Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; đại diện các ban Đảng Trung ương; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số sở, ngành.
NGHỆ AN THIẾU 5.700 GIÁO VIÊN
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp năm học 2022 – 2023; định hướng nhiệm vụ năm học 2023 – 2024.
Theo đó, năm 2022, ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu và hoàn thành xuất sắc các tiêu chí thi đua.
Kết quả học sinh giỏi quốc gia, quốc tế luôn đứng tốp đầu cả nước; Kết thúc năm học 2022-2023, Nghệ An có 3 học sinh đạt Huy chương Vàng và 1 học sinh đạt Huy chương Bạc Olympic quốc tế; 9 em đạt Huy chương Bạc và 1 em đạt giải Khuyến khích kỳ thi Olympic Toán quốc tế TIMO năm 2023.
Tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023 Nghệ An có 87 em đạt giải (trong đó, có 7 giải Nhất, 32 giải Nhì, 30 giải Ba và 18 giải khuyến Khích, xếp vị trí thứ 2 cả nước, sau thành phố Hà Nội).
Kết quả giáo dục đại trà đứng thứ 22/63 tỉnh, thành toàn quốc. Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành cho biết, ngành phấn đấu đứng trong tốp 15 cả nước.
Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế được quan tâm; qua đó nâng cao vị thế về giáo dục của tỉnh. Nghệ An đã tiếp nhận đào tạo đại học, sau đại học cho 100 cán bộ, sinh viên và hoàn thành đào tạo Tiếng Việt cho 111 lưu học sinh Lào năm 2022.
Tỉnh cũng hoàn thành thủ tục tiếp nhận đào tạo đại học và sau đại học cho 101 cán bộ, sinh viên và đào tạo Tiếng Việt cho 121 lưu học sinh Lào năm 2023; là địa phương đầu tiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý (tại Công văn số 5832/BGDĐT-GDTrH ngày 07/11/2022) và đang tiếp tục chỉ đạo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lưu học sinh Lào tại các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tổ chức tuyển sinh từ năm học 2023-2024.
Chất lượng, hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, toàn tỉnh có 34 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 3 trường chất lượng cao, 16 trường có ngành nghề trọng điểm theo các cấp độ Quốc tế, ASEAN, quốc gia; có 19 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 trường đại học.
Tại cuộc làm việc, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh kiến nghị một số nội dung liên quan đến xây dựng đội ngũ ngành Giáo dục. Đặc biệt, qua rà soát, Nghệ An đang thiếu khoảng 5.700 giáo viên mầm non và phổ thông; đề nghị cần ban hành chính sách để chi trả kinh phí cho số giáo viên còn thiếu, kinh phí chi trả cho giáo viên hợp đồng (cho đến khi Trung ương phê duyệt bổ sung). Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cũng đề nghị Trung ương quan tâm giải quyết bổ sung biên chế giáo viên còn thiếu sớm đáp ứng yêu cầu của năm học 2023-2024.
Đồng thời có chính sách hỗ trợ chung cho một số vị trí đang bố trí kiêm nhiệm như: nhân viên kế toán, y tế kiêm trường; giáo viên một số đơn vị dạy kiêm trường, dạy nhiều điểm trường mà có khoảng cách đi lại xa (môn Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật,…); xem xét trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ viên chức công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo phát huy trách nhiệm gắn với quyền lợi của giáo viên biệt phái; ưu tiên ngân sách đầu tư trước cho cơ sở vật chất trường, lớp học, trang thiết bị dạy học…
Tại cuộc làm việc, đồng chí Phan Đức Đồng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh kiến nghị thu hút xây dựng các trường quốc tế nhằm tạo cạnh tranh với trường công lập, qua đó giảm áp lực cho các trường THPT công lập; đồng thời cần có cơ chế đặc thù trong quản lý giáo dục đào tạo với thành phố Vinh để xây dựng mô hình tiên tiến theo xu hướng hội nhập quốc tế.
Trước việc các địa phương cấp huyện đang biệt phái giáo viên về làm việc tại phòng Giáo dục và Đào tạo, đồng chí Lê Đức Cường – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đề nghị nghiên cứu, tham mưu để giải quyết dứt điểm vấn đề này, tránh việc biệt phái.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cũng phân tích rõ thêm một số nội dung liên quan, nhất là áp lực đối với việc thiếu trường THPT, đặc biệt là trường chất lượng cao, trên địa bàn tỉnh nói chung và địa bàn TP. Vinh nói riêng.
Phân tích một số nguyên nhân, Chủ tịch UBND tỉnh nêu giải pháp, như lãnh đạo UBND tỉnh đã làm việc với Tập đoàn FPT để xây dựng tổ hợp giáo dục, trong đó có xây dựng trường phổ thông liên cấp và trường cao đẳng nghề tại Nghệ An. Về tổng thể, để xây dựng các cơ sở giáo dục THPT chất lượng trên địa bàn, người đứng đầu UBND tỉnh cho biết, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ báo cáo về nội dung này.
TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NĂM HỌC 2023 – 2024 CHỦ ĐỘNG, LINH HOẠT, SÁT THỰC TIỄN ĐỊA BÀN
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đánh giá, kết quả tích cực cả ở giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của ngành Giáo dục; tổ chức các kỳ thi đảm bảo an toàn, đúng quy định, quy chế thi; đào tạo nghề theo hướng tích cực; đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài;…
Về nhiệm vụ năm học 2023 – 2024, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị quan tâm triển khai chủ động, linh hoạt kế hoạch năm học sát với thực tiễn địa bàn; đặc biệt là chú trọng quan tâm giáo dục kỹ năng sống, tin học, ngoại ngữ cho học sinh.
Người đứng đầu Tỉnh ủy cũng yêu cầu rà soát lại hệ thống mạng lưới quy hoạch để nếu cần thiết điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, nhất là trong là giai đoạn sáp nhập địa giới hành chính cấp xã; gắn với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, lấy ý kiến rộng rãi người dân và vận động nhân dân thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp; tránh sự xung đột.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu thực hiện tốt việc hỗ trợ đồ dùng học tập, học phí, sách giáo khoa… cho học sinh nghèo, khó khăn khi bước vào năm học mới; đồng thời quan tâm việc thu chi từ đầu năm học, đặc biệt cần có hướng dẫn, đảm bảo công tác xã hội hóa đúng quy chế, quy định; sử dụng hợp lý, minh bạch, rõ ràng, quản lý chặt chẽ; “cởi bỏ” bớt gánh nặng do giao khoán toàn bộ việc thu, chi đầu năm học cho giáo viên chủ nhiệm.
Người đứng đầu Tỉnh ủy cũng yêu cầu cần quan tâm tư vấn học đường, giải quyết các bức xúc, mâu thuẫn nội bộ trong học sinh; rà soát, đánh giá lại việc tuyển dụng giáo viên vào 2.820 biên chế được bổ sung.
Đối với các kiến nghị của của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh với ngành Giáo dục, Bí thư Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo cụ thể; trong đó với 5.700 giáo viên còn thiếu cần tiếp tục đề xuất Trung ương; đồng thời Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cần quan tâm chế độ hợp lý đối với đội ngũ giáo viên hiện nay do phải dạy thêm giờ vì thiếu giáo viên.
Về biệt phái giáo viên, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh đánh giá lại việc này một cách cụ thể, qua đó có giải pháp phù hợp…