Đề án “giữ” cá
Những ngày đầu năm 2024, khi mùa Xuân đang bắt đầu hiển hiện trên những chùm hoa trạng nguyên đỏ thắm, những cành đào bắt đầu đơm nụ và những vườn cải ven bãi bồi đã bắt đầu tàn hoa, chúng tôi có dịp ghé thăm Diên Lãm. Đứng trên cầu treo bản Cướm, nhìn xuống dòng suối xanh biêng biếc, từng đàn cá mát, cá bống, cá láu… tung tăng bơi lượn; những cái quẫy đuôi lấp lánh ánh bạc của đàn cá mát khiến ai cũng cảm thấy thích thú.
Chủ tịch UBND xã Diễn Lãm Nguyễn Văn Dũng hồ hởi nói như khoe: “Sướng mắt, sướng bụng lắm. Không ngờ, mới chỉ 1 năm mà cá mát tái sinh nhanh thế, phát triển nhanh đến thế. Cũng bõ những ngày tháng vất vả tuyên truyền, vận động dân bản bảo vệ nguồn cá; cán bộ đêm hôm bám suối, bám khe bảo vệ cá”.
Ngược thời gian quay lại những năm 2022, nguồn cá mát ở Nặm Cướm cũng như các loại cá khác lâm vào cảnh cạn kiệt. Nguyên nhân là do đánh bắt bừa bãi, khai thác tận diệt, dùng kích điện, súng săn, lưới bát quái để bắt. Những khúc suối đục ngầu, những đàn cá to nhỏ đều bị đánh bắt bằng hết.
“Cá mát thơm ngon, bổ dưỡng, bán rất được giá nên người dân đánh bắt triệt để. Nếu để tình trạng này kéo dài, chắc chắn cá mát sẽ bị tận diệt, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của người dân cũng như môi trường, sinh thái của bản làng. Do đó, tháng 12/2022, UBND xã Diên Lãm đã ban hành kế hoạch “Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thuỷ sản cá mát Nặm Cươm gắn với du lịch sinh thái cộng đồng xã Diên Lãm”. Theo đó, mục tiêu là tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, phát triển loại cá đặc sản của địa phương gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Từ đó, tạo sinh kế bền vững cho người dân Diên Lãm”.
Theo quy định, cấm tuyệt đối việc đánh bắt cá trên dòng Nặm Cươm dưới mọi hình thức trong vòng 1,5 năm. Nếu bị phát hiện sẽ xử phạt theo quy định. Ngoài ra, đề án nghiêm cấm trong hoạt động khai thác thủy sản bằng hóa chất độc hại, chất nổ, xung điện và các phương tiện có tính hủy diệt khác. Người ngoài địa phương vào đánh bắt cá trong xã Diên Lãm sẽ bị trục xuất ra khỏi địa bàn.
Đối với các hộ dân trong địa bàn xã, nguồn thủy sản thuộc về toàn dân, những trường hợp đánh bắt thủy sản trái với quy định như: dùng kích điện, thuốc nổ sẽ bị tịch thu dụng cụ và xử phạt hành chính. Ngoài ra, các bản thành lập khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo từng khúc suối cụ thể. Tất cả các khu vực trên đều được cắm biển báo cho người dân được biết.
Ban đầu khi mới triển khai, đề án gặp phải không ít những phản ứng trái chiều của người dân trong xã. Vì người dân sống dựa hoàn toàn vào khe suối, vào nguồn tôm cá sẵn có.
Song “mưa dầm thấm lâu”, đi liền với tuyên truyền vận động là giám sát, kiểm tra, thậm chí là cả những chế tài mạnh tay trong xử lý vi phạm, dần dà, người dân đã tự ý thức được việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trên khe, suối thì chính họ là người hưởng lợi nên tự giác chấp hành và giờ còn tự giám sát lẫn nhau.
Tái tạo gắn với phát triển du lịch sinh thái
Những khe suối trong xanh, mát lạnh uốn lượn bao quanh những bản làng, tạo nên nét thơ mộng hiền hoà cho vùng đất Diên Lãm. Những vùng bãi bồi ven suối với những vườn rau cải mẹo, bắp cải, su hào… xanh mướt mát, điểm xuyết những cây mận hoa trắng, hoa đào phớt hồng trở thành điểm đến hữu tình.
Đặc biệt, với hệ thống khe suối dày đặc cùng với loài cá mát đặc sản, thơm ngon, bổ dưỡng đã tạo nên nét ẩm thực đặc sắc cho đồng bào Thái nơi đây. Do đó, tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái Diên Lãm rất lớn.
Ông Lữ Văn Huê, Bí thư chi bộ bản Cướm cho biết: “Gần đây, khi đàn cá mát được bảo vệ, dòng suối Nặm Cướm đã trong xanh trở lại thì có rất nhiều người ở các địa phương khác đến bản Cướm để tham quan, trải nghiệm. Nhất là vào dịp cuối tuần, có khách từ thị trấn, từ các nơi xa đến bản, vừa tìm hiểu văn hoá bản địa, chụp ảnh với cây thị cổ, cây xoài cổ và thưởng thức ẩm thực của người Thái ở Diên Lãm”.
Chính điều này, đã gợi mở về hướng phát triển sinh kế từ du lịch sinh thái gắn với phát triển nguồn lợi thuỷ sản mà đề án của chính quyền xã Diên Lãm đã đặt ra.
“Sau thời gian 1,5 năm giữ cá theo đề án, chúng tôi sẽ nghiên cứu, lựa chọn một khúc suối có địa hình đẹp, dài khoảng 500m và xây dựng một số chòi nghỉ chân, triển khai một số dịch vụ ăn uống để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Hy vọng rằng, đến năm 2025, mục tiêu của đề án sẽ trở thành hiện thực, mô hình bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cá Mát suối Nặm Cướm gắn với du lịch sinh thái cộng đồng xã Diên Lãm sẽ làm đổi thay bộ mặt xã nghèo này”, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Diên Lãm chia sẻ.