Nỗ lực đóng góp cho nền kinh tế
Những năm qua, doanh nghiệp Nghệ An đã không ngừng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Lực lượng doanh nghiệp đã thể hiện vai trò tiên phong trong tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
9 tháng đầu năm, kinh tế thế giới biến động phức tạp, suy thoái kinh tế làm các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng toàn cầu chậm lại, tăng trưởng thấp… tiếp tục tác động đến sự phát triển của cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng. Khó khăn thể hiện rõ qua những con số: 9 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp thành lập mới giảm, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng. Từ đầu năm đến ngày 21/9/2023 có 1.463 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2022; Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 16,35%; Số doanh nghiệp đã giải thể là 176 doanh nghiệp, tăng 43,09%…
Trong bối cảnh đó, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ và nỗ lực lớn của cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh những tháng cuối năm 2023 từng bước phục hồi, đạt kết quả tích cực.
Số liệu thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9/2023 ước tăng 11,37% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 3,32% so với tháng 8/2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 ước đạt 220 triệu USD, tăng 11,97%…
Cũng như thực tế trên cả nước, cơ cấu, quy mô doanh nghiệp của Nghệ An còn khiêm tốn, với khoảng 97% doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, doanh nghiệp hết sức khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực dệt may. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp tỉnh rất cố gắng duy trì sản xuất, tạo việc làm cho lao động. Trong đó, phải kể đến Tập đoàn may Minh Anh.
Ông Nguyễn Đình Sinh – Tổng Giám đốc Công ty May Minh Anh khu vực Nghệ An cho biết: Thời kỳ cao điểm, tổng 3 nhà máy của doanh nghiệp gồm Minh Anh – Kim Liên, Minh Anh Đô Lương và nhà máy ở huyện Tân Kỳ mới đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho khoảng 9.500 lao động. Ngoài tiền lương, công nhân được hưởng phụ cấp chuyên cần, phụ cấp xăng xe, thưởng hằng tháng, thưởng tay nghề… Hàng nghìn công nhân ở bộ phận sản xuất trực tiếp có thu nhập trung bình 7,5 triệu đồng/tháng. Công ty cũng đã bố trí ô tô đưa, đón công nhân lao động, tổ chức ăn ca…
Cùng với sản xuất, kinh doanh, Công ty May Minh Anh luôn tích cực thực hiện các hoạt động từ thiện, ủng hộ người nghèo trên địa bàn với số tiền vài tỷ đồng mỗi năm.
“Hiện nay, do biến động thị trường, cạnh tranh lao động với các ngành nghề có thu nhập cao như điện tử, xuất khẩu lao động,… nên rất khó khăn, Công ty cố gắng tạo đủ việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Tới đây, tình hình khởi sắc hơn, từ tháng tới sẽ tăng thêm làm việc ngày thứ Bảy bởi số đơn hàng chủ yếu từ thị trường châu Âu, Mỹ sẽ khá hơn; cùng với đó là khôi phục lại thị trường châu Á”- ông Sinh chia sẻ thêm.
Ông Trần Anh Sơn – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh cho biết: Trong bối cảnh do ảnh hưởng từ chiến tranh Nga – Ukraine, lạm phát, thế giới thắt chặt chi tiêu… khiến thị trường rất khó khăn, doanh nghiệp gắng gượng chèo lái. Vì thế, việc duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách là cả nỗ lực lớn của cộng đồng doanh nghiệp.
Để đạt được những kết quả trên, ngoài sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân. Hiện toàn tỉnh có khoảng 14.000 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, đóng góp rất lớn cho ngân sách, nhất là 200 doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh.
Mặc dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp, doanh nhân rất tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, thiện nguyện, tham gia hỗ trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, các doanh nghiệp đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với phương châm “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, tỉnh Nghệ An đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là chú trọng cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…
Nhiều năm qua, tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại, hàng quý UBND tỉnh giao ban Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các hội doanh nghiệp. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là một trong những nội dung được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cấp, ngành và đơn vị liên quan phải tập trung xử lý.
Tại các cuộc đối thoại, giao ban, các hiệp hội, doanh nghiệp nêu ra những tồn tại, vướng mắc trong các cơ quan chính quyền, để giúp chính quyền nhìn nhận, có biện pháp tháo gỡ, qua đó, xây dựng môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. Về phía các hiệp hội doanh nghiệp đã kịp thời phản ánh ý kiến của doanh nghiệp liên quan đến cơ chế, chính sách, hoạt động sản xuất, kinh doanh, chính sách tín dụng,… làm cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp. Với những nỗ lực đó, đã tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn lực về hạ tầng, đất đai, mặt bằng…
Ông Trần Anh Sơn – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh cho biết thêm: Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của tỉnh và các sở, ngành trong công tác cải cách hành chính. Chỉ số DDCI cấp huyện vừa qua cũng thể hiện điều đó, đây là dịp để các địa phương tự soi lại chính mình, chính quyền cần vào cuộc để giúp doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi. Về phía doanh nghiệp, hiện thực hóa khát vọng phát triển của địa phương, người dân có việc làm, không phải tha phương luôn là nỗi trăn trở, thôi thúc đội ngũ doanh nhân phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Hiện nay, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh đang tiến hành khảo sát, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp. Đại diện Phòng Doanh nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh cho biết, đây là lần đầu tiên chúng tôi triển khai thực hiện khảo sát, tập trung các lĩnh vực như: đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, tư vấn, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Từ kết quả khảo sát, nắm bắt khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp để tham mưu UBND tỉnh giải pháp tháo gỡ khó khăn, ban hành những chính sách kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Những động thái đồng hành cùng doanh nghiệp đó thể hiện tinh thần thấu hiểu, chia sẻ của tỉnh với những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp. Thời gian tới, cần tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, giải pháp để tiếp sức cho đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Đây là điểm tựa tinh thần quan trọng giúp đội ngũ doanh nghiệp vững tin, phát triển toàn diện, đạt hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và khối lượng thực hiện vốn đầu tư công cũng như nỗ lực thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh Nghệ An những tháng cuối năm. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023 (tính đến ngày 21/9/2023), đã cấp mới cho 91 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 35.578,3 tỷ đồng; điều chỉnh 122 lượt dự án, trong đó, điều chỉnh tổng vốn đầu tư 33 lượt dự án. Thu hút FDI lần đầu tiên tỉnh Nghệ An vươn lên vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành trong cả nước, với số vốn đăng ký lên đến 1.016,6 triệu USD/14 dự án mới, thu hút trong 9 tháng đầu năm; tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 1.275,21 triệu USD.