Lãnh đạo tỉnh Nghệ An dự hội thảo có đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh. Cùng dự có đồng chí Phạm Trọng Hoàng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Nghệ An gồm lãnh đạo nhiều sở, ngành, địa phương.
Hội thảo có sự tham dự của Đại sứ Nguyễn Thanh Hải – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ. Về phía Phòng Thương mại Ấn Độ có ngài Nikhil Kanodia – Chủ tịch miền Bắc, Phòng Thương mại Ấn Độ (ICC). Cùng dự có đại diện Bộ Ngoại giao Ấn Độ và các doanh nghiệp, doanh nhân.
Phát biểu chào mừng, ngài Nikhil Kanodia – Chủ tịch khu vực Miền Bắc Phòng Thương mại Ấn Độ (ICC) khẳng định: Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất của Ấn Độ ở Đông Nam Á. Năm 1992, Ấn Độ và Việt Nam đã thiết lập mối liên kết kinh tế sâu rộng, bao gồm việc thăm dò dầu, nông nghiệp và sản xuất.
Tháng 7/2007, mối quan hệ giữa hai quốc gia đã được nâng lên thành “Đối tác Chiến lược”. Năm 2016, mối quan hệ song phương tiếp tục được nâng lên thành “Đối tác Chiến lược Toàn diện”.
Từ con số chỉ 200 triệu USD vào năm 2000, thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã tăng trưởng ổn định qua các năm. Theo thống kê của Ấn Độ cho năm tài chính 2021-2022, thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã tăng 27% và đạt 14,14 tỷ USD. Ấn Độ là 1 trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Ấn Độ và thứ 4 ở Đông Nam Á.
Ấn Độ và Việt Nam đã hỗ trợ lẫn nhau trong các diễn đàn và tổ chức quốc tế khác nhau, thể hiện cam kết đối với hợp tác toàn cầu. Việt Nam đã ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) và tham gia Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
“Các cải cách ‘Đổi mới’ nổi tiếng kể từ năm 1986 đã đảm bảo rằng Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong khi vẫn giữ được sức mạnh trong các sản phẩm nông, lâm, ngư truyền thống”, ông nói.
Cả Ấn Độ và Việt Nam có các danh sách sản phẩm công nghiệp tương tự và có đủ cơ hội trong lĩnh vực ô tô, dệt may, da, hóa chất, nhựa, chế biến nông sản, máy móc nông nghiệp, hạ tầng, Công nghệ thông tin và chăm sóc sức khỏe để doanh nhân hai bên có thể khám phá. Việc miễn thuế hải quan của Ấn Độ đối với các sản phẩm ASEAN khiến đất nước chúng ta trở thành điểm đến hấp dẫn cho xuất khẩu của Việt Nam.
Đề cập đến Nghệ An, ngài Nikhil Kanodia nhấn mạnh: Tỉnh đã trở thành một điểm đầu tư hấp dẫn cho cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế; sở hữu những yếu tố quyết định tích cực như xuất khẩu mạnh mẽ, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng tích cực, các khu công nghiệp đang phát triển và nguồn lao động dồi dào.
“Là Phòng Thương mại Ấn Độ, chúng tôi rất hứng thú hỗ trợ để tạo điều kiện cho đoàn công tác quan tâm đến các lĩnh vực ô tô, dược phẩm và điện tử Ấn Độ không chỉ trong chuyến thăm này mà còn trong tương lai”, Chủ tịch khu vực Miền Bắc Phòng Thương mại Ấn Độ (ICC) khẳng định.
Phòng Thương mại Ấn Độ (ICC) luôn đi đầu trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Ấn Độ kể từ khi thành lập vào năm 1925. Là phòng thương mại lâu đời nhất và nổi bật nhất trong nước, ICC đã đóng vai trò then chốt trong việc định hình bối cảnh kinh doanh của Ấn Độ trong nhiều thập kỷ.
Có trụ sở chính tại Kolkata (thủ phủ của bang Tây Bengal, Ấn Độ, với dân số khoảng 11 triệu người, nếu tính cả vùng đô thị mở rộng lên đến 14 triệu người, là thành phố lớn thứ 3 ở Ấn Độ), ICC đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các mối quan hệ kinh doanh, cung cấp các nguồn lực quý giá và bảo vệ lợi ích của các thành viên; đồng thời đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa các cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân.
Với di sản phong phú và cam kết vững chắc trong việc thúc đẩy tinh thần kinh doanh, ICC được xem là “ngọn hải đăng” cho sự tăng trưởng và phát triển trong cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ.