Video clip thu âm bài hát “Về làng Sen”. |
Trong một chuyến công tác được về thăm quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi có rất nhiều kỷ niệm thời thơ ấu của Người, Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng Tào Khánh Hưng dâng trào cảm xúc và rưng rưng bồi hồi. Nhà báo tâm niệm, về với quê hương Bác là trở về với nguồn cội – nơi giáo dục, học tập đạo đức, tư tưởng cách mạng của Người. Và chính điều này đã thôi thúc ông viết ra tác phẩm âm nhạc “Về làng Sen” – một tác phẩm mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ.
Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng Tào Khánh Hưng – tác giả ca khúc “Về Làng Sen”. |
Chúng con về quê Bác làng Sen
Hình ảnh về làng Sen quê Bác đã được nhà báo Tào Khánh Hưng nhẹ nhàng đưa vào ngay từ câu hát đầu tiên. “Chúng con về quê Bác làng Sen” mang ý nghĩa sâu sắc của một người con khi về nơi ghi dấu những kỷ niệm tuổi thơ của Bác. Tứ thơ, hình ảnh trong bài hát đong đầy cảm xúc.
Nhà báo Tào Khánh Hưng chia sẻ: “Về làng Sen” là ca khúc ra đời sau khi tôi cùng đoàn cán bộ, phóng viên của Báo Xây dựng có chuyến đi thực tế về dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh (7/2022), tại làng Sen quê Bác. Cảnh đẹp nơi đây và những hiện vật thân thương gắn với tuổi thơ của Người trong ngôi nhà lá đơn sơ, vách nứa đã thôi thúc tôi có những ý thơ (ca từ) mộc mạc, chân thực nhưng giàu hình ảnh.
Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Xây dựng dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nghệ An). |
Chúng con về quê Bác làng Sen/ Ngôi nhà lá đơn sơ, vách nứa/ Hàng râm bụt đỏ hoa dẫn lối/ Bưởi trĩu cành, sắc tím những vồng khoai. Đây là những hình ảnh chân thực mà bất kỳ người con đất Việt nào khi về thăm quê Bác đều cảm nhận được. Mái nhà lá đơn sơ, hàng râm bụt đỏ hoa, bưởi trĩu cành… được nhà báo chắt lọc đưa vào lời ca khúc.
Tại sao tác giả không chọn “hoa sen” – loài hoa mà từ trước đến nay được trồng nhiều ngay khu di tích Kim Liên, lại đã trở thành “quốc hoa” tiêu biểu, để biểu đạt những gì về cuộc đời Bác giống như những nhạc sĩ khác đã thể hiện, mà lại dùng hình ảnh hoa râm bụt để gợi tả? Rõ ràng, tác giả có ý thức “tránh xa” những khuôn mẫu, những hình ảnh đã được rất nhiều nhạc sĩ tiền bối sử dụng.
Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng Tào Khánh Hưng trao đổi với Thượng tá – Nghệ sĩ ưu tú Hương Giang về nội dung diễn đạt ca khúc trước khi thu âm. |
“Hàng râm bụt ở đây là hình ảnh thực tế trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên dẫn chúng tôi về nhà Bác. Trong ca khúc này, tôi đưa hình ảnh hàng râm bụt đỏ hoa dẫn lối chứ không dùng hình ảnh hoa sen là muốn tạo ra sự khác lạ. Bài hát ra đời đúng dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Bác, thể hiện sự kính trọng, biết ơn của Nhân dân, của Đảng ta với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; đồng thời dâng lên Người niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước” – nhà báo Tào Khánh Hưng chia sẻ.
Khi sáng tác ca khúc này, không thể không nhắc đến huyện Nam Đàn nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung – quê hương giàu truyền thống cách mạng, nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhân tài cho đất nước như: Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong… Và người dân Nam Đàn, Nghệ An rất cần cù chịu khó trong lao động sản xuất, kiên trung, sắt son một lòng theo Đảng. Ơi Nam Đàn, nơi địa linh sinh nhiều nhân kiệt/ Xô Viết kiên trung kháng chiến anh hùng/ Một nắng, hai sương xây mùa hạnh phúc…
Đậm đà âm hưởng dân ca ví, giặm
Ca khúc “Về làng Sen” của nhà báo Tào Khánh Hưng ra mắt đúng vào dịp sinh nhật Bác, được chia thành 2 phần. Phần đầu là tự sự, miêu tả về làng Sen quê hương Bác với bức tranh làng quê sinh động. Phần hai là điệp khúc dâng trào, tình cảm được đẩy lên cao. Đặc biệt là phần điệp khúc Chúng con dâng Người niềm tin sắt son/ Hồ Chí Minh tên Người rạng rỡ non sông – là những ca từ đẹp, lôi cuốn, da diết và hào sảng; tạo được dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng, thể hiện lòng kính trọng Bác Hồ kính yêu và gửi đến Bác niềm tin son sắt của người con đất Việt đang thực hiện những di nguyện của Người.
Theo nhà báo Tào Khánh Hưng, một tác phẩm âm nhạc ra đời là công trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, trí tuệ của cả một ê kíp: Nhạc sĩ sáng tác, nhạc sĩ phối khí, ca sĩ thể hiện. “Với ca khúc “Về Làng Sen” – ca khúc chính trị nhưng phải làm sao để từ ca từ đến giai điệu không bị khô cứng mà phải mềm mại, đi vào lòng người, chuyển tải được ý đồ của tác giả. Chính điều đó, nhóm đã họp bàn xây dựng nội dung ca từ và thống nhất giai điệu, chất liệu nhạc cụ… sao cho hợp lý. Trong bài hát có sử dụng nhiều nhạc cụ: sáo trúc, đàn tranh, đàn bầu cùng đàn điện tử, tạo nên âm hưởng dân ca ví, giặm” – nhà báo Tào Khánh Hưng cho biết.
Người ta nói, âm nhạc giống như sợi dây kết nối, không chỉ đem đến niềm vui, nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực mà còn có thể đưa những con người xa lạ xích lại gần nhau. Với nhà báo Tào Khánh Hưng, âm nhạc chính là người bạn. Có rất nhiều điều không chia sẻ được với ai thì âm nhạc đã giúp nói hộ lòng mình. Âm nhạc cho chúng ta thêm yêu con người, yêu đất nước mình hơn, âm nhạc cũng chính là nơi được trải lòng, được thỏa mãn với những đam mê sáng tạo và lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước. Chính vì thế , mỗi chuyến đi của nghề báo đều là cơ hội để anh trải nghiệm, tích lũy kiến thức, bồi đắp cảm nhận về mọi miền quê đất nước. Và từ đó, chắt chiu yêu thương từng địa danh, ca từ, hình ảnh để một ngày cho ra đời ca khúc mới.
Tận tâm và đam mê, nên dễ hiểu, các tác phẩm âm nhạc – những đứa con tinh thần của nhà báo Tào Khánh Hưng ngay sau khi ra đời đã được công chúng yêu thích như: Về làng Sen, Tự hào cô giáo trẻ, Trong mờ sương Sa Pa, Trường Sa yêu thương, Hà Giang trong tôi, Mường Tè quê em, Hương chè, Về Thủ đô gió ngàn, Tình người Hà Nội, Trở về nơi nguồn sáng, Về Hà Nam anh nhé…
Thượng tá – Nghệ sĩ ưu tú Hương Giang đang thể hiện ca khúc trong phòng thu âm. |
Trong số đó, “Về làng Sen” là ca khúc đầu tiên nhà báo Tào Khánh Hưng viết về Bác nhưng đã thực sự đi vào lòng người bởi lời ca, giai điệu đẹp, ngọt ngào, sâu lắng, mang âm hưởng của ví, giặm ân tình, mà ai nghe cũng cảm nhận như được trở về với làng Sen quê hương Bác.
Người được tác giả tin tưởng lựa chọn thể hiện ca khúc là Nghệ sĩ ưu tú – Thượng tá Nguyễn Hương Giang – một ca sĩ quê Nghệ An có chất giọng trong sáng, kỹ thuật thanh nhạc tốt, những ca khúc dân ca về miền Trung được ca sĩ thể hiện rất thành công. Hương Giang đã từng có thời gian công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 9 và nổi tiếng với vai diễn nhân vật chị Sứ trong tác phẩm kịch “Hai người Mẹ” của cố nhạc sĩ An Thuyên. Thượng tá – Nghệ sĩ ưu tú Hương Giang hiện đang công tác tại Khoa Thanh nhạc (Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội).