Đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn công tác.
Chủ trì tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Văn Đệ- Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có đại diện các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị ven biển.
Phát biểu đặt vấn đề tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến điểm lại một số kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2023, tỷ trọng xuất khẩu của ngành đã góp phần nâng cao vị thế quốc gia. Tuy nhiên, lĩnh vực quản lý, chống khai thác IUU vẫn còn một số tồn tại hạn chế khiến EC sau khi kiểm tra vào tháng 10/2023 chưa gỡ thẻ vàng mà gia hạn thêm. Thời gian tới, Chính phủ và Ban chỉ đạo IUU quốc gia sẽ có các biện pháp và hành động quyết liệt hơn để gỡ thẻ vàng. Vì thế các địa phương phải nâng cao trách nhiệm chia sẻ với Trung ương và có kế hoạch hành động cụ thể.
Đối với Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 3.413 tàu thuyền khai thác, trong đó tàu có chiều dài 6 m trở lên phải đăng ký là 2.516 chiếc, trong đó 2.458 chiếc đã được đăng ký, đạt 97,69% và cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu Vnfishbase 100%…
Triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác thủy sản trái phép IUU, năm 2023, tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo, đồng thời tổ chức họp đánh giá và kiểm tra thực tế tại các địa phương.
Thông qua tuyên truyền đã tổ chức cho các tổ nhóm hợp tác cam kết không khai thác vi phạm IUU và 100% chủ tàu thuyền đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong năm đã xử phạt 139 vụ với số tiền 761,3 triệu đồng; đã lập hồ sơ theo dõi các tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS, xác minh, xử lý tàu mất kết nối VMS dài ngày khi đi đánh bắt…
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo với đoàn công tác một số nét nổi bật trên lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh; đồng thời trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được và hạn chế trong lĩnh vực quản lý khai thác, tỉnh cam kết có chỉ đạo và kế hoạch triển khai đồng bộ và quyết liệt hơn để góp phần cùng cả nước gỡ thẻ vàng trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, đại diện một số sở, ngành, huyện, thị ven biển nêu lên những mặt còn tồn tại về năng lực hạ tầng tàu cá, cảng biển khiến việc kiểm tra tàu ra vào cảng và neo đậu khó khăn; tỉnh đã xây dựng các phương án chuyển đổi nghề sau khi giảm tàu cá nhưng chưa hiệu quả.
Tiếp đó, trên cơ sở kiểm tra thực tế tại các cảng cá Nghệ An, các thành viên đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp & PTNT phát biểu nêu một số giải pháp để quản lý sản lượng tại các cảng cá; các phương án đầu tư nâng cấp cảng loại III và hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản.
Trên cơ sở tổng hợp và tiếp thu ý kiến của các địa phương, UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT trong quá trình xem xét sửa đổi Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính đối với tàu cá, cần bổ sung quy định về chế tài xử lý, yêu cầu ngư dân phải thực hiện xóa đăng ký tàu cá khi tàu đã bán, cháy, chìm, giải bản; quy định chế tài xử lý đối với các cơ sở đăng kiểm không cập nhật đầy đủ dữ liệu lên hệ thống Vnfishbase; sớm có chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề cá…
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ghi nhận nỗ lực cố gắng của tỉnh trên lĩnh vực nông nghiệp năm vừa qua. Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả kiểm tra thực địa tại các cảng vào buổi sáng, Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại yếu kém trong quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tỉnh, đó là tỷ lệ giám sát sản lượng cá qua cảng còn thấp; tỷ lệ xử phạt của lực lượng chức năng trên số vụ việc, tàu cá bị lập biên bản vẫn còn ít. Từ nay đến tháng 4/2024, tỉnh cần có những kế hoạch hành động quyết liệt, quyết tâm hơn trong chống khai thác vi phạm IUU. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần nghiên cứu các cơ chế hỗ trợ để xây dựng phương án chuyển đổi nghề cho ngư dân./.