Theo quan niệm dân gian của người Việt, ông Táo sẽ cưỡi cá chép bay về Trời để báo cáo với Ngọc Hoàng tình hình trong 1 năm qua; và cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân lại đến các điểm ao, hồ, sông để thả cá. Theo ghi nhận của P.V, trưa 2/2/2024 (tức 23 tháng Chạp), người dân TP.Vinh đã tập trung đông đúc tại sông, hồ trên địa bàn TP.Vinh để thả cá chép.
Tuy nhiên, điều đáng nói là tình trạng người dân xả rác bừa bãi sau khi thả cá chép lại tái diễn dù đây là hành động đã được tuyên truyền, nhắc nhở, phê bình nhiều năm qua trên các phương tiện thông tin truyền thông.
Đơn cử như tại sông Lam, đoạn thuộc địa phận phường Bến Thuỷ, TP.Vinh trong trưa 2/2, rất nhiều nhóm người đã đến để thả cá chép xuống sông. Sau khi thả cá, các loại bao ni lông, túi nhựa… người dân vứt bừa bãi ven sông, trên cành cây, gốc cây. Nhiều người còn mang các đồ thờ cúng như bình hoa, lư hương, bàn thờ… ném ra khắp nơi.
Bên cạnh việc thiếu ý thức của một bộ phận người dân thì theo quan sát của phóng viên, năm nay, chính quyền các phường Bến Thuỷ, Hưng Dũng (được phụ trách trật tự đô thị tại ven sông Lam) đã không bố trí các thùng rác hay treo các tấm biển hướng dẫn, nhắc nhở đối với người dân thả cá. Dẫn đến hàng loạt túi ni lông trôi theo cá chép…
Khu vực cầu Cửa Tiền bắc qua sông Vinh cũng trong tình trạng tương tự. Đây là điểm thả cá chép nhiều năm qua của người dân các phường Vinh Tân, Cửa Nam, Hồng Sơn… Tại đây, các túi ni lông sau khi thả cá bị chất thành đống lớn ngay ven sông.
Điều đáng nói, dù tại khu vực này đã có các thùng rác mà lực lượng công nhân vệ sinh bố trí, nhưng số lượng rác bỏ vào rất ít. Người dân thả cá rồi “tiện tay” vứt bao ni lông tại điểm thả, dù khoảng cách thùng rác chỉ vài ba mét.
Qua đây, chính quyền các địa phương gần các con sông, ao, hồ cần cắt cử lực lượng chức năng túc trực, nhắc nhở người dân tại các điểm thả cá, không nên để một nét đẹp văn hoá lâu năm của người Việt trở thành điểm ô nhiễm môi trường sống trong thời gian tới.