Giữ nghề truyền thống
Một ngày trung tuần tháng Năm, cùng với cán bộ địa phương, chúng tôi đến bản Mường Lống 1 và Mường Lống 2, xã Mường Lống để xem nghề rèn truyền thống của bà con được lưu giữ từ bao đời nay. Ngay từ đầu bản đã nghe tiếng búa chan chát xa, gần vẳng lại.
Quan sát cho thấy, dưới những mái nhà truyền thống của đồng bào Mông nơi đây, những lò rèn bập bùng đỏ lửa, những người đàn ông lực lưỡng khoác bộ quần áo bảo hộ, miệt mài làm ra những chiếc dao sắc bén từ thanh sắt phế liệu.
Để tìm hiểu nghề rèn của bà con đồng bào Mông nơi đây, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Lầu Xìa Rê ở bản Mường Lống 1. Ngồi bên lò than đỏ rực, nhịp nhàng tay búa, ông Rê chậm rãi cho biết, nghề rèn gắn liền với hoạt động sinh sống và canh tác của bà con vùng cao. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã tự rèn dũa các loại nông cụ như: dao, cuốc, cào…, kể cả dụng cụ săn, bắn thú rừng.
Vì thế, trước đây hầu hết gia đình nào cũng có một lò rèn để tự làm ra những nông cụ và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Nhà nào cũng vậy, “cha truyền con nối”, bản thân ông Lầu Xìa Rê từ nhỏ cũng được ông cha bày dạy giữ nghề. Cứ thế, lửa rèn nơi đây được nhiều người gìn giữ, tạo “thương hiệu” đặc biệt cho nghề rèn của dân tộc mình.
Ông Rê nói, để rèn được nông cụ tốt, phụ thuộc vào kinh nghiệm của từng người thợ, mà kinh nghiệm ấy lại rất khó để diễn tả bằng lời. Ngoài kỹ thuật tôi thép, còn có rất nhiều bí quyết khác như việc chọn loại thép tốt, phù hợp với từng sản phẩm. Không phải cứ có thép là làm được chiếc dao sắc bén.
Ví như, để làm ra con dao mẹo bén ngọt thì cần loại thép nhíp ô tô để rèn. Trong lúc rèn, nếu tôi thép chưa đủ độ nóng thì thép non, không dùng lâu được, ngược lại nếu tôi quá lửa thì dễ gãy mẻ trong quá trình sử dụng. Điểm đặc biệt trong nghề rèn của đồng bào Mông là khâu tôi thép. Để thực hiện công đoạn này, họ sử dụng nhiều cách khác nhau, mỗi người có một bí quyết riêng.
Do đó, dẫu công phu và kinh nghiệm dồi dào thì để làm ra một chiếc dao mẹo, người thợ rèn giỏi cũng phải mất thời gian hơn 1 ngày. Vì thế, giá 1 chiếc dao mẹo tốt được bán ở Mường Lống từ 400.000 – 500.000 đồng mới xứng công.
Những người thợ rèn giỏi, chỉ cần gõ nhẹ vào dao là biết sản phẩm tốt hay xấu. “Làm một con dao có kích thước và hình dáng đẹp là dễ, còn để làm tốt, sử dụng lâu bền là khó, không phải ai cũng làm được, đòi hỏi người thợ phải có nhiều kinh nghiệm”, ông Lầu Xìa Rê chia sẻ.
Lò rèn thủ công của người Mông thường tạo gió bằng dụng cụ tự chế. Họ sử dụng thân cây gỗ đục rỗng, sau đó chế pít tông kéo ra, đẩy vào tạo thành gió. Khi thợ chính ngồi vào lò rèn là phải có thợ phụ ngồi bên cạnh để đẩy gió cho lò than cháy bùng. Tuy nhiên, hiện nay đã có thợ rèn sử dụng thiết bị điện để quạt thổi lò, máy mài để cải thiện thời gian làm nông cụ.
Không chỉ phục vụ cho đời sống sinh hoạt thường ngày, nhiều thợ rèn trong xã đã làm ra hàng hóa bán trên thị trường, thành nghề có thu nhập, sản phẩm của họ đã “đi” khắp các xã, huyện vùng ngoài.
Cũng là người Mông say mê nghề rèn, anh Lầu Bá Dờ ở bản Mường Lống 1 vừa làm nghề dạy học, vừa duy trì nghề rèn truyền thống do ông cha để lại. Anh Dờ cho hay, sự tỉ mỉ, khéo léo đều có thể được rèn luyện qua quá trình làm nghề, song yêu cầu đầu tiên và xuyên suốt của nghề rèn là người thợ phải có sức khỏe tốt. Người thợ cả và thợ phụ phải phối hợp nhịp nhàng, khi đánh búa cần đều nhịp, khi thụt gió vào lò nhất thiết phải phù hợp với từng thời điểm. Có như thế mỗi sản phẩm làm ra mới là một “tác phẩm” được người dùng trân trọng, sử dụng lâu bền.
“Nghề rèn đòi hỏi người đàn ông phải có sức khỏe, sự kiên trì, nên không phải ai cũng làm được. Người thợ còn phải có cảm nhận tinh tế từ tai và mắt. Đôi tay của thợ rèn vừa phải săn chắc, chai sạn, nhưng cũng đủ nhạy cảm để đánh giá chất lượng từng sản phẩm làm ra”, anh Lầu Bá Dờ chia sẻ.
Xây dựng làng nghề rèn
Ông Và Chá Xà – Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết, nghề rèn của đồng bào Mông nơi đây có từ lâu đời. Trước đây có hàng trăm hộ làm nghề, nhưng nay giảm xuống còn khoảng 40 hộ. Nguyên nhân là do hàng hóa nông cụ từ dưới xuôi lên bán nhiều tại các chợ, nên một số hộ không duy trì nghề rèn mà sẵn tiền ra chợ mua cho tiện. Còn những người hiện còn giữ lửa lò rèn đều là những người giỏi nghề.
Người dân duy trì nghề rèn, ngoài sản xuất nông cụ phục vụ gia đình, còn bán ra thị trường. Sản phẩm chủ yếu là dao, cuốc, xẻng, búa, liềm và các loại nông cụ khác.
“Mới rồi, xã được công nhận làng nghề thêu ren của phụ nữ Mông ở bản Mường Lống 1. Hiện nay, địa phương đang khuyến khích người dân duy trì và phát triển nghề rèn để tới đây đề nghị công nhận làng nghề rèn. Mục đích của việc duy trì và phát triển các nghề truyền thống của địa phương là ngoài phục vụ đời sống sinh hoạt của bà con, còn thúc đẩy phát triển du lịch, mỗi khi du khách đến Mường Lống thưởng thức khí hậu trong lành, mát mẻ, còn được xem người dân làm các nghề truyền thống”, ông Và Chá Xà chia sẻ.
Ở Nghệ An, đồng bào Mông sinh sống nhiều ở một số xã của huyện Kỳ Sơn như Tây Sơn, Nậm Cắn, Huồi Tụ…; ở huyện Quế Phong, đồng bào Mông tập trung nhiều ở xã Tri Lễ; còn ở huyện Tương Dương, đồng bào Mông sinh sống phần đa ở các xã Lưu Kiền, Nhôn Mai…
Nhìn chung, ở đâu có người Mông là ở đó có nghề rèn truyền thống, hiện vẫn được bà con duy trì. Tuy nhiên, với xã Mường Lống (Kỳ Sơn) có tới gần 100% là đồng bào Mông nên lò rèn ở đây có thể nói là nhiều nhất. Với định hướng của chính quyền địa phương thì hứa hẹn nghề rèn nơi cổng trời Kỳ Sơn sẽ được gìn giữ và phát triển hơn./.