Dự án khẩn cấp nhưng thi công 10 năm chưa bàn giao
Sở dĩ đến thời điểm này có thể khẳng định dự án di dời tái định cư dân khẩn cấp cho vùng ngập lụt ngoài đê xã Hưng Hòa là một trong những dự án di dân chậm nhất trên địa bàn thành phố Vinh, bởi dự án được thông qua từ giai đoạn 2011-2012, nhưng mãi đến năm 2020 mới có nguồn vốn để thực hiện.
Theo đó, Nhà nước đầu tư tổng số tiền 36,6 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương bố trí là 25,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 10,9 tỷ đồng để san lấp 3,309 ha tại xóm Thuận Hòa ngay phía đối diện trong đê sông Lam để làm khu tái định cư tập trung, di dời 58 hộ dân xóm Hòa Lam di chuyển vào ở an cư không thu tiền.
Ông Lê Văn Lương – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (là đơn vị chủ đầu tư dự án) cho biết: Dự án có từ khi Luật Đầu tư công chưa ra đời nên không được bố trí nguồn. Bước sang giai đoạn 2020 – 2025, với nỗ lực lớn thì dự án mới được phê duyệt lại, trên cơ sở đó mới thi công và đến 2022 đã cơ bản hoàn thành.
Ban đầu, dự án chỉ tổ chức di dời cho 58 hộ dân xóm Hòa Lam sống ngoài đê, nhưng do triển khai chậm và đến nay đã có thêm 24 hộ phát sinh nên thay vì hoàn thành, thì dự án phải bổ sung giai đoạn 2 để đầu tư thêm hạ tầng bố trí đất tái định cư cho 24 hộ dân nữa.
Đại diện Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cũng khẳng định: Với cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 đã được đầu tư xong có thể bàn giao dự án để UBND thành phố Vinh tổ chức cho 58 hộ bị ảnh hưởng nhận đất để làm nhà.
Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu của dự án là phải di dời toàn bộ các hộ dân để đảm bảo an toàn, nên một mặt Ban quản lý dự án đang phải làm thủ tục xin đầu tư giai đoạn 2 để đảm bảo đất tái định cư cho 24 hộ mới phát sinh; mặt khác, để cho các hộ tái định cư đi vào thuận lợi, Ban quản lý dự án đang làm thủ tục trình Cục Quản lý đường bộ II (Bộ Giao thông vận tải) để mở hộ lan (một loại lan can bảo vệ) đấu nối đường vào khu tái định cư vào Quốc lộ 46C (đường ven sông Lam).
Hiện Ban quản lý dự án đang trình UBND thành phố Vinh phê duyệt quy hoạch 1/500 giai đoạn 2, sau đó sẽ lập phương án tiền khả thi và khả thi để thi công, phấn đấu hoàn thành bàn giao ngay trong năm 2023 này.
Từ thực tiễn triển khai dự án cho thấy, dự án tái định cư tập trung cho dân vùng ngập lụt ngoài đê xóm Hòa Lam (nay là xóm Thuận Hòa) có tên gọi ban đầu là tái định cư di dời dân khẩn cấp, nhưng do không được bố trí nguồn lực vốn kịp thời nên thời gian thi công quá chậm và kéo dài. Mặc dù phát sinh phức tạp và tốn kém do có thêm 24 hộ dân phát sinh thuộc diện bị ảnh hưởng phải bố trí đất, nhưng xuất phát từ tính nhân văn của dự án nên Trung ương và tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thêm nguồn vốn để đảm bảo đủ đất tái định cư cho 82 hộ bị ảnh hưởng.
Những khó khăn mới phát sinh
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Cao Cường – Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa cho biết: Đến thời điểm này, địa phương chưa nhận được thông tin về tiếp nhận dự án để chia đất cho bà con và tổ chức di dời. Tuy nhiên, qua thông tin được biết thì UBND thành phố Vinh đã lập tổ công tác và giao cho các phòng ban chuyên môn tham mưu phương án xử lý. Xuất phát từ yêu cầu dự án và đảm bảo an toàn cho người dân xóm Hòa Lam, địa phương cũng mong muốn nếu dự án triển khai xong thì phải tổ chức cho người dân nhận đất làm nhà và đưa người dân vào ở an toàn mỗi khi mưa bão, nước dâng gây úng ngập.
Tìm hiểu dự án này cũng như một số dự án phải di dời dân khẩn cấp ra khỏi vùng bị ngập úng, sạt lở, chúng tôi nhận thấy một khó khăn cho Ban chỉ huy phòng chống thiên tai cấp cơ sở. Theo Quyết định 176/QĐ-TTg về hỗ trợ kinh phí di dời thì các hộ dân khi di dời khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm chỉ được hỗ trợ kinh phí di chuyển là 20 triệu đồng/hộ. Mức hỗ trợ trên được ban hành từ năm 2012 và nay theo công bố đã không còn hiệu lực.
Thủ tướng Chính phủ đã phân cấp lại cho địa phương xây dựng định mức hỗ trợ mới, nhưng hiện tại tỉnh chưa ban hành quy định nên rất khó cho các địa phương triển khai, vận động nhân dân. Trao đổi với chúng tôi, các hộ dân tại vùng ngập lụt xóm Hòa Lam (Hưng Hòa) và khu vực sạt lở dưới chân núi Dũng Quyết thuộc địa bàn khối 1, 2, 3 phường Trung Đô đều cho biết: Dù biết sống tại nơi ở cũ là nguy hiểm và không an toàn. Các hộ cũng hiểu được việc thành phố bố trí tái định cư là vì sự an toàn của người dân, nhưng chuyển đi thì không có tiền để làm nhà, vì mức hỗ trợ di dời của Nhà nước chỉ đủ trả tiền vận chuyển.
Mặt khác, qua tìm hiểu được biết, hiện tại các trường hợp buộc phải di dời khẩn cấp đi nơi khác, người dân được giao đất tại nơi mới không mất tiền nhưng pháp luật chưa có quy định thu hồi, trả lại đất cũ hay không. Điều này dẫn đến một thực tế, nếu người dân nhận đất tại nơi ở mới nhưng vẫn ở lại nơi ở cũ và khi mưa bão gây hậu quả nguy hiểm thì xử lý và quy trách nhiệm ra sao?
Ông Trần Quang Lâm – Phó Chủ tịch UBND, Phó Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn thành phố Vinh cho biết: Đây cũng là tình huống mới phát sinh mà thành phố phải xem xét, tính toán để có phương án xử lý.
Ngoài khó khăn trên, theo 1 hộ dân ở xóm Hòa Lam, xã Hưng Hòa nêu băn khoăn là trong khi người dân tái định cư cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như đường Nguyễn Sỹ Sách kéo dài, đường Quế Hoa nối Quốc lộ 46C qua trung tâm hành chính xã Hưng Hòa với đường Nguyễn Sỹ Sách và Khu đô thị Ecopark tại Hưng Hòa, nếu đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thì khi thu hồi được bố trí đất tái định cư tương đương với diện tích đất bị thu hồi. Tuy nhiên, tại xóm Hòa Lam ngoài đê, có những hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên boăn khoăn nay vào khu tái định cư khẩn cấp tại xóm Hòa Thuận thì phương án đền bù thế nào?
Ông Lê Văn Lương – Chi cục trưởng Chi cục Nông thôn cho biết thêm: Các nội dung trên, quá trình khảo sát xây dựng dự án, Ban quản lý dự án đã thu thập, tính toán nên mới đề xuất bố trí đất tái định cư cho 58 hộ giai đoạn 1 và 24 hộ giai đoạn 2. Hiện tại, với tư cách là chủ đầu tư, Chi cục đang tập trung để triển khai dự án đúng theo kế hoạch, nội dung được duyệt; triển khai xong sẽ bàn giao để thành phố xem xét phân lô, bố trí đất tái định cư. Hiện thành phố Vinh đã lập tổ công tác để tham mưu nghiên cứu nên chắc chắn sẽ có phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho bà con./.