Với các hoạt động dày đặc và phong phú, chuyến công tác của Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và đoàn công tác tỉnh Nghệ An tại Ấn Độ đã thành công tốt đẹp, đạt ở mức cao tất cả các mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Nghệ An đã đến dâng hoa tại tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thủ đô New Delhi, đặt trong Công viên G20 rộng hơn 4.700m2; thăm, làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
Cũng tại Thủ đô New Delhi, tỉnh Nghệ An phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Phòng Thương mại Ấn Độ (ICC) tổ chức Hội thảo “Khám phá cơ hội đầu tư vào Nghệ An”, nhằm quảng bá môi trường, cơ hội đầu tư, kinh doanh đến doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ.
Sự kiện có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải, ngài Nikhil Kanodia – Chủ tịch miền Bắc, Phòng Thương mại Ấn Độ (ICC), đại diện Bộ Ngoại giao Ấn Độ và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã cung cấp những thông tin về điều kiện tự nhiên, xã hội, hạ tầng, các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh. Hội thảo nhận được sự quan tâm đông đảo của giới doanh nghiệp Ấn Độ và truyền thông.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý và đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Nghệ An đã làm việc với Hiệp hội Các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ.
Toàn bộ ngành công nghiệp ô tô Ấn Độ được định giá khoảng 150 tỷ USD, đóng góp 49% vào GDP sản xuất của đất nước, 7,5% vào tổng GDP và tạo việc làm trực tiếp, gián tiếp cho 38 triệu lao động. Riêng ngành phụ tùng ô tô Ấn Độ rất phát triển, doanh thu trong năm tài chính 2022-2023 đạt gần 70 tỷ USD, trong đó xuất khẩu lên đến 20,1 tỷ USD.
Cũng trong chương trình làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và đoàn đã đến thăm, làm việc tại một số tập đoàn kinh tế lớn tốp đầu của Ấn Độ.
Tại Thủ đô New Delhi, đoàn đã làm việc với ngài Ashok Wadhawan – CEO của Adani PLR Co, đại diện Tập đoàn Adani – một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Ấn Độ đang hoạt động trong các lĩnh vực cảng biển, vận tải, logistics, năng lượng, công nghệ số, sản xuất xi măng, khai thác mỏ… tại hơn 50 quốc gia trên thế giới, có giá trị vốn hóa khoảng 200 tỷ USD.
Tại Noida, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, đoàn đã đến thăm, làm việc với Tập đoàn Motherson. Đây là một trong những tập đoàn lớn nhất của thế giới chuyên sản xuất linh kiện ô tô cung cấp cho hầu hết các hãng ô tô trên thế giới, trong đó có các hãng như: Audi, Daimler, BMW, Porsche, Land Rover, Ford, Volkswagen, Toyota, Hyundai…
Tập đoàn Motherson hiện có hơn 350 cơ sở sản xuất tại 42 quốc gia trên thế giới với khoảng 180.000 nhân viên; doanh thu lên đến 70 tỷ USD, trong đó phần lớn đến từ sản xuất các loại phụ tùng ô tô, nhất là dây điện.
Tại các cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đã thông tin về môi trường đầu tư của Nghệ An và bày tỏ mong muốn được đón tiếp các hiệp hội, tập đoàn đến nghiên cứu, đầu tư tại tỉnh, đặc biệt là trên các lĩnh vực cảng biển, logistics, năng lượng tái tạo, sản xuất phụ tùng ô tô.
Cũng trong chuyến thăm, làm việc tại Ấn Độ, đoàn đã thăm Bảo tàng quốc gia New Delhi, thuộc quản lý của Bộ Văn hóa Ấn Độ – nơi hiện đang lưu giữ khoảng 200.000 hiện vật có tính chất đa dạng của cả Ấn Độ cũng như nước ngoài, trong đó có nhiều hiện vật đại diện cho hơn 5.000 năm di sản văn hóa Ấn Độ.
Đoàn cũng đến thăm, tặng quà lưu niệm Chùa Mahabodhi – tổ hợp đền chùa Phật giáo ở Bodh Gaya, thuộc bang Bihar xây dựng từ thế kỷ thứ III trước Công Nguyên, được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 2002…
Việt Nam và Ấn Độ đã có mối quan hệ truyền thống suốt hơn 2000 năm nhờ vào những kết nối về văn hóa và dân sự. Trong quá khứ, người Ấn Độ đã đến Việt Nam truyền bá đạo Phật và đạo Hindu.
Trong thế kỷ qua, Việt Nam và Ấn Độ đã đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc chiến tranh giành độc lập quốc gia. Người Việt Nam mãi nhớ về hình ảnh người dân Ấn Độ từng chia sẻ, ủng hộ cho tinh thần độc lập của Việt Nam, khi họ hô to “Tomar Naam, Amar Naam, Vietnam Vietnam” có nghĩa là “Tên bạn, tên tôi, Việt Nam, Việt Nam” trên đường phố.
Ngày nay, Việt Nam coi Ấn Độ là một trong những đối tác quan trọng nhất; hai nước là đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2016. Mối quan hệ chính trị, hợp tác an ninh và quốc phòng giữa hai nước rất tốt. Kết nối giữa nhân dân hai nước chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay. Chỉ trong 11 tháng đầu năm 2023, 352.200 du khách Ấn Độ đến thăm Việt Nam, đưa quốc gia Nam Á này vào tốp 10 nước có nhiều du khách nhất đến Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đánh giá, hợp tác trên lĩnh vực kinh tế giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và kỳ vọng. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thương mại, tổng kim ngạch năm 2022 giữa 2 nước mới chỉ ở mức 15 tỷ USD, tức là chiếm khoảng 2% so với tổng thương mại của Việt Nam với thế giới. Ấn Độ cũng chỉ mới đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam và Việt Nam đầu tư hơn 30 triệu USD vào Ấn Độ.
Trên địa bàn Nghệ An hiện mới chỉ có 5 dự án FDI từ Ấn Độ với tổng vốn cam kết gần 39 triệu USD, đứng thứ 8 trong các nước đầu tư nước ngoài, chủ yếu chế biến đá ốp lát và gỗ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2023 giữa Nghệ An và Ấn Độ đạt gần 70 triệu USD.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải đánh giá: Tỉnh Nghệ An đã đưa ra quyết định đúng khi đến Ấn Độ vào thời điểm này, bởi sau đại dịch Covid-19 là thời điểm hoàn hảo để củng cố mối quan hệ đối tác vì lợi ích chung. Cả Ấn Độ và Việt Nam đều có những mục tiêu phát triển đầy tham vọng. Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2047, trong khi Việt Nam đặt mục tiêu đó vào năm 2045.
Các lợi ích chiến lược của hai nước đang hội tụ, do đó cần chuyển đổi mối quan hệ bạn bè và quan hệ chính trị tốt thành đối tác hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân, địa phương và doanh nghiệp của mỗi bên.
Chuyến thăm, làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Nghệ An đã mở ra cơ hội hợp tác mới giữa tỉnh với các đối tác của nước bạn; đặc biệt là tạo cầu nối để các doanh nghiệp Ấn Độ đến tìm hiểu, đầu tư tại Nghệ An, nhất là vào các lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên thu hút và Ấn Độ có thế mạnh, như: Công nghiệp sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông; sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô; chế biến dược; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái; xây dựng và vận hành hạ tầng cảng biển.