Chiều 24/11, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 11 năm 2023.
Tham dự phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Bùi Thanh An – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đình Long – Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.
DỰ KIẾN 24/28 CHỈ TIÊU CHỦ YẾU HOÀN THÀNH VÀ VƯỢT KẾ HOẠCH
Tại phiên họp, lãnh đạo các sở, ngành đã báo cáo, tập trung phân tích, đánh giá, cho ý kiến vào các nhiệm vụ cải cách hành chính, giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư, giải quyết tình trạng thiếu lao động cục bộ…
Kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, năm 2023, tình hình chung của thế giới và trong nước rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội cả nước và tỉnh.
Trong bối cảnh khó khăn đó, những kết quả mà tỉnh đạt được rất tích cực, trong đó có công tác chỉ đạo, điều hành. Bên cạnh sự thống nhất cao trong lãnh đạo của Tỉnh uỷ, giám sát của HĐND tỉnh, công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong năm 2023 tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
Mặt khác, tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu các ngành được nâng cao. Đặc biệt là công tác phối hợp giữa các ngành đã nhuần nhuyễn hơn, nhanh hơn trong việc tham mưu cho UBND tỉnh, chủ động triển khai các nhiệm vụ ngay từ đầu năm. Hoạt động của các Tổ công tác rất tích cực.
Trong phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt từ 7-7,3%; mặc dù không đạt chỉ tiêu nhưng hết sức tích cực trong bối cảnh khó khăn chung. Đặc biệt, có 2 điểm sáng là thu hút đầu tư và kim ngạch xuất khẩu.
Đến thời điểm này, tỉnh đã thu hút được hơn 46.000 tỷ đồng, vượt mục tiêu 1,38 lần đề ra. So với cùng kỳ năm 2022, số lượng dự án cấp mới tăng 13%, tổng vốn đăng ký cấp mới tăng 1,4 lần. Riêng thu hút FDI lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD, đạt gần 1,3 tỷ USD, kỳ vọng đến hết năm 2023 đạt gần 1,5 tỷ USD. “Đây là kết quả của một quá trình mà tỉnh đã chủ động chuẩn bị các điều kiện để thu hút đầu tư, trong đó tỉnh làm tốt 2 điều kiện về hạ tầng và mặt bằng khu công nghiệp”.
Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,88 tỷ USD, tăng 13,51% so với năm 2022, đạt 100,4% kế hoạch, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 2,45 tỷ USD, tăng 12,02% so với cùng kỳ. Trong kết quả này có đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp FDI và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng khi nhiều dự án bước vào sản xuất.
Người đứng đầu UBND tỉnh cũng đánh giá cao kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Dự kiến trong năm 2023, toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Thu ngân sách trong bối cảnh khó khăn nhưng vẫn đạt được kết quả đáng ghi nhận, cố gắng phấn đấu vượt trên 18.000 tỷ đồng.
Các lĩnh vực văn hoá – xã hội duy trì được kết quả rất tích cực. Giáo dục mũi nhọn luôn nằm trong tốp đầu của cả nước, công tác lao động việc làm, an sinh xã hội được quan tâm. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn nhưng công tác an sinh xã hội được tỉnh quan tâm. Đến nay, tỉnh đã xây dựng, sửa chữa được 5.322 căn cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở, gần đạt mục tiêu của năm 2023 là 5.500 căn.
Đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, tỉnh đã thực hiện và hoàn thành việc tổng kết Nghị quyết số 26 và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39 về xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thành tổng kết báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX giữa nhiệm kỳ phần kinh tế – xã hội.
Cải cách hành chính có chuyển biến tốt, các chỉ số PCI, PAPI, PAS INDEX, SIPAS có chuyển biến tích cực. Lần đầu tiên, tỉnh công bố chỉ số DDCI năm 2022, qua đó các giúp các sở, ngành, địa phương đánh giá, phấn đấu trong thời gian tới, đóng góp vào kết quả chung trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.
Tình hình quốc phòng – an ninh được đảm bảo, cơ bản ổn định. Công tác đối ngoại đạt được kết quả tích cực, đặc biệt các hoạt động trong ngoại giao nhà nước rất sôi động, góp phần phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ, phân tích các tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đến thời điểm này, còn 4 chỉ tiêu kinh tế – xã hội chưa hoàn thành; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tác động đến thu ngân sách. Giải ngân đầu tư công đến nay chưa đạt mục tiêu, thấp hơn so với kỳ vọng, có chương trình mục tiêu quốc gia còn đạt kết quả thấp.
Việc triển khai thực hiện 2 dự án hạ tầng giao thông chiến lược là Cảng nước sâu Cửa Lò và Cảng hàng không quốc tế Vinh đến nay vẫn chưa hoàn thành các thủ tục, chưa đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số có chuyển biến nhưng cần hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu.
TIẾP TỤC PHẤN ĐẤU ĐẠT MỨC CAO NHẤT CHỈ TIÊU, MỤC TIÊU CỦA NĂM 2023
Nhấn mạnh từ nay đến hết năm 2023 vẫn còn hơn 1 tháng để phấn đấu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị các cấp, ngành và các địa phương chủ động rà soát các nhiệm vụ, chỉ tiêu, mục tiêu được giao để phấn đấu thực hiện quyết liệt nhằm đạt kết quả cao nhất, đóng góp vào kết quả chung của tỉnh.
Mặt khác, các cấp, ngành tập trung hoàn thiện các nội dung trình kỳ họp HĐND tỉnh vào đầu tháng 12/2023 và các nội dung báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vào kỳ họp cuối năm 2023.
Trong tháng 12, Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao các ngành chuẩn bị tổ chức công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức tốt hội nghị trao đổi kinh nghiệm và hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh: Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh; hoàn thành Đề án về bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cho sự phát triển tỉnh; các cơ chế, chính sách vượt trội cho thành phố Vinh theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.
Mặt khác, các ngành thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trong Quy hoạch điện VIII, hoàn thiện Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam theo hướng chất lượng, vì Khu kinh tế Đông Nam là 1 trong 2 động lực chính cho sự phát triển của tỉnh.
Về giải ngân đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương, chủ đầu tư phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân trên 95%, thực hiện cơ bản giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023. Đối với các dự án đã hoàn thiện thủ tục thì tập trung giải ngân, đối với các dự án mới thì cần quan tâm hoàn thiện thủ tục, nhất là các dự án đưa vào kế hoạch năm 2024.
Trong thu, chi ngân sách, các ngành trong khối Tài chính cố gắng tập trung thực hiện mức cao nhất thu ngân sách; chi tiết kiệm, hiệu quả, chặt chẽ.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội trong dịp Tết; rà soát công tác chuẩn bị khởi công dự án khu du lịch văn hoá thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Dự án thác 9 tầng tại huyện Nam Đàn; các chương trình nghệ thuật chào năm mới; quan tâm đến các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Các sở, ngành, địa phương cũng phải rà soát lại các chương trình công tác của năm 2023 để hoàn thành, đặc biệt là việc đăng ký đưa vào chương trình xây dựng Nghị quyết trình HĐND tỉnh. Mặt khác, tiếp tục duy trì đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là dịp cuối năm.
Về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, qua 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025 cho thấy, có những điểm tích cực nhưng cơ bản chưa đạt mục tiêu đề ra.
Cho rằng dự báo năm 2024 sẽ còn nhiều khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, UBND tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của năm 2024 từ 9-10%; thu ngân sách 15.854 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người 62-63 triệu đồng…
Để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, UBND tỉnh đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Tuy nhiên, trong kế hoạch phải phân giao cụ thể nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương.
Trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 là tiếp tục phấn đấu đạt mức cao nhất để thực hiện các mục tiêu Đại hội Đảng các cấp, trong đó có mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra; thực hiện các Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 36 của Quốc hội.
Đồng thời, cố gắng kỳ họp giữa năm 2024 phải trình Quốc hội thông qua việc bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh. Tập trung triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh, có lựa chọn ưu tiên. Hoàn thành các Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị TP.Vinh; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 và Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam.
Tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm, trong đó có 2 dự án hạ tầng giao thông chiến lược; thực hiện mức cao nhất giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, coi vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp cũng chính là của tỉnh để tháo gỡ, giải quyết.
Người đứng đầu UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành, địa phương tập trung quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng để tạo mặt bằng đầu tư cho các khu công nghiệp mới, tận dụng tối đa cơ hội thuận lợi trong thu hút đầu tư; cố gắng thành lập mới các khu công nghiệp để sử dụng hết chỉ tiêu đất khu công nghiệp được giao.
Tiếp tục tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển của tỉnh. Duy trì đảm bảo quốc phòng – an ninh, giải quyết các bức xúc ngay từ cơ sở để tạo ổn định cho sự phát triển.