Châu chấu tàn phá rừng mét
Năm 2023, do chủ quan không phun phòng trừ sớm từ đầu, toàn bộ 4 ha mét của gia đình ông Lục Văn Thể ở xóm 7, xã Nghĩa Bình (Tân Kỳ) bị châu chấu ăn trụi lá, không có măng để thu hoạch. Rút kinh nghiệm, năm nay ông tập trung theo dõi, phun phòng từ sớm.
“Đây là năm thứ 3 châu chấu lưng vàng gây hại. Loài châu chấu này đã ăn bụi nào là cho trụi lá luôn bụi đó. Vì thế, năm nay tôi theo dõi, phun từ khi châu chấu mới nở dưới đất và to bằng que tăm”, ông Thể cho biết.
Châu chấu lưng vàng bắt đầu nở trên rừng mét tại xã Nghĩa Bình từ ngày 11/4. Ông Nguyễn Văn Minh – Xóm trưởng xóm 7 cho biết: “Ban đầu châu chấu được phát hiện nở trên rừng nứa, giang, bụi cỏ ở các đỉnh núi cao. Đến ngày 17/4 chúng tiếp tục nở trên rừng tre, mét tại xóm 7, với từng ổ co cụm theo đàn từ 2.000– 6.000 con /ổ”.
Dự báo thời gian tới, thời tiết rất thuận lợi cho châu chấu tiếp tục nở, sinh sôi phát triển, có thể lây lan ra diện rộng phá hoại cây mét và một số cây hoa màu trên địa bàn xã nói riêng và một số xã lân cận xung quanh, xã Nghĩa Bình đã tập trung điều tra, tổ chức diệt và phòng trừ; nếu phát hiện các ổ châu chấu non mới nở co cụm thành đàn thì tổ chức phun thuốc diệt trừ ngay để có hiệu quả, tránh châu chấu phát sinh gây hại, lây lan ra diện rộng.
Huyện Tân Kỳ cũng đã tổ chức phát thuốc cho người dân với lượng thuốc đủ phun trừ cho 100 ha mét; chỉ đạo quyết liệt, theo dõi, điều tra dự tính, dự báo sự phát sinh gây hại của châu chấu lưng vàng để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu – cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thực tế đáng lo ngại hiện nay là vùng giang nứa nằm trên đỉnh núi, do địa hình đi lại quá khó khăn nên hầu như không được phun trừ, người dân còn ít quan tâm, nguy cơ châu chấu trưởng thành vào tuổi 3, tuổi 4 và có cánh, chúng sẽ từ các rừng giang, rừng keo tràn xuống phá hoại cây trồng.
Khoanh vùng phòng trừ trên diện hẹp
Châu chấu tre là sinh vật gây hại chính, hàng năm thường phát sinh gây hại nặng ở các rừng tre, mét trên địa bàn tỉnh. Đáng lo ngại, đó là ngoài ăn trụi lá tre, mét, châu chấu tre trưởng thành còn di chuyển gây hại trên nhiều cây trồng nông nghiệp khác như lúa, ngô, mía, cỏ voi…
Ngoài huyện Tân Kỳ, những năm trước, loại côn trùng này cũng đã gây hại trên nhiều diện tích rừng mét tại các huyện Con Cuông, Anh Sơn. Năm 2023, châu chấu tre cũng đã phát sinh với mật độ cao, gây hại nặng trên 150 ha mét tại xóm 7, xã Nghĩa Bình (Tân Kỳ).
Hiện nay, tuy chưa xuất hiện tại các địa phương khác ngoài huyện Tân Kỳ, nhưng thời điểm này châu chấu rất dễ lây lan, gây hại. Theo dự báo, nhiệt độ trong tháng 4/2024 và những tháng tiếp theo sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm, kết hợp với các đợt mưa rào đầu vụ là điều kiện rất thuận lợi cho châu chấu tre phát sinh, phát triển.
Châu chấu non có khả năng sẽ xuất hiện với mật độ cao trên diện rộng trong thời gian từ giữa tháng 4 trở đi, phát triển và tập trung thành đàn lớn di chuyển nhanh và gây thiệt hại nặng trên các rừng mét và một số cây trồng nông nghiệp gieo trồng gần rừng mét nếu không được phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Để chủ động phát hiện, phòng trừ giảm thiểu thiệt hại do châu chấu lưng vàng gây ra, các xã có trồng mét và các đơn vị chuyên môn phải tập trung phối hợp các chủ rừng, tăng cường điều tra, giám sát để phát hiện sớm sự phát sinh gây hại của châu chấu trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt lưu ý những khu vực hàng năm thường bị châu chấu gây hại nhiều để có biện pháp chỉ đạo phòng trừ hiệu quả ngay khi châu chấu mới phát sinh trên diện hẹp, ở dạng các ổ mới nở còn co cụm.
Các chủ rừng thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, gồm cả biện pháp thủ công, như huy động nhân lực sử dụng vợt để bắt đối với những vùng châu chấu mới phát sinh và đang co cụm trên diện hẹp; biện pháp hóa học, sử dụng các loại thuốc hóa học có hoạt chất để bao vây phun trừ sớm, khi châu chấu còn co cụm và chưa bay được. Trong đó lưu ý, đối với khu vực gần nguồn nước, ao, hồ nuôi trồng thủy sản chỉ áp dụng biện pháp thủ công, dùng vợt bắt để hạn chế thiệt hại và nguy cơ ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.
Người dân cần thường xuyên kiểm tra rừng mét để kịp thời phát hiện các ổ châu chấu mới nở, còn co cụm để có thể phòng trừ hiệu quả, mang lại hiệu quả tốt nhất, vì nếu châu chấu đã di chuyển lên ngọn cây mét cao sẽ rất khó để phun trừ, đặc biệt, khi chúng đã sang tuổi lớn và có cánh, có thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác thì sẽ lây lan rất nhanh và gây hại nặng trên diện rộng.