổi với cử tri một số chủ trương lớn của Trung ương và địa phương đang triển khai; trong đó có chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025, dự kiến phương án sắp xếp của tỉnh sẽ sáp nhập thị xã Cửa Lò và 4 xã của huyện Nghi Lộc vào thành phố Vinh; cấp xã dự kiến có 96 đơn vị không đủ điều kiện về diện tích, dân số và phương án sắp xếp giảm 46 đơn vị, còn 50 đơn vị, sau sắp xếp toàn tỉnh còn 410 xã. Riêng địa bàn huyện Thanh Chương, dự kiến có 15 xã thực hiện sáp nhập thành 7 xã, giảm 8 xã và sau sáp nhập sẽ còn tổng 30 đơn vị hành chính.
Hiện tại phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và xã đã được UBND tỉnh trình Bộ Nội vụ và sau khi được phê duyệt, các cấp địa phương sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ, cố gắng hoàn thành việc sáp nhập trong năm 2024. Vì vậy đề nghị huyện và các xã chủ động tuyên truyền và thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng giải trình, làm rõ kiến nghị của cử tri liên quan đến chế độ cho người hoạt động không chuyên trách xã và xóm, Thường trực MTTQ và Thường vụ các đoàn thể. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng nghị quyết dự kiến trình HĐND tỉnh xem xét thông qua vào kỳ họp cuối năm 2023 liên quan đến cụ thể hoá Nghị định số 33 của Chính phủ (thay thế Nghị định số 34 của Chính phủ) với nhiều nội dung mở và tăng phân cấp cho chính quyền địa phương, trong đó có tăng số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cũng như chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cấp xóm. Riêng đối với Thường trực MTTQ và Thường vụ các đoàn thể không thuộc đối tượng chi phối theo Nghị định số 33 của Chính phủ; nhưng lại thuộc vào chính sách hỗ trợ theo nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành, tuy nhiên, thời gian thực hiện chính sách cho các đối tượng này đã kéo dài 13 năm, nên HĐND tỉnh sẽ tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi phù hợp.
Về kiến nghị của cử tri liên quan đến tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản không chỉ trên mạng mà cả trực tiếp tại các địa bàn dân cư; đồng chí Nguyễn Nam Đình đề nghị cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền và lực lượng Công an chính quy ở xã cũng cần phát huy tốt hơn vai trò trong nhiệm vụ giải quyết tình trạng này, nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Liên quan đến ý kiến đề xuất về các cơ chế chính sách, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai các nghị quyết về các cơ chế chính sách phát triển kinh tế – xã hội do HĐND tỉnh ban hành; tránh chính sách có mà người dân không biết hoặc biết không đầy đủ để thụ hưởng.
Về vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, các cấp chính quyền địa phương cần bám sát Kế hoạch số 815 của UBND tỉnh về cấp giấy đối với các trường hợp tồn đọng nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên địa bàn, đảm bảo quyền lợi cho Nhân dân.