Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc tại huyện Tương Dương do đồng chí Nguyễn Thúy Anh – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm trưởng đoàn.
Cùng đi với Đoàn giám sát của Quốc hội, về phía tỉnh có các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thái Thị An Chung – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Nguyễn Văn Đệ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Đoàn công tác của Quốc hội và tỉnh đã trực tiếp giám sát tại xã Yên Hoà và làm việc với huyện Tương Dương, xã Yên Hoà về việc triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Báo cáo của huyện Tương Dương và xã Yên Hoà đã khẳng định, từ xác định rõ, việc triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu là nguồn lực, động lực quan trọng để huyện và xã thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện và xã Yên Hoà nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra, trong đó có chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ xã nghèo, số xã đạt chuẩn nông thôn mới…; huyện và xã đã bài bản trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện ba chương trình.
Từ huyện đến các xã đều thành lập ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc ở huyện và cấp cơ sở; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình; rà soát, xác định nhu cầu triển khai các dự án bao gồm các công trình hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, xóa nhà ở tạm bợ…, làm cơ sở, các nguồn lực thực hiện các chương trình.
Cùng với đó, địa phương chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền đến cán bộ và Nhân dân; gắn với tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nhằm đưa các chính sách vào cuộc sống, nhất là nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện từng tiêu chí, dự án thuộc ba chương trình mục tiêu.
Dù còn một số khó khăn, nhưng nhìn tổng thể, các chương trình được triển khai đã góp phần tạo ra nhiều thay đổi tích cực về kinh tế – xã hội ở từng cơ sở xã và tổng thể toàn huyện.
Vấn đề được Đoàn giám sát của Quốc hội ghi nhận, thông qua các chương trình, cùng với nguồn hỗ trợ từ chương trình, địa phương đã vận động sự tham gia vào cuộc của người dân đóng góp nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông; thực hiện đa dạng các mô hình sinh kế bền vững, như trồng rừng nguyên liệu, trồng sắn nguyên liệu, chăn nuôi trâu, bò, lợn hàng hoá; cải thiện nhà ở dân cư…
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được chăm lo với tỷ lệ lao động qua đào tạo và số người xuất khẩu lao động tăng hàng năm. Các điều kiện về giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường… được cải thiện.
Thông qua thực hiện ba chương trình, điều kiện kinh tế – xã hội trên phạm vi toàn huyện Tương Dương và xã Yên Hoà được cải thiện. Toàn huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tiêu chí bình quân đạt 10,8 tiêu chí/xã.
Kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025, cuối năm 2021, toàn huyện chiếm 39,18% và đến cuối năm 2022 là 34.3% (giảm 5,15%).
Đối với xã Yên Hoà, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2021 chiếm 29,56% và đến cuối năm 2022 giảm xuống còn 23,28% (giảm 6,28%/năm). Hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư với tổng hơn 68 km trong 2 năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm.
Nhiều bất cập đặt ra
Bên cạnh những kết quả, thông qua phản ánh của huyện Tương Dương và xã Yên Hoà liên quan đến một số khó khăn, bất cập trong thực hiện ba chương trình; các thành viên đoàn giám sát đã đề nghị địa phương làm rõ thêm nhiều vấn đề.
Trong đó, gồm nguyên nhân khách quan và chủ quan giải ngân thực hiện các chương trình chậm; tính bền vững và thực chất trong thực hiện các chương trình, nhất là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; việc triển khai lồng ghép thực hiện các chương trình.
Bên cạnh đó là một số vấn đề liên quan nhu cầu từ thực tiễn, nhưng chính sách hỗ trợ từ ba chương trình chưa đề cập; những khó khăn, thiếu hụt về y tế, giáo dục, nhà ở, việc làm, nước sinh hoạt…; các mô hình kinh tế có hiệu quả cần nhân rộng; khó trong thực hiện tiêu chí thu nhập và tỷ lệ hộ giảm nghèo…
Kết quả giải ngân vốn thực hiện các chương trình trên địa bàn huyện Tương Dương: Đến thời điểm này nguồn vốn năm 2023 ở cả ba chương trình đều chưa giải ngân.
Riêng năm 2022, vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới chỉ đạt 14,8% và vốn sự nghiệp đạt 2,9%; nguồn vốn đầu tư chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chỉ đạt 9,11 và vốn sự nghiệp giải ngân 4,58%; nguồn vốn đầu tư giảm nghèo bền vững là 7,66% và vốn sự nghiệp là 18,85%.
Từ thực tiễn triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu và trên cơ sở đề nghị của đoàn giám sát, huyện Tương Dương và xã Yên Hoà đề xuất Trung ương nghiên cứu bổ sung nội dung hỗ trợ giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ các mô hình phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng; hỗ trợ cây con giống cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng cải thiện sinh kế…
Trung ương cũng cần nghiên cứu cơ chế riêng về xây dựng nông thôn mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; điều chỉnh tăng định mức hỗ trợ xây mới nhà ở 80 triệu đồng/hộ; sửa chữa 40 triệu đồng/hộ…
Tập trung giải quyết các khó khăn thuộc chủ quan của địa phương
Kết thúc cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Thúy Anh – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng của cấp uỷ, chính quyền và cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của người dân trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu.
Chia sẻ những khó khăn về kinh tế – xã hội cũng như điều kiện triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu, đồng chí Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: Việc thực hiện giải ngân vốn chậm sẽ dẫn đến nguy cơ “mất” nguồn lực đầu tư, làm lỡ cơ hội đầu tư phát triển trên địa bàn; vì vậy, huyện Tương Dương và xã Yên Hoà cùng với các cơ sở khác cần nghiên cứu để tháo gỡ liên quan đến nguyên nhân thuộc về chủ quan.
Chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, khát vọng thay đổi cho địa phương trong cán bộ, công chức và khát vọng làm giàu, thoát nghèo của người dân, nhằm tạo ra bước thay đổi mới trong giai đoạn tiếp theo trong thực hiện các chương trình.
Đồng chí Nguyễn Thúy Anh cũng đã ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của địa phương để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đoàn giám sát Quốc hội và các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ.