Ngày tôi cất tiếng khóc chào đời, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (Việt Nam DCCH) tròn 8 tuổi. Và hôm nay, sắp sang tuổi “xưa nay hiếm” thì thật hạnh phúc khi tôi được chứng kiến bằng đôi mắt của chính mình một chặng đường dài phát triển của đất nước sau bao nhiêu biến đổi thời cuộc. Trên chặng đường đó, trong nhiều tình thế “nước sôi lửa bỏng” và ”ngàn cân treo sợi tóc”, trước bối cảnh ngặt nghèo, đặc biệt là sau các biến động thế giới từ sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, đất nước của tôi ngày càng lớn mạnh, luôn vững vàng là nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
78 mùa Xuân đã trôi qua kể từ ngày Bác Hồ muôn vàn kính yêu trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và cả thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Điều Người khẳng định vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi, bởi đó không chỉ là lời hiệu triệu mà là quyết tâm sắt đá của mọi người dân, không phân biệt tuổi tác, tôn giáo, địa vị xã hội, quyết tâm cùng góp sức xây dựng một “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”.
Tôi nghĩ, mỗi con dân Việt chân chính đều lưu giữ trong con tim, khối óc của mình những hình ảnh đầu tiên về Tổ quốc của mình gắn với sự khai sinh nước Việt Nam DCCH, Nhà nước Việt Nam non trẻ, thành quả tất yếu của Cách mạng Tháng Tám dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Lao động Việt Nam, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với tôi, đó là bức ảnh chụp lễ đài khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình ở Thủ đô Hà Nội mà lần đầu tiên tôi được tiếp xúc qua sách giáo khoa. Tôi không nhớ chính xác thời điểm tôi say mê ngắm bức ảnh, vì lúc đó tôi còn là một học sinh nhỏ tuổi, chân đất đến trường làng. Nhưng có lẽ, khoảnh khắc xúc động nhất là lần đầu tiên tôi nghe lời nói đó của Bác Hồ qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi lớn lên, đặc biệt khi trong hàng ngũ các chiến sĩ quả cảm của Quân đội nhân dân Việt Nam cùng nhau vượt dãy Trường Sơn với “chân trần chí thép”, rồi tham gia chiến dịch Xuân – Hè Trị Thiên năm 1972, lời hiệu triệu từ “vị cha già của dân tộc” luôn văng vẳng trong tôi, luôn thúc giục tôi hãy tiến lên, hãy dũng cảm, hãy hoàn thành mọi nhiệm vụ để đánh bại mọi kẻ thù, để non sông ta liền một dải từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái.
Sau này, khi sinh sống và làm việc ở Đức, tôi có nhiều thời gian và cơ hội để khảo sát cách nhìn nhận của người phương Tây về sự kiện lịch sử làm thay đổi tình hình thế giới, đó là thành công ngoạn mục của Mặt trận Việt Minh trong việc tập hợp mọi tầng lớp nhân dân bị áp bức để giành lấy chính quyền, giành lại nền độc lập từ tay thực dân và bè lũ tay sai. Kể từ đó, một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người được mở ra, kỷ nguyên làm rung chuyển và cuối cùng làm sụp đổ toàn bộ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
Do đã học và tốt nghiệp đại học chuyên ngành về Khoa học Nhà nước và pháp quyền ở Đức, tôi dành khá nhiều thời gian đọc các công trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam của nhiều nhà khoa học uy tín trong khu vực sử dụng tiếng Đức. Và một trong các chuyên gia hàng đầu về Việt Nam là GS.TS W. Lulei.
Trước khi nghỉ hưu, nhiều năm liền ông là Chủ nhiệm bộ môn Việt Nam học của Trường Đại học Tổng hợp Humboldt Berlin. Ông đã cho xuất bản hàng loạt cuốn sách và bài báo viết về đất nước, con người Việt Nam. Một trong những công trình của nhà khoa học danh tiếng này được công bố gần đây là cuốn sách có tên dịch ra tiếng Việt “Lịch sử Việt Nam – từ Vua Hùng đến hiện tại” xuất bản tại CHLB Đức năm 2018. Do tính khoa học, tính chuẩn xác cao, cuốn sách đã được các thư viện uy tín ở Đức tiếp nhận làm tư liệu nghiên cứu, ví dụ: Thư viện quốc gia Berlin và Sở hữu văn hóa Phổ, Thư viện Trường Đại học Tổng hợp Humboldt Berlin ở Berlin, Đại học Tổng hợp và Tiểu bang Sachsen-Anhalt, Thư viện các trường đại học tổng hợp tại Braunschwei, Frankfurt/Main, Osnabrück…
Thật đáng trân trọng, ở nhiều nơi trên thế giới, có những con người sống cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất lại có suy nghĩ chân thành, ý kiến tốt đẹp về con người Việt Nam dám nghĩ dám làm, xây dựng nên cơ đồ từ đống đổ nát sau bao lần xua đuổi quân xâm lược ngoại bang. Không chỉ truyền thống giữ nước mà tiến trình xây dựng Việt Nam với mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại, cũng được tác giả cuốn sách đánh giá chuẩn xác:
“30 năm sau khi bắt đầu chính sách đổi mới, Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực. Đổi mới đã đưa Việt Nam lên tầm cao mới, luôn bền vững về chính trị và kinh tế. Sự tăng trưởng kinh tế hằng năm thường xuyên vượt qua mức 6%, nhiều nhà máy mới ra đời, xuất khẩu thường xuyên tăng trưởng. Mức sống tăng trưởng rõ rệt, thu nhập trung bình hằng năm theo đầu người đã vượt mức 1.000 USD. Số người nghèo giảm xuống mức dưới 10%”.
Ông viết tiếp: “Trên trường quốc tế, Việt Nam có uy tín lớn. Nhiều quốc gia, trong đó có CHLB Đức đã ký kết Hiệp định đối tác chiến lược với Việt Nam. Nhiều hiệp định thương mại giữa Việt Nam với Mỹ, Liên bang Nga, EU đã được ký kết. Đồng thời, Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)”.
Trong khi ghi nhận những người có kiến thức và lương tri ở phương Tây đánh giá, nhận xét tích cực về Việt Nam, thì đồng thời phải lên án, phê phán một số thành phần bất mãn, các thế lực thiếu thiện chí và thù địch với Việt Nam đưa ra những luận điệu xằng bậy về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Họ cho rằng, chiến thắng của Việt Minh là một sự “may mắn”, là một “món quà” do điều kiện lịch sử đem lại, không có Tổng khởi nghĩa 1945 thì Việt Nam vẫn giành được độc lập như các quốc gia khác. Thậm tệ hơn, có người coi đánh đuổi thực dân Pháp là “xua đuổi một nền văn minh”. Dễ dàng nhận ra đây là mưu đồ nhằm hạ thấp uy tín, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là xu hướng xét lại lịch sử nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực đã và đang triển khai nhằm chống lại Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Bên cạnh việc ca ngợi, phục dựng, tô vẽ bộ mặt của chế độ Sài Gòn trước đây, đề cao một số người, nhóm người từng bị phê phán, các thế lực thù địch đang sử dụng triệt để mạng Internet với mưu đồ gây hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng – yếu tố có tính quyết định của các thắng lợi mà cách mạng Việt Nam đã và đang đạt được. Trong cuộc “chiến tranh tâm lý” không kém quyết liệt và nguy hiểm như thời bom rơi đạn nổ, mưu đồ “xét lại lịch sử” của một số thế lực đang là một “vũ khí” và được phô trương ngày càng rõ nét, tinh vi. Những gì đã xảy ra ở Đông Âu cho thấy hậu quả khủng khiếp của mưu đồ “xét lại lịch sử”, đặc biệt là sự bùng phát trở lại của xu hướng chống cộng. Thực tế này đòi hỏi sự cương quyết và không nhân nhượng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trên mặt trận tư tưởng trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình thế giới ngày càng trở nên phức tạp.
Qua bài này, tôi muốn gửi đến số người đang đi ngược lại tiến trình phát triển đất nước, trích đoạn phần lời giới thiệu cuốn sách “Lịch sử Việt Nam – từ Vua Hùng đến hiện tại” của Nhà xuất bản Regiospectra Verlag ở Berlin để họ tự ngẫm lại việc làm của mình, tự điều chỉnh để sáng suốt làm những việc hữu ích cho dân, cho nước. Đoạn văn như sau:
“Một nghìn năm trước, theo một truyền thuyết của Việt Nam, một con rồng vàng đã bay lên trời khi Vua Lý Thái Tổ chọn Hà Nội ngày nay làm thủ đô mới. Nhân dân giải thích điều đó là dấu hiệu cho thấy một thời đại tốt đẹp đang đến. Song lịch sử Việt Nam lại tiến triển không hề đơn giản. Vì đất nước này còn phải đấu tranh chống lại sự cai trị của phong kiến Trung Hoa, một số cuộc đấu tranh nội bộ, các cuộc nổi dậy, và thêm nữa là thiên tai, nghèo đói. Lịch sử gần đây cũng bị ảnh hưởng bởi 80 năm cai trị của chế độ thực dân, rồi hai cuộc chiến tranh kéo dài, đất nước bị chia cắt trong 20 năm để lại hậu quả nặng nề.
Tuy nhiên, trong nhiều thế kỷ, đặc biệt trong 30 năm vừa qua, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thành công nhất ở Đông Nam Á, với hệ thống chính trị và kinh tế ổn định, văn hóa cao và sáng tạo. Tác giả cuốn sách, người nghiên cứu Việt Nam với tư cách một nhà sử học, làm việc trong lĩnh vực này hơn 50 năm, đã trải nghiệm như một nhân chứng, để dẫn dắt độc giả dựa trên các cơ sở khoa học và đồng thời bằng những bản văn dễ hiểu xuyên suốt 4.000 năm lịch sử của một đất nước đã từng chịu muôn vàn đau thương nhưng luôn tự tin và không ngừng tiến tới. Ngay cả trong hiện tại, con rồng đang bay lên, không chỉ là một biểu tượng”.