ĐỀ CAO TRÁCH NHIỆM
Để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính, năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban.
Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh đã lựa chọn 7 đơn vị (4 sở, ngành và 3 UBND cấp huyện) để tập trung chỉ đạo điểm về cải cách hành chính trong năm 2023. Tại các cuộc họp, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh đã chỉ rõ những vấn đề dư luận còn bức xúc cần phải chấn chỉnh.
Đơn cử, tại phiên họp thứ 2 (ngày 27/7/2023), Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh nêu một số cán bộ thuộc phòng chuyên môn của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường có dư luận phản ánh còn gây phiền hà, sách nhiễu trong thực thi nhiệm vụ…
Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đề cao việc thực hiện trách nhiệm nêu gương, tăng cường theo dõi, nhắc nhở, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý trong thực thi nhiệm vụ, đạo đức công vụ, cải cách hành chính. Cùng đó, kiên quyết thay thế, điều chuyển những trường hợp trì trệ, yếu kém, vi phạm đạo đức công vụ hoặc có dư luận xấu trong thực thi công vụ.
Năm 2023, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Nghệ An đã yêu cầu chuyển vị trí công tác 2 trưởng phòng cấp sở, ngành có dư luận phản ánh gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết công việc.
Tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh đã được quán triệt và tạo được chuyển biến sâu sắc, tích cực đến các sở, ngành, địa phương. Tại thị xã Hoàng Mai, đồng chí Lê Trường Giang – Bí thư thị ủy cho biết: Hằng năm thị xã gắn việc xếp loại cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở tương ứng với mức đánh giá, chấm điểm về cải cách hành chính của thị xã. Trong trường hợp đã được thị xã đánh giá xếp loại, nhưng ngành dọc cấp trên đánh giá cải cách hành chính không đạt yêu cầu thì thị xã sẽ xem xét hạ loại cán bộ, người đứng đầu ngành, đơn vị, địa phương đó.
Tại huyện Tân Kỳ, công tác cải cách hành chính được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá và huyện quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Theo đó, huyện yêu cầu 100% các phòng, ngành, địa phương rà soát bổ sung nội dung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính vào quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị mình và gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu. Huyện cũng yêu cầu các phòng, ban, địa phương xây dựng kế hoạch khắc phục tồn tại trong công tác cải cách hành chính có lộ trình, hiệu quả; rõ người, rõ việc.
Cách làm của huyện Tân Kỳ là tổ chức cho các trưởng phòng, ban, UBND các xã ký cam kết với Chủ tịch UBND huyện trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và công tác cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đến hết năm 2024, sau khi đánh giá nếu cán bộ nào không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì sẽ tự nguyện nghỉ việc hoặc để tổ chức sắp xếp lại công việc khác”
QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ THEO PHƯƠNG CHÂM “5 RÕ”
Thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương, chủ động ban hành các chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ cải cách hành chính. Các chương trình, kế hoạch được xây dựng và thực hiện tốt với phương châm “5 rõ”: Rõ nội dung công việc – Rõ bộ phận tham mưu – Rõ cá nhân lãnh đạo, chỉ đạo – Rõ thời gian hoàn thành – Rõ sản phẩm công việc.
Tại các phiên họp thường kỳ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung quán triệt và yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý, giải quyết công việc, đảm bảo đúng phương châm “nhanh, đúng, hiệu quả”; chuyển từ giải thích, giải trình sang giải pháp, giải quyết.
Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng đã chỉ đạo, đôn đốc các ngành, các cấp tích cực triển khai cải cách hành chính phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh nỗ lực cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, năm 2023, tỉnh Nghệ An công bố kết quả đánh giá Bộ Chỉ số đánh giá chất lượng năng lực điều hành các sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI). UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung rà soát, tiếp tục tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính, phê duyệt quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị.
Các đơn vị, địa phương đã triển khai số hóa và sử dụng kết quả số hóa nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian khai thác hồ sơ, đồng nghĩa với việc rút ngắn thời gian chờ giải quyết chính sách cho người dân, giảm thiểu chi phí đi lại, chuyển trả kết quả và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ.
Qua trao đổi, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho rằng: Để đạt hiệu quả cải cách hành chính, yếu tố con người là tiên quyết, do đó, phải tập trung cao hơn nữa, nâng cao đạo đức công vụ, mỗi cán bộ, công chức phải thực sự vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển chung của tỉnh.
Cùng với đó, muốn cải cách hành chính tốt phải có hạ tầng về công nghệ thông tin và nguồn lực để thực hiện. Các cấp, ngành cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền về cải cách hành chính và quy trách nhiệm cụ thể đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức; nghiên cứu vận dụng sáng tạo các quy định của pháp luật, đồng thời, kiến nghị sửa đổi những quy định chưa phù hợp, còn chồng chéo để xây dựng nền hành chính kiến tạo vì dân.
Từ đó, góp phần để toàn tỉnh tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu nâng cao các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, PAR Index, PAPI vào vị trí nhóm đầu của cả nước.