Chủ động tiếp cận thu hút vốn
Để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, những năm gần đây, thay vì ngồi chờ nhà đầu tư, cấp ủy, chính quyền một số huyện, thị đã xây dựng các nghị quyết, chính sách về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để dọn đường đón các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điển hình trong số này là thị xã Thái Hòa. Từ năm 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã ban hành Nghị quyết số 10 về thu hút đầu tư trên địa bàn. Đến năm 2021, trên cơ sở tổng kết, đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết 10, thị xã tiếp tục ban hành Kế hoạch số 35/KH-UBND về cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư giai đoạn 2021-2025.
Đến nay, sau 3 năm thực hiện Kế hoạch số 35 nói trên, thị xã Thái Hòa đã tạo chuyển biến khi thu hút được 8 dự án đầu tư với tổng số vốn trên 1.835 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với các năm trước. Nhờ đó, thị xã từng bước lấp đầy Cụm Công nghiệp Nghĩa Mỹ và đề xuất mở rộng diện tích cụm công nghiệp lên gấp đôi; tiếp tục đề xuất với tỉnh thông qua quy hoạch xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp tại xã Tây Hiếu.
Để nâng cấp hạ tầng thiết yếu, sau khi hoàn thành cầu Hiếu II và các dự án đô thị tại phường Long Sơn, thị xã đang triển khai quy hoạch đầu tư xây dựng đường tránh thị xã, xây dựng các Khu đô thị ven sông Hiếu và cầu Hiếu III trong tương lai không xa.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch thị xã cho hay: Các dự án đầu tư về hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn được triển khai đồng bộ và bài bản trên cơ sở Nghị quyết số 02 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển thị xã Thái Hòa thành đô thị trung tâm vùng Tây Bắc Nghệ An.
Không chỉ thu hút được các dự án trọng điểm, mang tính động lực, khai thác lợi thế vùng đất Phủ Quỳ của các tập đoàn như: TH, Vinamik, Vingroup, TNG,… thị xã còn thu hút được các dự án lớn như Tổ hợp Nhà máy sản xuất kết cấu thép và dây cáp điện Việt Á với tổng mức đầu tư 1.128 tỷ đồng; Nhà máy may mặc, sản xuất giày da cao cấp Đài Loan với tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất phụ gia nhựa và mảng nhựa với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng; Nhà máy may Thái Hòa với tổng mức đầu tư 149 tỷ đồng… Hiện thị xã đang làm thủ tục để thu hút thêm 4 dự án với tổng mức đầu tư 1.112 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là Nhà máy sản xuất nội thất CAP Nghệ An (Tập đoàn Hợp Lực) với tổng mức đầu tư 668 tỷ đồng.
Tương tự, huyện Tân Kỳ với lợi thế về nguyên vật liệu xây dựng, huyện đã ban hành Quyết định số 2480/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện “Đề án phát triển sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn Tân Kỳ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Bên cạnh việc công khai danh mục, phần việc để triển khai, huyện Tân Kỳ cũng nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; động viên khuyến khích, doanh nghiệp đầu tư nhằm khai thác các vật liệu thế mạnh trên địa bàn, tạo việc làm cho lao động.
Nhờ vậy, 3 năm lại đây, huyện Tân Kỳ đã thu hút được trên 100 tỷ đồng của các doanh nghiệp đầu tư để tái cơ cấu lại các cơ sở sản xuất gạch ngói trên địa bàn. Đồng thời, đã thu hút thêm hàng trăm tỷ đồng đầu tư sản xuất gạch không nung và các trạm trộn bê tông tươi trên địa bàn. Huyện cũng từng bước định hình các vùng sản xuất vật liệu xây dựng trong tương lai như sản xuất, chế biến cát sỏi ở xã Nghĩa Đồng, ngói và bê tông tươi ở xã Nghĩa Hoàn, Tân Long; khai thác đá ở xã Tân Hợp…
Nếu như các huyện miền núi thấp khai thác lợi thế so sánh để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư thì các huyện như Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai cũng chủ động điều chỉnh quy hoạch để mời gọi các nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp và các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội để đón các dự án vệ tinh, phụ trợ sau khi các nhà đầu tư thứ cấp, doanh nghiệp FDI vào thuê đất…
Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư
Để cải thiện môi trường đầu tư, các huyện tập trung cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI), xây dựng bộ máy hành chính thạo việc để đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư doanh nghiệp. Những năm vừa qua cho thấy, địa phương nào người đứng đầu và nhất là Chủ tịch UBND cấp huyện quyết liệt, sâu sát và đội ngũ cán bộ, công chức chuyên môn trách nhiệm thì môi trường đầu tư ở đó có chuyển biến và được doanh nghiệp ghi nhận.
Ông Phan Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ chia sẻ: Với lợi thế về tài nguyên khoáng sản, mong muốn lớn nhất của huyện là mời gọi các nhà đầu tư lớn xây dựng nhà máy có công nghệ hiện đại, quy mô lớn nhưng không vì thế mà bỏ qua các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang làm ăn trên địa bàn có quy mô nhỏ và vừa. Vì thế, cùng với sắp xếp, chuyển đổi để doanh nghiệp quy mô nhỏ thì vào Cụm CN và doanh nghiệp lớn thì vào KCN, huyện ưu tiên thu hút các dự án tạo giá trị gia tăng và giải quyết việc làm tại địa bàn. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện, ngay sau khi tỉnh công bố năm 2023, huyện Tân Kỳ đã tích cực triển khai các giải pháp để cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Một trong những khó khăn hiện nay là công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư. Theo quy định, mỗi cụm công nghiệp quy hoạch tối thiểu diện tích từ 25-30 ha và lớn nhất là trên 70 ha, nhưng do phần lớn diện tích đã được giao ổn định lâu dài cho người dân và quỹ đất dự phòng (đất 5%) tại các địa phương không nhiều nên khi triển khai các dự án phải thu hồi đất gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn chậm trễ trong cải cách hành chính; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Chủ một dự án may mặc từ Nam Định vào đầu tư tại địa bàn Quỳ Hợp cho biết: Năm 2021, được sự tư vấn của lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp đã vào huyện Quỳ Hợp khảo sát nhiều nơi và chọn địa điểm tại xã Tam Hợp. Sau 2 năm vận động, người dân đã đồng ý giao gần 3 ha đất nhưng khi triển khai dự án thì hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào chưa đảm bảo khiến doanh nghiệp gặp khó.
Có thể khẳng định, việc cải thiện môi trường thu hút đầu tư tại các huyện không chỉ là nỗ lực đồng bộ hoá các chính sách ưu đãi của tỉnh vào thực tiễn mà cấp uỷ, người đứng đầu các địa phương cần đồng hành, quyết liệt và sâu sát thì dự án đầu tư mới triển khai thuận lợi và nhanh chóng đi vào hoạt động.